Bước đi đáng chú ý của Nga nhằm củng cố tham vọng hải quân
(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng việc Nga lập căn cứ quân sự ở quốc gia châu Phi - Sudan - là bước đi quan trọng trong việc khôi phục sức mạnh hải quân của Moscow.

Dàn tàu chiến Nga (Ảnh minh họa: Sputnik)
Ngày 16/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Bộ Quốc phòng nước này chốt lại thỏa thuận với Sudan về việc thiết lập một căn cứ hải quân ở khu vực giáp Biển Đỏ của nước này.
Theo đề xuất mà Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trình lên tuần trước, căn cứ này sẽ được xem là trung tâm hậu cần hải quân ở Sudan, nơi sẽ cung cấp dịch vụ bảo trì cho các tàu chiến Nga được triển khai tới khu vực. Theo đề xuất, thành phố Khartoum của Sudan sẽ dành một phần lãnh thổ để Nga xây căn cứ quân sự có sức chứa 300 quân nhân và 4 chiến hạm, bao gồm cả những tàu chiến chạy năng lượng hạt nhân.
Nga cũng có thể sử dụng cảng biển và sân bay của Sudan để vận chuyển vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự ra và vào quốc gia châu Phi để vận hành căn cứ và “duy trì các tàu chiến luôn sẵn sàng hoạt động”. Theo thỏa thuận, Sudan sẽ không thu phí dưới bất cứ hình thức nào và thời hạn là 25 năm. Thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn thêm 10 năm nữa nếu cần thiết.
Theo giới chuyên gia, đội tàu chiến của Nga cần một hệ thống căn cứ xây dựng với chất lượng cao ở nước ngoài. Việc xây dựng và phát triển căn cứ hải quân để đội tàu Nga hoạt động trên biển nước ngoài luôn là ưu tiên của quân đội và giới lãnh đạo Moscow. Trước đó, Liên Xô cũ đã đặt căn cứ hải quân tại nhiều khu vực trên thế giới, nhưng do những biến động về địa chính trị, số lượng này hiện không còn nhiều.
Theo RT, dù sớm hay muộn, Nga cũng sẽ phải đối mặt với thách thức khôi phục vị thế là một cường quốc hải quân song song với việc khôi phục sức mạnh kinh tế, quân sự và vai trò trên trường quốc tế. Chính vì vậy, căn cứ ở Sudan được xem là bước đi đầu tiên của Nga trong mục tiêu nói trên và dường như Moscow sẽ không dừng lại tại đó.
Ngoài ra, vị trí Nga đặt căn cứ ở Sudan nằm gần giao điểm của những tuyến đường thương mại quốc tế, từ châu Âu đi qua kênh đào Suez, đi vào Biển Đỏ và Ấn Độ Dương, rồi hướng tới châu Á và Australia. Vì vậy, việc mở căn cứ ở Sudan được xem sẽ giúp Nga hoạt động dễ dàng hơn trên khu vực Ấn Độ Dương.
Theo RT, điều này sẽ giúp duy trì an ninh tốt hơn tại các tuyến đường biển chiến lược và mở rộng hợp tác chính trị - quân sự và quân sự - kỹ thuật với các quốc gia trong khu vực. RT cho rằng việc xây dựng căn cứ ở Sudan là bước đi khởi đầu, nhưng có nghĩa rất quan trọng với Nga.