1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bước ngoặt của chaebol

Bất ổn thời gian qua có thể dẫn đến một thế hệ lãnh đạo chính trị mới có xu hướng không còn nương tay với chaebol ở Hàn Quốc

Vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất Park Geun-hye không khác gì hồi chuông cảnh tỉnh cho các tập đoàn lớn do một gia tộc điều hành (còn gọi là chaebol) - một mô hình được xem là động lực mạnh mẽ đằng sau sự tăng trưởng kinh tế kỳ diệu của quốc gia Đông Á này.

Uy tín tụt dốc

Từng được người dân xem trọng và có vị trí dường như bất khả xâm phạm, các tập đoàn gia đình trị đang chứng kiến uy tín tụt dốc thời gian qua vì một loạt vụ bê bối, cáo buộc tham nhũng, biển thủ và cư xử không đúng đắn của con cháu các gia tộc quyền quý.

Năm 2014, dư luận Hàn Quốc phẫn nộ khi bà Heather Cho, Phó Chủ tịch hãng hàng không Korean Airlines, ra lệnh cho một máy bay quay lại điểm xuất phát để đuổi một tiếp viên không làm vừa ý mình. Người phụ nữ này là con gái ông Cho Yang-ho, Chủ tịch Tập đoàn Hanjin - một chaebol hoạt động trong lĩnh vực vận tải.

Dĩ nhiên, việc này không là gì nếu so với vụ bê bối được xem là lớn nhất lịch sử Hàn Quốc nói trên, một phần vì nó có liên quan đến “thái tử” Samsung, ông Lee Jae-yong, cũng như phơi bày mối quan hệ nồng ấm nhưng gây tranh cãi lâu nay giữa chaebol và chính phủ.

Được xem là người thừa kế sáng giá nhất tập đoàn hàng đầu đất nước, ông Lee Jae-yong cũng từng bước đi theo con đường của người cha nổi tiếng Lee Kun-hee: lãnh đạo những bộ phận kinh doanh chủ chốt, chơi thân với tổng thống, mang đến những ý tưởng mới và cuối cùng là bị buộc tội có hành vi phạm pháp.

Điểm khác biệt lớn là bản thân ông Lee Jae-yong đang bị trừng phạt nặng hơn cha mình, người chưa từng phải ngồi tù giây phút nào. Ông Lee Kun-hee bị kết tội 2 lần nhưng được 2 tổng thống khác nhau ân xá do nỗi lo một Samsung bị tổn thương có thể khiến cỗ máy kinh tế vận hành trục trặc.

Giờ đây, hình ảnh ông Lee Jae-yong với 2 tay bị còng được cảnh sát dẫn từ trại giam đến gặp công tố viên hoặc bị tạm giam trong thời gian phiên tòa diễn ra khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ câu chuyện lần này có thể khác đi.

Mối quan hệ gây tranh cãi

Mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp lớn là một “đặc sản” của chính trường Hàn Quốc kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Khi đó, Tổng thống Park Chung-hee bắt đầu sử dụng chaebol để chinh phục mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và biến đất nước thành cường quốc xuất khẩu sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khép lại.

Theo thỏa hiệp đạt được, ông Park Chung-hee cung cấp cho chaebol nhiều ưu đãi về tài chính cũng như cho phép các lãnh đạo doanh nghiệp giữ lại tiền bạc kiếm được. Đổi lại, họ phải đầu tư để phát triển kinh tế nước nhà, biến Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất những gì mình cần và xuất khẩu những thứ còn lại.

Mối quan hệ đối tác doanh nghiệp - chính phủ này giúp chaebol bóp nghẹt doanh nghiệp nhỏ hơn, đánh bại nhiều đối thủ quốc tế và thống trị đời sống kinh tế Hàn Quốc cho đến giờ. Theo một số ước tính, doanh thu của 10 chaebol hàng đầu tương đương 80% tổng sản lượng kinh tế đất nước.

Lịch sử cũng ghi nhận không ít lần tổng thống ra tay “cứu vớt” những lãnh đạo, quan chức điều hành chaebol được đánh giá là quá lớn nên không thể để sụp đổ. Gần đây nhất, bà Park Geun-hye hồi năm 2015 đặc xá ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK Group, người ngồi tù 31 tháng vì tội biển thủ hơn 40 triệu USD.

Một phần lý do dẫn đến sự khoan hồng nói trên là nỗi lo chaebol sẽ gặp chuyện nếu các lãnh đạo điều hành phải “bóc lịch” quá lâu. Theo cấu trúc của chaebol, những quyết định quan trọng đều nằm trong tay nhân vật được gia tộc kiểm soát chaebol “chọn mặt gửi vàng”.

“Chaebol không phải là nạn nhân mà là đồng lõa trong vụ bê bối (liên quan đến bà Park Geun-hye). Theo một cách nào đó, nhiều điểm yếu của họ, như những sai phạm liên quan đến quá trình kế vị hoặc những rắc rối cá nhân của các lãnh đạo khiến họ không thể cưỡng lại các sức ép chính trị sai trái” - ông Kim Sang-jo, giáo sư kinh tế tại Trường ĐH Hansung (Hàn Quốc), giải thích.

