1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các nhà khoa học đoạt giải Nobel kể chuyện thăm Triều Tiên

(Dân trí) - Một nhóm những người từng đoạt giải Nobel mới đây đã có chuyến thăm đất nước bí ẩn Triều Tiên bất chấp sự phản đối của Hàn Quốc, nói rằng họ muốn chìa nhành ô-liu bằng cách đưa ngoại giao học học giả và phi chính trị tới quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bị thế giới cô lập.


Các học sinh đang tập múa ở trung tâm Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)

Các học sinh đang tập múa ở trung tâm Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)

Ba người đoạt giải Nobel - Aaron Ciechanover, Finn Kydland và Richard Roberts - đã tới Triều Tiên hôm 29/4 trong một chương trình chủ yếu bao gồm các trao đổi học giả tại các trường đại học lớn của Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng, dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hòa bình Quốc tế tại Vienna, Áo.

Ông Uwe Morawetz, người đứng đầu tổ chức trên, cho biết với báo giới tại Bắc Kinh sau khi trở về từ Bình Nhưỡng rằng trước khi đi ông đã gặp đại sứ Hàn Quốc tại Bangkok.

“Đại sứ Hàn Quốc đã đề nghị chúng tôi hoãn chuyến đi cho tới sau đại hội toàn quốc của đảng Lao động Triều Tiên, nhưng không yêu cầu chúng tôi hủy chuyến thăm”, ông Morawetz nói, nhắc tới đại hội đảng đầu tiên của Triều Tiên trong 36 năm qua, khai mạc ngày 6/5.

“Vấn đề đơn giản là những người đoạt giải Nobel rất bận và không thể chuyển một sự kiện đã được lên kế hoạch trong 2 năm rưỡi sang một dịp khác trong năm”, ông Morawetz cho biết thêm. “Vì vậy chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi vẫn thực hiện chuyến thăm, nhưng chính phủ Mỹ chưa từng liên hệ với chúng tôi”.

Mặc dù trong chuyến thăm này họ không gặp các chính trị gia cấp cao của Triều Tiên nhưng ông Morawetz cho hay trước đó ông đã gặp Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam, vì vậy ông biết Bình Nhưỡng ủng hộ chuyến thăm ở mức cao nhất.

Nhóm đã thảo luận các vấn đề kinh tế và y học tại Triều Tiên, nhưng không thảo luận về hạt nhân, ông Morawetz cho hay.

Ciechanover, người đoạt giải Nobel Hóa học năm 2004, cho biết ông là một bác sĩ và vì vậy không bị hỏi về bất kỳ điều gì liên quan tới vấn đề hạt nhân.

“Chúng tôi không đến đó để chỉ trích họ, chúng tôi cũng không đến để hỏi về ý nghĩ của nền dân chủ trong mắt họ. Chúng tôi chỉ đến để trò chuyện và trao đổi với sinh viên”, Ciechanover nói.

Roberts, người đoạt giải Nobel Y học năm 1993, cho hay ông đã mời một trong số các sinh viên ông gặp tại Triều Tiên để tới thăm phòng thí nghiệm của ông tại Mỹ.

“Có thể điều đó cần sự cho phép của chính phủ Mỹ”, ông Roberts nói về cơ hội ông có thể đưa một sinh viên Triều Tiên tới Mỹ.

Triều Tiên phần lớn cách ly với thế giới bên ngoài do các lệnh trừng phạt quốc tế bị áp đặt lên chương trình hạt nhân của nước này. Bình Nhưỡng cũng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi tháng 1.

Chính phủ Triều Tiên, vốn lo ngại sự ảnh hưởng của phương Tây, cũng giám sát chặt chẽ về những điều người dân biết về thế giới bên ngoài và các mối liên hệ của họ với người nước ngoài.

An Bình