Các đội cảnh sát kỵ binh trên thế giới
(Dân trí) - Nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì đội cảnh sát kỵ binh cho các nhiệm vụ mang tính nghi thức, cũng như để tuần tra, đảm bảo an ninh.
Trên thế giới, cảnh sát kỵ binh là lực lượng cảnh sát thường đi tuần trên lưng ngựa hoặc lạc đà. Nhiệm vụ của họ thường là mang tính nghi thức, nhưng họ cũng được triển khai để giám sát đám đông do sự cơ động, lợi thế về chiều cao. Đặc biệt tại Anh, cảnh sát kỵ binh còn được sử dụng để phòng chống tội phạm và các nhiệm vụ giám sát tầm nhìn ở tầm cao.
Nhờ có chiều cao và tầm nhìn tốt, cảnh sát kỵ binh có thể quan sát một khu vực, và cũng cho phép mọi người trong khu vực rộng nhìn thấy cảnh sát, qua đó có thể răn đe tội phạm và giúp mọi người có thể dễ dàng tìm cảnh sát khi cần.
Cảnh sát kỵ binh có thể được điều động cho các nhiệm vụ đặc biệt, từ tuần tra công viên tới các khu vực hoang dã, nơi các phương tiện của cảnh sát khó tiếp cận hoặc quá ồn, hoặc trong nhiệm vụ chống bạo động.
Tại Anh, cảnh sát kỵ binh thường được nhìn thấy trong khuôn khổ các trận bóng đá, mặc dù lực lượng này cũng thường xuất hiện trên đường phố tại nhiều thành phố và thị trấn để chứng tỏ sự hiện diện của cảnh sát và răn đe tội phạm cả ngày lẫn đêm. Một số đơn vị cảnh sát kỵ binh được huấn luyện tìm kiếm và cứu nạn do ngựa có khả năng di chuyển ở những nơi các phương tiện không thể tiếp cận.
Tại Pháp, cảnh sát kỵ binh được thành lập vào đầu thế kỷ 18. Đường xá kém phát triển và các khu vực nông thôn rộng lớn khi đó khiến cảnh sát kỵ binh trở thành lực lượng cần thiết tại nhiều quốc gia châu Âu cho tới tận đầu thế kỷ 20.
Việc thành lập các lực lượng cảnh sát có tổ chức trên khắp châu Mỹ, châu Á và châu Âu trong thời thuộc địa và hậu thuộc địa đã khiến khái niệm cảnh sát kỵ binh được chấp nhận hầu hết trên thế giới. Các lực lượng cảnh sát kỵ binh được biết tới nhiều nhất trên thế giới đến từ Canada, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha…
Mỹ
Nhiều thành phố tại Mỹ có các đơn vị kỵ binh, trong đó New York có lực lượng lớn nhất với 55 con ngựa. Tuy nhiên, nhiều đơn vị kỵ binh tại một số thành phố đã bị giải tán hoặc giảm quy mô trong những năm 2010.
Lực lượng tuần tra biên giới Mỹ có khoảng 200 con ngựa vào năm 2005, hầu hết được sử dụng để tuần tra dọc biên giới Mỹ và Mexico. Tại bang Arizona, ngựa được cho ăn thức ăn viên chế biến đặc biệt để chất thải của chúng không làm phát tán các loại thực vật không mong muốn trong các vườn quốc gia và khu vực động vật hoang dã mà chúng tuần tra.
Anh
Tại Anh, thành phố London có nhánh cảnh sát kỵ binh riêng, trong khi nhánh cảnh sát kỵ binh đô thị là một phần của lực lượng cảnh sát cả vùng đô thị đại London. Cảnh sát kỵ binh đô thị được thành lập năm 1760 và là nhánh lâu đời nhất của cảnh sát vùng đô thị đại London, với nhiệm vụ giám sát đám đông, đặc biệt trong các trận đấu bóng đá, tuần tra đường phố và hộ tống nghi thức thay gác vệ binh hoàng gia vào mỗi buổi sáng.
Pháp
Cảnh sát kỵ binh thực hiện các công việc đảm bảo an ninh và duy trì trật tự công cộng. Họ thường tiến hành các cuộc tuần tra ở các vùng nông thôn, các công viên và thỉnh thoảng ở trung tâm thành phố.
Cảnh sát kỵ binh thuộc Vệ binh cộng hòa cũng chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các vị khách quan trọng và cũng hiện diện trong các sự kiện mang tính nghi thức.
Canada
Cảnh sát kỵ binh hoàng gia Canada là một lực lượng cảnh sát kỵ binh nổi tiếng thế giới. Trước đây, ngựa đã đóng một vai trò quan trọng trong lực lượng cảnh sát nước này. Hiện nay, mặc dù ngựa ít xuất hiện trên đường phố nhưng chúng vẫn được một số đơn vị cảnh sát tỉnh và đô thị sử dụng.
Ví dụ tại thành phố Toronto, cảnh sát kỵ binh có quyền hạn ngang với cảnh sát thông thường. Ngoài tham gia các sự kiện mang tính nghi thức, cảnh sát kỵ binh có thể đảm bảo việc thực thi pháp luật trên đường phố, tuần tra những kẻ say xỉn vào đêm cuối tuần, đảm bảo an ninh trong các cuộc biểu tình được lên kế hoạch hay phối hợp tuần tra cùng các cảnh sát khác.
An Bình
Tổng hợp