1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các loại vũ khí uy lực nhất hiện nay của Nga và Mỹ

Trong ấn bản mới nhất, tạp chí Mỹ The National Interest đã đưa ra nhận định, Mỹ sẽ không khơi mào một cuộc chiến với Nga.

Tuy nhiên, Quân đội Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục phải đối đầu với nhiều dòng vũ khí có nguồn gốc Nga được xuất khẩu tới nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Liên quan tới vấn đề này, The National Interest đã đưa ra bảng xếp hạng các loại vũ khí uy lực nhất hiện nay của Nga và Mỹ.

Tạp chí Mỹ The National Interest nhận định, Nga đang sở hữu kho vũ khí có thể khiến đối thủ phải thực sự cân nhắc khi muốn gây chiến. Theo The National Interest, Top 5 loại vũ khí uy lực của Nga hiện nay là máy bay chiến đấu Su-35, tàu ngầm chạy diesel-điện lớp Amur, xe tăng T-90, tên lửa diệt hạm siêu thanh P-800 Onyx và ngư lôi 53-65.

Máy bay chiến đấu Su-35S trong biên chế Không quân Nga. Ảnh: TASS
Máy bay chiến đấu Su-35S trong biên chế Không quân Nga. Ảnh: TASS

“Su-35 hiện là dòng máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất của Nga, cũng như thế giới hiện nay”, The National Interest đăng tải. Su-35 được thiết kế để hoạt động tốt trên độ cao lớn và khả năng thao diễn trên không cực tốt. Yếu tố này kết hợp với trang bị điện tử hàng không tân tiến trên khoang giúp Su-35 trở thành đối thủ đáng gờm đối với Không quân Mỹ

Tàu ngầm lớp Amur

Tàu ngầm Amur 1650. Ảnh: TASS
Tàu ngầm Amur 1650. Ảnh: TASS

Amur được biết tới là một biến thể của tàu ngầm chạy diesel-điện thuộc Đồ án 677 Lada được phát triển phục vụ mục đích xuất khẩu. Tàu ngầm Amur nổi tiếng ở khả năng hoạt động im lặng và trang bị vũ trang hạng nặng. Theo nhiều nguồn tin, tàu ngầm Amur cũng có thể được trang bị công nghệ động lực không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP) giúp nó có khả năng hoạt động dưới nước lâu hơn. Vũ khí chính của tàu ngầm Amur là các ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và 10 ống phóng thẳng đứng trang bị tên lửa hành trình Onyx hoặc Kalibr.

Xe tăng T-90

Xe tăng T-90 và nguyên mẫu T-14 Armata. Ảnh: Rian
Xe tăng T-90 và nguyên mẫu T-14 Armata. Ảnh: Rian

“T-90 hiện tại là trang bị chủ lực của Quân đội Nga cho tới khi Armata được biên chế”, The National Interest đăng tải. T-90 khác biệt so với các dòng xe tăng Mỹ và phương Tây ở việc nó nhỏ gọn hơn để phù hợp với tư duy tác chiến tăng trên các bình nguyên của Liên Xô và Nga. Tuy nhỏ con, nhưng T-90 là dòng xe tăng uy lực với hỏa lực mạnh kết hợp với hệ thống giáp phức hợp và giáp phản ứng nổ Kontact-5.

Tên lửa hành trình Onyx

Tên lửa P-800 Onyx. Ảnh: warfare.ru
Tên lửa P-800 Onyx. Ảnh: warfare.ru

P-800 Onyx là dòng tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh có thể trang bị trên nhiều loại phương tiện chiến đấu khác nhau. Thiết kế của Onyx phù hợp cho nhiệm vụ tiêu diệt tàu nổi và thậm chí là các mục tiêu trên bộ của đối phương với độ chính xác cao. Tầm bắn của P-800 theo các nguồn tin công khai là 300km, nhưng nhiều nguồn tin khác cho rằng tầm bắn hiệu dụng của P-800 có thể lên tới 500km.

Tạp chí The National Interest nhận định, P-800 hoàn toàn vượt trội so với dòng tên lửa đối hạm Harpoon và Hải quân Mỹ hiện chưa có phương án đối phó hiệu quả lại với dòng tên lửa diệt hạm của Nga này.

