1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các báo lớn ở Australia bất ngờ đồng loạt bôi đen trang nhất

(Dân trí) - Các tờ báo lớn của Australia ngày 21/10 đã đồng loạt xuất bản các ấn phẩm có trang nhất bị bôi đen nhằm gửi thông điệp phản đối quy định chính phủ về việc hạn chế đưa tin.

Các báo lớn ở Australia bất ngờ đồng loạt bôi đen trang nhất - 1

Hai tờ báo lớn của Australia bị bôi đen trang nhất (Ảnh: BBC)

Các ấn phẩm báo chí của News Corp và Nine, hai tập đoàn truyền thông lớn Australia, ngày 21/10, đã đồng loạt ra mắt công chúng Australia với trang nhất bị bôi đen các dòng chữ, cùng với một con dấu với dòng chữ màu đỏ “bí mật”.

Theo BBC, động thái này nhằm vào luật an ninh quốc gia của Australia mà giới truyền thông nước này cáo buộc là dường như đã “kìm hãm” việc đưa tin và tạo nên “văn hóa bí ẩn” tại Australia.

Chính quyền Australia khẳng định họ tôn trọng tự do báo chí nhưng “không một ai được đứng trên luật pháp”.

Theo BBC, đây là một chiến dịch được gọi là “Liên minh Quyền được biết”. Ngoài 2 tập đoàn truyền thông lớn, phong trào nhận được sự ủng hộ từ một số đài truyền hình, đài phát thành và báo mạng.

Michael Miller, Chủ tịch điều hành tập đoàn News Corp Australia, đăng lên Twitter bức ảnh chụp 2 tờ báo The AustralianThe Daily Telegraph bị bôi đen trang nhất và thúc giục dư luận đặt câu hỏi cho chính phủ: “Họ đang cố gắng giấu đi điều gì”?

Trong khi đó, một nhân vật cấp cao ở tập đoàn Nine cũng đăng tải bức ảnh chụp các tờ Sydney Morning HeraldThe Age bị bôi đen trang đầu tiên.

Giám đốc điều hành của tập đoàn truyền hình Australia ABC David Anderson nói: “Australia đang trong mối rủi ro trở thành nền dân chủ bí ẩn nhất thế giới”.

Các báo lớn ở Australia bất ngờ đồng loạt bôi đen trang nhất - 2

Nhiều tờ báo đã tham gia vào phong trào bôi đen trang nhất (Ảnh: Twitter)

Theo BBC, giới truyền thông cáo buộc luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt của Australia trong 2 thập niên qua đã gây đe dọa tới ngành báo chí điều tra và làm xói mòn “quyền được biết” của công chúng.

Kể từ khi đạo luật phản gián ra đời vào năm ngoái, các hãng truyền thông đã tích cực vận động hành lang để nhà báo và người tố giác được quyền miễn trừ khi cung cấp thông tin nhạy cảm.

Ngoài ra, truyền thông Australia kêu gọi tự do hơn nữa trong các lĩnh vực khác như cải cách luật về tự do thông tin và phỉ báng.

Hồi tháng 6, việc cảnh sát đột kích văn phòng của ABC và nhà của một nhà báo thuộc News Corp đã gây ra phản ứng trái chiều trong công chúng. 

Phía hai tập đoàn truyền thông nói rằng vụ đột kích nhằm vào các bài báo dựa vào thông tin rò rỉ từ người tố giác.

Ngày 20/10, chính phủ Australia cho biết ba nhà báo liên quan tới cuộc đột kích có thể phải đối diện với việc bị truy tố.

Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng tự do báo chí là điều quan trọng với nền dân chủ Australia, nhưng “pháp quyền” cần phải được duy trì. “Điều đó áp dụng cho tôi, cho các nhà báo và bất cứ ai khác”, ông Morrison cho hay.

Đức Hoàng

Theo BBC