1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nhà ngoại giao Triều Tiên khăn gói rời Malaysia sau khi cắt quan hệ

An Bình

(Dân trí) - Các nhà ngoại giao Triều Tiên hôm nay đã khăn gói rời đại sứ quán ở thủ đô Kuala Lumpur và lên đường về nước, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố cắt hoàn toàn quan hệ với Malaysia.

Các nhà ngoại giao Triều Tiên khăn gói rời Malaysia sau khi cắt quan hệ - 1

Một nhà ngoại giao Triều Tiên vận chuyển đồ lên xe buýt trước khi rời đi ngày 21/3 (Ảnh: AP).

Theo AP, quốc kỳ Triều Tiên và biển báo đại sứ quán đã bị gỡ khỏi khu nhà ngoại giao tại một khu vực ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur. Hai chiếc xe buýt chở các nhà ngoại giao và gia đình họ tới sân bay, nơi họ làm thủ tục để lên một máy bay đi Thượng Hải, Trung Quốc.

Trước đó, Triều Tiên ngày 19/3 tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Kuala Lumpur sau khi một tòa án ở Malaysia phán quyết dẫn độ một công dân Triều Tiên sang Mỹ với cáo buộc rửa tiền.

Malaysia đã lên án quyết định trên và đáp trả "ăn miếng trả miếng", yêu cầu các nhà ngoại giao Triều Tiên rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ.

Ông Kim Yu Song, tham tán sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur, sáng ngày 21/3 đã đọc một tuyên bố trước các nhà báo bên ngoài đại sứ quán trước khi rời khi. Ông cáo buộc Malaysia đã phạm phải "tội không thể tha thứ", rằng nước này "phụ thuộc vào Mỹ và tham gia âm mưu của Mỹ nhằm cô lập và bóp nghẹt" Triều Tiên.

"Giới chức Malaysia đã giao công dân của chúng tôi cho Mỹ, do đó phá hủy nền tảng của mối quan hệ song phương dựa trên sự tôn trọng chủ quyền", quan chức trên nói trước khi rời đi tới sân bay.

Các nhà ngoại giao Triều Tiên khăn gói rời Malaysia sau khi cắt quan hệ - 2

Chiếc xe buýt chở các nhà ngoại giao Triều Tiên và gia đình họ rời sứ quán để ra sân bay (Ảnh: AP).

Trước đó, vào ngày 9/3, tòa án tối cao Malaysia phán quyết ông Mun Chol Myong, một công dân Triều Tiên, có thể bị dẫn độ sang Mỹ và đối diện với cáo buộc rửa tiền.

Malaysia đã bảo vệ động thái nhằm dẫn độ công dân Triều Tiên Mun Chol Myong, nhấn mạnh rằng điều này chỉ được thực hiện sau khi tất cả các quy trình pháp lý hoàn tất.

Ông Mun, người sống tại Malaysia trong 10 năm qua và bị bắt vào năm 2019, đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ về việc ông có liên quan tới việc cung cấp hàng hóa xa xỉ từ Singapore tới Triều Tiên. Ông Mun đã chống lại yêu cầu dẫn độ, cho rằng nó mang động cơ chính trị.

Triều Tiên gọi cáo buộc trên là một "sự bịa đặt vô lý và một âm mưu tuyệt đối" do Mỹ dàn dựng, cảnh báo Washington sẽ "phải trả giá đắt".

Một số chuyên gia cho rằng, việc cắt đứt quan hệ với Malaysia có thể là một cách để Triều Tiên thể hiện sự giận dữ với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, mà không gây ảnh hưởng tới khả năng cuối cùng nhằm quay trở lại đàm phán hạt nhân với Washington.

Triều Tiên khẳng định sẽ không tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ trừ khi nước này từ bỏ chính sách mà Bình Nhưỡng xem là "thù địch". Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể sẽ trở lại đàm phán để tìm cách dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhằm phục hồi nền kinh tế khó khăn.

Malaysia từng có quan hệ thân thiết với Bình Nhưỡng, nhưng mối quan hệ này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ công dân Triều Tiên mang hộ chiếu Kim Chol bị sát hại bằng chất độc thần kinh ở sân bay Kuala Lumpur tháng 2/2017. Nạn nhân bị nghi là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song Bình Nhưỡng bác bỏ thông tin này. Sau vụ việc, hàng loạt diễn biến đã khiến quan hệ giữa 2 quốc gia trở nên căng thẳng hơn.