Ngư lôi 53-65

Ngư lôi 53-65. Ảnh: warfare.ru
Ngư lôi 53-65. Ảnh: warfare.ru

“Đây là loại vũ khí thực sự nguy hiểm đối với Hải quân Mỹ. Dòng ngư lôi tự dẫn này có khả năng bám theo và tiêu diệt tàu nổi đối phương với chỉ 1 quả đạn”, The National Interest đăng tải.

Hệ thống tự dẫn đặc biệt của ngư lôi 53-65 cho phép nó phát hiện và bám theo sóng nước phát ra từ chân vịt tàu đối phương. Nguyên tắc hoạt động này đã làm đau đầu các chuyên gia vũ khí Hải quân Mỹ khi không tìm ra phương án gây nhiễu hay đối phó với ngư lôi 53-65.

* Cùng với Top 5 vũ khí uy lực của Nga, The National Interest cũng xếp hạng Top 5 loại vũ khí uy lực của Mỹ hiện nay:

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio

SSBN 730 thuộc lớp Ohio trong biên chế Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
SSBN 730 thuộc lớp Ohio trong biên chế Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Theo The National Interest, đứng đầu danh sách là tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio. Đây là một thành phần trong bộ ba hạt nhân của Mỹ. Dòng tàu ngầm chiến lược này mang theo 24 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident có khả năng hủy diệt mạnh mẽ. Nhờ trang bị động cơ hạt nhân, tầm hoạt động của lớp tàu ngầm này là không có giới hạn.

Máy bay ném bom B-2 Spirit

Máy bay ném bom B-2 trong một phi vụ thử vũ khí. Ảnh: DefenseTalk.
Máy bay ném bom B-2 trong một phi vụ thử vũ khí. Ảnh: DefenseTalk.

B-2 Spirit là dòng máy bay ném bom chiến lược kết hợp các tính năng tàng hình, khả năng linh hoạt cao và khối lượng vũ khí mang theo lớn. Đây là dòng máy bay ném bom duy nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại có khả năng vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại và có thể bay nửa vòng Trái đất (khoảng 11.000km) mà không cần tiếp liệu. Điểm hạn chế duy nhất của B-2 là công nghệ tàng hình chỉ cho phép nó bay ở tốc độ cận âm.

Máy bay chiến đấu F-22 Raptor

Máy bay chiến đấu F-22. Ảnh: DefenseTalk.
Máy bay chiến đấu F-22. Ảnh: DefenseTalk.

Sự khác biệt của F-22 nằm ở việc đây là dòng máy bay chiến đấu tàng hình và có khả năng thao diễn cơ động. F-22 phù hợp tham gia các nhiệm vụ không đối không hoặc không đối đất. F-22 hiện là dòng máy bay thế hệ thứ 5 duy nhất trên thế giới đang phục vụ chiến đấu.

Hệ thống phòng thủ tên lửa

Tổ hợp Aegis Ashore Mỹ triển khai tại Romania. Ảnh: Getty
Tổ hợp Aegis Ashore Mỹ triển khai tại Romania. Ảnh: Getty

“Washington đang có kế hoạch triển khai các thành phần lá chắn tên lửa tới châu Âu với lý do phòng ngừa khả năng bị tấn công tên lửa từ Iran. Tuy nhiên, hành động này vấp phải sự phản đối gay gắt từ Nga”, The National Interest đăng tải. Thành phần của các tổ hợp lá chắn tên lửa Aegis ashore là các giếng phóng tên lửa đánh chặn cố định và mô-đun điều khiển.

Theo quan điểm của Moscow, lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu đang gây mất cân bằng chiến lược giữa hai bên. Tuy nhiên, về phần mình, Washington tuyên bố, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ không gây ảnh hưởng tới khả năng răn đe hạt nhân của Nga.

Các quốc gia đồng minh

Theo The National Interest, các quốc gia đồng minh tuy không phải là thực thể vũ khí, nhưng lại có vai trò then chốt trong các cuộc xung đột vũ trang. Có thể lấy ví dụ rõ ràng là việc dù Nga phản đối, nhưng Mỹ vẫn có thể triển khai các thành phần của lá chắn tên lửa tại châu Âu trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên NATO. Trong khi đó, nhiều quốc gia thành viên NATO lại nằm rất sát biên giới Nga như Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic.

Theo Tuấn Sơn

Quân đội nhân dân