1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Các cường quốc phương Tây chuẩn bị tái can thiệp quân sự vào Libya?

Truyền thông Anh gần đây đưa tin, hàng trăm binh sĩ Anh đã sẵn sàng lên đường tới Libya để tham gia sứ mệnh quốc tế chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và giúp ổn định tình hình tại quốc gia Bắc Phi này.

Cùng tham chiến còn có các binh sĩ từ Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ, trong một liên minh có tên gọi P3+5. Liên minh này sẽ hợp tác với các nước Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc trong một chiến dịch nhằm hỗ trợ cho Chính phủ đoàn kết dân tộc của Libya, thông qua việc khôi phục các thiết chế nhà nước và hỗ trợ đào tạo các nhân viên an ninh.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Daily Telegraph ngày 23-4, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond cũng đã thừa nhận khả năng Anh sẽ cử binh sĩ tới tham chiến tại Libya - quốc gia được xem là "tâm chấn" của cuộc khủng hoảng di cư và có nguy cơ sẽ là thành trì tương lai của IS. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh, mọi quyết định liên quan sẽ phải trình Quốc hội Anh thông qua trước khi quân đội nước này tham gia các chiến dịch quân sự trên biển, đất liền hay trên không tại Libya.

Tuyên bố mới nhất này của ông Hammond được cho là trái ngược hẳn với phát biểu của chính ông hôm đầu tuần trước. Khi đó, ông khẳng định, Anh-quốc gia hiện đang hỗ trợ Chính phủ đoàn kết dân tộc của Libya trong cuộc chiến chống IS-không có kế hoạch gửi binh sĩ tham chiến mà nhiệm vụ của Anh chỉ là hỗ trợ về mặt kỹ thuật và huấn luyện.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 23-4. Ảnh: telegraph.co.uk
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 23-4. Ảnh: telegraph.co.uk

Hiện cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp cho những căng thẳng chính trị tại Libya - quốc gia chỉ cách châu Âu vài trăm km đường biển, hiện đang tồn tại song song hai chính phủ và hai quốc hội đối nghịch nhau. Kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, đất nước Bắc Phi này đã rơi vào hỗn loạn.

Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8-2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya.

Hồi tháng 12-2015, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, các bên đối địch tại Libya đã ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực, nhất trí thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, tới nay tiến trình này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Sự rối ren và bất ổn đã tạo thuận lợi cho IS tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mỏ dầu tại nước này. Việc nhóm khủng bố nguy hiểm, từng gây ra nhiều vụ đánh bom kinh hoàng tại Pháp, Bỉ liên tục mở rộng địa bàn ở Libya đã khiến cho các cường quốc trên thế giới cảm thấy cần phải đánh đòn phủ đầu trước khi chúng “sâu rễ bền gốc” ở quốc gia Bắc Phi đầy bất ổn này.

Cơ quan giám sát lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc trong báo cáo hằng năm công bố hồi tháng 3 vừa qua cũng cảnh báo sự bành trướng của IS tại Libya có khả năng sẽ làm gia tăng mức độ can dự khu vực cũng như quốc tế. Thực tế đã chứng minh điều này là hoàn toàn đúng. Hai năm trở lại đây, các lãnh đạo chính trị và quân sự của Mỹ, Pháp, Anh và thậm chí cả Italy vẫn luôn nhắc về tính cấp thiết của một cuộc can thiệp quân sự như vậy.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff, thành viên cao cấp của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, từng nói: “Tôi không nghĩ rằng vào thời điểm này chúng ta đủ khả năng hành động. Nếu không cẩn thận và chủ động, chúng ta sẽ phải chứng kiến một nhà nước Hồi giáo ở Libya... và khu vực do IS cai quản sẽ biến thành cửa ngõ vào miền Nam châu Âu”.

Hạ nghị sĩ Adam Schiff ưu tiên việc hành động quân sự cùng với một chính phủ quốc gia, nhưng ông cho biết thêm, mọi sự trì hoãn chỉ có lợi cho cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo". Ông khuyến nghị cần đi theo hai hướng: Gây áp lực ngoại giao với giới lãnh đạo ở Libya và hành động quân sự chống lại IS ở nước Bắc Phi này.

Bên cạnh đó cũng phải kể tới những sức ép mà cuộc khủng hoảng di cư (trong đó Libya là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này) mang lại cho những nhà lãnh đạo châu Âu. Tạp chí Foreign Policy từng mô tả Libya chính là “tâm chấn” của cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu, bởi phần lớn người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi đều đổ tới “quốc gia trung chuyển” này trước khi vượt Địa Trung Hải tới Lục địa già.

Trong khi đó, ngoài vấn đề khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội ở các nước khu vực Bắc Phi-Trung Đông được coi là nguyên nhân trực tiếp, nhiều nhà phân tích cho rằng sự can thiệp của các nước phương Tây vào các quốc gia này mới chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc khủng hoảng di cư. Áp lực từ làn sóng di cư đến châu Âu khiến bất đồng chính trị trong nội bộ EU ngày càng sâu sắc, là một trong những nguyên nhân dẫn đến kịch bản Anh rời khỏi EU (Brexit).

Vì vậy, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tháng xứ sở sương mù sẽ bước vào cuộc trưng cầu ý dân quyết định việc đi hay ở lại EU, tuyên bố về khả năng can thiệp quân sự vào Libya có thể sẽ mang lại lợi ích ít nhiều cho chính phủ của Thủ tướng David Cameron trong việc thuyết phục cử tri chọn lựa việc tiếp tục đứng dưới mái nhà chung châu Âu.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, để tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào Libya, dù là Anh, Pháp hay bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào đều cần được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc "bật đèn xanh" dù nguy cơ cao sẽ bị Nga hoặc Trung Quốc phủ quyết và cũng không thể không kể đến phản ứng của những nước láng giềng như Algeria và Tunisia.

Ngoài ra, các cường quốc cũng cần phải cân nhắc những hậu quả của cuộc can thiệp bởi bài học từ chính biến lật đổ chính quyền Libya năm 2011 vẫn còn đó. Thêm nữa, đối với Libya, một quốc gia đang trong tình trạng xung đột, một cuộc can thiệp vũ trang có thể làm phân cực hơn nữa tình hình chính trị, thậm chí là phá hủy các nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm khôi phục ổn định tại đất nước Bắc Phi này.

Theo Hùng Hà

Quân đội nhân dân