1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam"

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương Pháp khẳng định, các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam và mong muốn thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa 2 nước.

Các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc gặp ông Olivier Becht, Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Thu hút kinh tế và người Pháp ở nước ngoài (Ảnh: VGP).

Chiều ngày 1/3 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Olivier Becht, Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Thu hút kinh tế và người Pháp ở nước ngoài.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và của cá nhân Thủ tướng đến lãnh đạo cấp cao Pháp; bày tỏ mong muốn sớm đón Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne sang thăm Việt Nam trong năm 2023 nhân dịp 2 nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Pháp, đất nước có nhiều mối "lương duyên" với Việt Nam thông qua các gắn kết về lịch sử, văn hóa, con người và quan hệ chính trị, kinh tế, giáo dục…

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn tới chính phủ và nhân dân Pháp đã viện trợ 5,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển toàn diện trong quan hệ Việt Nam - Pháp và tin tưởng chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Olivier Becht sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa 2 nước, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.

Bộ trưởng Olivier Becht bày tỏ vui mừng đến Việt Nam và cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp đoàn; chuyển lời thăm hỏi của Tổng thống, Thủ tướng và Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Pháp tới lãnh đạo cấp cao Việt Nam; bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.

Bộ trưởng đánh giá cao hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa 2 nước, coi đây là trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp; khẳng định các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam và mong muốn thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa 2 nước trong đó có dự án Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Hai bên ghi nhận những thành tựu hợp tác quan trọng đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 5,3 tỷ USD năm 2022, tăng 10% so với năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng nông thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp; mong muốn 2 bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tận dụng các cơ hội to lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU nhằm tăng cường trao đổi thương mại song phương.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để tạo thuận lợi cho quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa 2 nước; thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam, đáp ứng lợi ích người tiêu dùng Pháp và EU cũng như bảo đảm sinh kế cho hàng trăm nghìn lao động trong ngành ngư nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Olivier Becht nhất trí tiềm năng hợp tác kinh tế giữa 2 nước còn rất lớn; khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh như ứng phó chống biến đổi khí hậu, hạ tầng giao thông đô thị, y tế, năng lượng, hàng không, chính phủ điện tử… Bộ trưởng Pháp Olivier Becht đánh giá cao vai trò cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, coi đây là cầu nối quan trọng giữa 2 nước và khẳng định Chính phủ Pháp sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam sinh sống và làm việc tại Pháp.

Hai bên cũng chia sẻ quan điểm về tình hình Biển Đông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo Bộ Ngoại giao