1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Các nước dồn dập tăng sức ép lên Trung Quốc ở Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ, Nhật Bản và Indonesia đồng loạt tăng cường gây sức ép với Trung Quốc trên Biển Đông nhằm phản đối các hành động của Bắc Kinh tại khu vực này.

Các nước dồn dập tăng sức ép lên Trung Quốc ở Biển Đông - 1

Các máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ ở Biển Đông (Ảnh: US Navy).

Trong bài viết trên Twitter ngày 29/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington sẽ luôn "sát cánh" cùng các đồng minh và đối tác nhằm "ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Indonesia ngày 28/3 cùng gửi đi thông điệp rằng, hai nước phản đối bất kỳ hành động nào của Trung Quốc khiến căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết hai nước sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng, đồng thời tổ chức một cuộc tập trận chung trên Biển Đông.

Các động thái của Mỹ, Nhật Bản và Indonesia diễn ra trong bối cảnh hơn 200 tàu cá Trung Quốc được phát hiện neo đậu tại một bãi đá trên Biển Đông từ ngày 7/3. Đây được cho là các tàu dân quân biển của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh bao biện rằng đây là những tàu cá trú ẩn để tránh thời tiết xấu.

Mặc dù Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Tokyo cũng có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Nhật Bản từng lên tiếng bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh mới của Trung Quốc, trong đó cho phép lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài.

Trong tuyên bố chung sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Nhật Bản hồi giữa tháng 3, hai nước tuyên bố phản đối các yêu sách hàng hải "phi pháp" của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tại eo biển Đài Loan - vấn đề Bắc Kinh coi là "lằn ranh đỏ".

Kang Lin, phó giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc, dự đoán sức ép đối với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục tăng lên khi Mỹ tái thiết các quan hệ đồng minh trong khu vực dưới thời Tổng thống Joe Biden.

"Biển Đông rõ ràng không phải là vấn đề mà chính quyền mới của ông Biden xác định có thể tìm cách hợp tác với Trung Quốc. Đây được xem là vấn đề cạnh tranh hoặc phản kháng", nhà nghiên cứu Kang Lin nhận định.

"Khác với cách tiếp cận đơn phương của ông Donald Trump, ông Biden lựa chọn cách tiếp cận "hành động tập thể" với các đồng minh của Mỹ. Bất kể khi nào một đồng minh (của Mỹ) đối mặt với thách thức, Mỹ cũng sẽ kêu gọi bạn bè để gây sức ép với Trung Quốc. Do đó, có thể dự đoán rằng (dưới thời Tổng thống Biden) Trung Quốc sẽ đối mặt với sức ép lớn hơn về vấn đề Biển Đông so với nhiệm kỳ của ông Trump", nhà nghiên cứu Kang Lin nói thêm.

Trong vấn đề Biển Đông, chính quyền Tổng thống Biden được cho là sẽ tiếp tục "nối gót" chính quyền tiền nhiệm trong việc đòi hỏi Trung Quốc phải tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Cuộc họp gần đây của Mỹ với các thành viên trong nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản) cũng nhấn mạnh vai trò ưu tiên của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là UNCLOS.

Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh đưa tàu chiến, máy bay tới tuần tra Biển Đông, sau khi Washington liên tục triển khai hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này. Theo đó, Đức, Pháp, Anh đều có kế hoạch đưa tàu đến Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm