Bước đi của Trung Quốc thực hiện tham vọng với đồng nhân dân tệ
Trung Quốc đang tìm cách nâng tầm vị thế quốc tế của đồng nhân dân tệ (NDT) với kỳ vọng một ngày nào đó đồng NDT sẽ là đối thủ cạnh tranh với đồng USD.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) ngày 23/1 thông báo giao dịch bằng đồng NDT cho các hoạt động thương mại qua biên giới đã tăng đáng kể lên 9.950 tỷ NDT (1.630 tỷ USD) trong năm 2014.
Theo PboC, tổng lượng thanh toán bằng đồng NDT trong thương mại qua biên giới, đầu tư và tài chính chiếm khoảng 20% hóa đơn thanh toán thương mại của Trung Quốc.
Tổ chức thanh toán quốc tế SWIFT ước tính đồng NDT hiện đứng thứ 7 thế giới về mức độ sử dụng trong thanh toán toàn cầu, mặc dù thị phần của đồng tiền này chỉ chiếm khoảng 1,59% tính đến tháng 10/2014.
Astrid Thorsen, người đứng đầu bộ phận thông tin kinh doanh của SWIFT cho biết: “Đồng NDT đã được sử dụng đáng kể trong thanh toán với Trung Quốc và Hong Kong. Đây là tín hiệu tốt cho việc quốc tế hóa đồng NDT”.
Trung Quốc đã thiết lập các thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng đồng NDT với 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 28 ngân hàng trung ương các nước.
Ngày 22/1 vừa qua, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ thông báo ký thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng đồng NDT với PboC, nhằm thúc đẩy thương mại song phương và đầu tư.
Hai bên cũng nhất trí mở một ngân hàng Trung Quốc tại Zurich (Thụy Sỹ) cho các hoạt động thanh toán bù trừ trong tương lai.
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, TS Lê Xuân Sang, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các tác động của quốc tế hoá NDT lên nền kinh tế Việt Nam hiện nay là hạn chế.
"Lý do là NDT có phạm vi sử dụng còn rất hẹp (chủ yếu là giao dịch biên mậu), với giá trị hạn chế ở Việt Nam, trong khi đó, đồng NDT chưa chuyển đổi hoàn toàn và cả hai nước chưa tự do hoá hoàn toàn cán cân vốn. Lợi ích rõ ràng có thể thấy là việc sử dụng rộng rãi hơn NDT ở Việt Nam, nhất là trong thanh toán xuất nhập khẩu như giảm rủi ro tỷ giá và chi phí chuyển sang đồng tiền thứ 3 (hầu hết là USD). Bên cạnh đó, việc sử dụng NDT trong vay nợ giúp Chính phủ đa dạng hoá và giảm nhẹ rủi ro hối đoái, giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, thay đổi bản chất hiện tượng đô la hoá (giảm “USD hoá” và tăng nhân dân tệ hoá nền kinh tế)", ông Sang chỉ rõ.
Tuy vậy, ông Sang cũng nhận định, các rủi ro trong quản lý, giám sát tiền tệ nói chung và NDT nói riêng có thể gia tăng nếu việc trao đổi, chu chuyển các luồng vốn bằng nhận dân tệ tự do hơn, nhất là có thể bị thao túng các hoạt động giao dịch có liên quan tới NDT.
"Trước mắt, trong giao dịch biên mậu, Việt Nam cần kiểm soát được một cách hữu hiệu các giao dịch (dung lượng, phạm vi giao dịch, người/doanh nghiệp giao dịch (danh tính) (cả Việt Nam và Trung Quốc, tuy rằng rất khó), và các thông tin cần thiết khác. Việt Nam cũng phải tính đến những thua thiệt có thể có từ việc vay NDT của Trung Quốc trong bối cảnh đồng nhân dân tệ có xu hướng tăng giá, tuy nhiên, nhìn chung là phải chấp nhận", TS Lê Xuân Sang lưu ý.