Lãnh đạo 8 chaebol ra điều trần trước Quốc hội ngày 6-12-2016. Ảnh: EPA
Lãnh đạo 8 chaebol ra điều trần trước Quốc hội ngày 6-12-2016. Ảnh: EPA

2 khuôn mặt của chaebol

Giờ đây, cảnh tượng lãnh đạo 8 chaebol, trong đó có ông Lee Jae-yong, xuất hiện trước các nghị sĩ hồi tháng 12-2016 để trả lời các câu hỏi về vụ bê bối đã phát đi thông điệp mạnh mẽ: Họ không còn là những người “bất khả xâm phạm” trong bối cảnh trật tự kinh tế thời hậu chiến đang bị đe dọa. Nhưng bất ổn nghiêm trọng thời gian qua có thể dẫn đến một thế hệ lãnh đạo chính trị mới có xu hướng không còn quá ưu ái chaebol, bên cạnh sự bất bình ngày càng gia tăng của người dân đối với hệ thống pháp luật bị xem là thiên vị tầng lớp lắm tiền nhiều của.

“Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội này để cắt bỏ mối quan hệ tham nhũng giữa chính trị và doanh nghiệp” - ông Moon Jae-in, một nghị sĩ đối lập, đồng thời là ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, nhấn mạnh.

Dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo việc cải tổ sâu rộng chaebol có thể là một kế hoạch quá tham vọng, bất kể tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc là ai. Đó là chưa kể các chaebol cũng sẽ đấu tranh đến cùng để chống lại các động thái, chính sách bị xem là bất lợi.

“Với người Hàn Quốc, chaebol có 2 khuôn mặt. Một mặt, chaebol tượng trưng cho mối quan hệ “bẩn” giữa doanh nghiệp và chính trị nên người ta đang kêu gọi cải tổ chaebol. Mặt khác, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào chaebol đến nỗi người ta lo ngại các tập đoàn này sẽ sụp đổ nếu bị xáo trộn quá nhiều” - ông Kim Sang-jo đúc kết với tờ The New York Times.

Vì thế, một số chuyên gia cho rằng cần có sự nỗ lực từ nhiều phía để mọi chuyện tốt dần lên hoặc ít ra là không tồi tệ thêm. Chẳng hạn như chaebol nên cải thiện hệ thống quản lý doanh nghiệp và thuê người có tài năng, chuyên môn để điều hành đế chế kinh doanh thay vì làm điều này thông qua kiểu “cha truyền con nối”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo sắp tới của Hàn Quốc cần xoa dịu người dân bằng cách có những bước đi nhằm giảm bớt đặc quyền đặc lợi dành cho chaebol, như chấm dứt chính sách ân xá những lãnh đạo, quan chức điều hành chaebol bị kết án. Ngoài ra, quốc hội cần sớm thông qua dự luật đơn giản hóa cấu trúc sở hữu chaebol, cho phép hội đồng quản trị trở nên độc lập hơn và tăng cường quyền của cổ đông thiểu số.

“Huynh đệ tương tàn”

Chuyện người nhà đấu đá để giành quyền lực cũng khiến hình ảnh chaebol thêm xấu đi trong mắt người dân. Hôm 20-3 vừa qua, 4 thành viên gia đình kiểm soát tập đoàn bán lẻ Lotte có lần “đoàn tụ” hiếm hoi khi phải ra tòa đối mặt các cáo buộc biển thủ, trốn thuế và gian lận.

Nhà sáng lập Shin Kyuk-ho, 95 tuổi, buộc phải rời tòa sau 30 phút xuất hiện vì có hành vi la hét thẩm phán và đập gậy lên bàn. Trong khi đó, 2 người con trai là Shin Dong-bin, 62 tuổi và Shin Dong-joo, 63 tuổi, không thèm nhìn mặt nhau tại tòa bởi vẫn đang trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát tập đoàn.

Theo trang Chaebul.com, ít nhất 18 trong số 40 chaebol hàng đầu đã hoặc đang chứng kiến cảnh “huynh đệ tương tàn” trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Tăng cường ảnh hưởng bằng hôn nhân

Một cuộc khảo sát mới của mạng lưới Leaders Network cho thấy 94 trong số 310 thành viên 10 gia đình chaebol lớn nhất nước (tỉ lệ 30,3%) kết hôn với người cùng địa vị, vai vế chủ yếu vì mục đích kinh doanh. Ngoài ra, có 46 người (tỉ lệ 14,8%) kết hôn với con cái quan chức chính phủ và 14 người (4,5%) kết hôn với con cái chính khách. Số còn lại kết hôn với những người không có mối liên hệ làm ăn nào.

Theo thống kê, Tập đoàn Kumho Asiana Group đứng đầu danh sách “hôn nhân giữa các chaebol” với tỉ lệ 41%, theo sau là các tập đoàn Hanwha Group (40%), LG Group (36,8%), Doosan Group (36%), Samsung Group (32,3%).

“Kết hôn là cách tốt nhất để tăng cường ảnh hưởng trong công việc kinh doanh. Đám cưới của các thành viên chaebol dường như là một phần của thỏa thuận làm ăn” - một thành viên Leaders Network nói với Yonhap.

Theo Phương Võ

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm