1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bước đi mới của Mỹ khiến Palestine “nổi giận”

Việc sáp nhập Tổng lãnh sự quán ở Palestine với Đại sứ quán ở Israel là động thái mới của Mỹ khiến Palestine “nổi giận” và quan hệ 2 bên thêm căng thẳng.

Hôm nay (4/3), Tổng lãnh sự quán của Mỹ ở Jerusalem, chuyên phụ trách các vấn đề người Palestine, sẽ chính thức được sáp nhập vào Đại sứ quán mới của Mỹ tại Israel; theo đó bị hạ cấp xuống thành Văn phòng phụ trách các vấn đề Palestine. Động thái của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục khiến Palestine “nổi giận”.

Bước đi mới của Mỹ khiến Palestine “nổi giận” - 1..jpg

Việc sáp nhập Tổng lãnh sự quán ở Palestine với Đại sứ quán ở Israel là động thái mới của Mỹ khiến Palestine “nổi giận”. Anhr: Reuters

Thông tin sáp nhập chính thức được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào hôm qua (3/3). Tuy nhiên, kế hoạch sáp nhập đã có từ trước đó và từng được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ hồi tháng 10/2018.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc sáp nhập này là nhằm mục đích cải thiện khả năng và tính hiệu quả của các hoạt động của Mỹ trên toàn cầu. Quyết định này không thể hiện sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với các vấn đề Jerusalem, Bờ Tây hay Dải Gaza. Đại sứ Mỹ tại Israel, là David Friedman, được chỉ định là người phụ trách kế hoạch sáp nhập.

Ngay khi Mỹ công bố kế hoạch, Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat đã ra tuyên bố phản đối, cho rằng đây là một quyết định mang tính “ý thức hệ”. Ông Erekat nhấn mạnh, quyết định của Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự Mỹ sẽ là “phần thưởng” cho những hành động bạo lực và vi phạm luật pháp của Israel.

Đây cũng được xem là 1 bước đi tạo thêm căng thẳng nữa cho mối quan hệ, vốn đang rất xấu, giữa chính quyền Mỹ và chính quyền Palestine, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán của Mỹ từ thành phố Tel Aviv về đây. Hiện Palestine đã ngừng mọi cuộc tiếp xúc với chính quyền Mỹ và coi Washington không còn đóng vai trò hòa giải cho tiến trình hòa bình Trung Đông nữa. Từ ngày 13/9/2018, Phái bộ ngoại giao Palestine ở thủ đô Washington, Mỹ, cũng đã ngừng hoạt động. Trong khi, các cuộc biểu tình chống lại sự chiếm đóng của Israel tại Dải Gaza vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, kéo dài sắp tròn 1 năm, kể từ cuối tháng 3/2018.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 3/3, tại thủ đô Amman của Jordan, cuộc họp lần thứ 29 của những người đứng đầu các Nghị viện Arab đã được tổ chức, với chủ đề “Jerusalem là thủ đô vĩnh cửu của Palestine”. Cuộc họp thể hiện tiếng nói ủng hộ của Khối đối với chính quyền Palestine, trong những căng thẳng giữa Palestine với Israel và Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp, Quốc vương nước chủ nhà Abdullah II đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các nghị viện trong việc thống nhất lập trường của khối Arab liên quan đến các thách thức trong khu vực. Quốc vương Abdullah II nhắc lại lập trường nhất quán của Jordan, luôn coi vấn đề Palestine là trọng tâm trong khu vực, đồng thời kêu gọi các nước Arab tiếp tục bảo vệ Jerusalem và hỗ trợ những người tị nạn Palestine. Hiện các nước Arab đều cho rằng, giải pháp 2 Nhà nước là cách duy nhất giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, với việc Đông Jerusalem phải là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Ngoại trưởng Jordan từng cho biết:

“Quan trọng nhất chính là việc công nhận Nhà nước Palestine với thủ đô là Jerusalem theo đúng đường biên giới năm 1967. Đây là nỗ lực mà chúng tôi sẽ triển khai.”
 
Trong khi đó, hôm qua (3/3), Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã tới thăm Iraq, để tìm kiếm sự ủng hộ của quốc gia Trung Đông, vốn cũng là 1 đồng minh của Mỹ, trong vấn đề Jerusalem. Tại buổi tiếp nhà lãnh đạo Palestine, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cũng nhấn mạnh Palestine là vấn đề trọng tâm đối với khu vực và Iraq sẽ nỗ lực hết mình trong việc bảo vệ các quyền lợi của đất nước và người dân Palestine.
 

Theo Đình Nam

VOV1