1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bush - Putin sẽ "thẳng thắn" với nhau ở Washington?

Khi Tổng thống Nga Putin đến thăm người đồng nhiệm Mỹ Bush tại Washington hôm nay, những tranh cãi về các nước hậu Xô viết có thể là một đề tài xuyên suốt cuộc gặp.

Cách đây 4 năm, Tổng thống (TT) Putin đã giúp lật sang trang mới trong quan hệ Nga - Mỹ bằng sự ủng hộ kiên định đối với Mỹ sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và hoan nghênh việc triển khai quân đội Mỹ tại các nước Xô viết trước đây ở Trung Á nhằm hỗ trợ cho hoạt động quân sự chống Taliban ở Afghanistan. Nhưng sự hưng phấn ban đầu về một quan hệ đối tác mới giữa Nga và Mỹ sớm nhường chỗ cho các tranh cãi về cuộc chiến do Mỹ cầm đầu ở Iraq, cung cách nội trị của TT Putin và hành xử của Moscow đối với các nước Xô viết trước đây.

 

Nga, vốn coi cuộc chiến của họ ở Chechnya là một phần của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, giận dữ coi những tiếp xúc của Mỹ với các đại diện phiến quân Chechnya là sự phản ánh “tiêu chuẩn kép” của Mỹ.

 

Quan hệ song phương đã bị ảnh hưởng nặng nề vào năm ngoái bởi một cuộc tranh cãi về Ukraine, nơi ứng cử viên thân phương Tây Viktor Yushchenko đã cầm đầu làn sóng biểu tình để thắng cử trước đối thủ của ông là người được Nga hậu thuẫn. Cuộc “Cách mạng cam” của Ukraine và những cuộc biểu tình tương tự lật đổ các chính phủ ở Gruzia và Kyrgyzstan khiến Moscow lo ngại rằng các nước Xô viết trước đây sẽ rơi vào quỹ đạo phương Tây.

 

“Nga tin rằng Mỹ đang cố gắng thiết lập sự kiểm soát lên các nước Xô viết trước đây” - Sergei Markov, một chuyên gia phân tích chính trị có liên hệ với Moscow, phát biểu - “Các nỗ lực của Nga bảo vệ các quyền lợi của nước này trong không gian hậu Xô viết đã làm Mỹ giận dữ, nhưng TT Putin sẽ không bỏ qua những quyền lợi quốc gia chỉ để làm hài lòng công luận Mỹ”.

 

Một quan chức Nga giấu tên cho biết hôm 14/9 rằng do sự nhạy cảm của đề tài trên, nên tình hình tại khu vực hậu Xô viết sẽ là “một trong những vấn đề khó khăn” của các cuộc đàm phán hôm 16/9.

 

Căng thẳng gia tăng vào mùa hè vừa qua, khi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trong đó có Nga và Trung Quốc (TQ), thúc giục quân đội Mỹ rút các căn cứ của họ ra khỏi các nước thành viên SCO là Uzbekistan và Kyrgyzstan. Uzbekistan sau đó ra lệnh cho binh lính Mỹ phải rời khỏi nước này sau vài tháng nữa, trong khi Kyrgyzstan sẽ “tiễn chân” quân đội Mỹ sau khi tình hình Afghanistan ổn định.

 

Markov cho biết TT Uzbekistan Islam Karimov là động lực đằng sau lời kêu gọi Mỹ rút quân vì bất mãn với việc Mỹ chỉ trích chính phủ ông trấn áp một cuộc biểu tình hồi tháng 5. Kyrgyzstan cho quân đội Mỹ ở lại thêm một thời gian nữa vì muốn thu phí thuê căn cứ cao hơn.

 

Nhưng một số nhà quan sát thì cho rằng hành động trên là một nỗ lực chung của Nga và Trung Quốc (TQ) đẩy Mỹ ra khỏi khu vực chiến lược và giàu tiềm năng dầu mỏ. “Các khoản cược đều cao ở cả hai phía: Với Nga đó là vấn đề nguyên tắc, còn với Mỹ đó là cách bảo toàn việc tiếp cận các nguồn năng lượng mà họ rất cần” - Yevgeny Volk, Trưởng Văn phòng Quỹ Heritage tại Moscow, cho biết.

 

SCO chỉ là một dấu hiệu cho quan hệ ngày càng gần gũi giữa Moscow và Bắc Kinh giữa lúc còn những khác biệt với Washington quanh vấn đề các nước hậu Xô viết. Một dấu hiệu khác là việc Nga và TQ lần đầu tiên tập trận chung, phô diễn những máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hạt nhân mà nhiều người coi là một sự cảnh cáo đối với Washington dù cả Nga lẫn TQ bác bỏ khả năng có một nước thứ 3 bị nhắm đến.

 

Theo Trùng Quang

Người lao động/AP, ABC News