1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Brazil tranh cãi nảy lửa vì vắc xin Covid-19 Trung Quốc

An Bình

(Dân trí) - Tổng thống Jair Bolsonaro ủng hộ vắc xin Covid-19 của phương Tây, trong khi bang giàu nhất Brazil ủng hộ vắc xin do Trung Quốc phát triển.

Brazil tranh cãi nảy lửa vì vắc xin Covid-19 Trung Quốc - 1

Một phụ nữ đeo khẩu trang tại Brazil (Ảnh: Reuters)

Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, Brazil đã trở thành "chiến trường" khi các phe phái chính trị tranh cãi về việc sử dụng vắc xin Covid-19 nào cho 212 triệu dân của nước này - một quyết định có thể ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực Mỹ Latinh.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hồi tháng 8 đã ra sắc lệnh nhằm dành 356 triệu USD để mua và cuối cùng là sản xuất 100 triệu liều vắc xin Covid-19 do Đại học Oxford (Anh) và công ty dược AstraZeneca hợp tác phát triển.

Nhưng Thống đốc Joao Doria của Sao Paulo - bang giàu nhất Brazil - lại thúc đẩy vắc xin CoronaVac do công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc phát triển.

Mâu thuẫn đã xuất hiện từ tháng 10, khi Tổng thống Bolsonaro phủ quyết một thỏa thuận giữa Bộ Y tế và chính quyền Sao Paulo nhằm mua 46 triệu liều vắc xin CoronaVac. Ông Bolsonaro đồng thời tuyên bố sẽ không đưa CoronaVac vào chương trình tiêm chủng quốc gia của Brazil.

Được biết tới với biệt danh "Trump của vùng nhiệt đới", ông Bolsonaro cũng từ chối tiêm vắc xin và giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của đại dịch.

Trong khi đó, Viện Butantan tại Sao Paulo đã gần hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 vắc xin Covid-19 do Trung Quốc. Viện này cũng phối hợp với Thống đốc Doria để xây dựng hạ tầng cần thiết cho việc sản xuất vắc xin hàng loạt.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 của Brazil ngày càng trở nên tồi tệ. Nước này là vùng dịch nghiêm trọng thứ 2 thế giới, với hơn 6,7 triệu ca mắc và 179.000 chết. Một số thống đốc bang, trong đó có ông Doria đã chỉ trích kế hoạch tiêm chủng liên bang vì không đảm bảo đủ nguồn cung vắc xin đa dạng.

Vắc xin Trung Quốc chưa thử nghiệm xong tại Brazil

Áp lực lên Tổng thống Bolsonaro cũng đang gia tăng khi các quốc gia khác trong khu vực đang cố gắng xây dựng nguồn cung vắc xin của riêng mình. Dimas Covas, người đứng đầu Viện Butantan, hồi tháng 8 cho biết ông đã trò chuyện với Argentina, Colombia và Tổ chức y tế xuyên châu Mỹ để cung cấp vắc xin CoronaVac.

Ông Covas ngày 10/12 cho biết một loạt các quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm với vắc xin trên, trong đó có Peru, Uruguay, Paraguay và Honduras. Trong khi đó, Thống đốc Doria cho hay 11 bang của Brazil đã liên lạc với Butantan để mua vắc xin CoronaVac.

Ông Doria hồi đầu tuần này cho biết, việc tiêm chủng vắc xin đại trà sẽ bắt đầu vào ngày 25/1, với tổng cộng 18 triệu liều được phân phát.

Tuy nhiên, điều đó sẽ không thể thực hiện nếu không có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý y tế của Brazil - Anvisa. Nhưng chỉ ít giờ sau tuyên bố của ông Doria, Anvisa đã bày tỏ sự bất ngờ và lo ngại rằng thời điểm trên đã làm mất hiệu lực việc đánh giá đang tiếp diễn về vắc xin CoronaVac.

Anvisa cũng chỉ ra rằng vẫn còn 2 trở ngại lớn trước khi vắc xin có thể được phê chuẩn để sử dung khẩn cấp. Việc xem xét nhà máy tại Trung Quốc nơi vắc xin được sản xuất vẫn cần được tiến hành, và kết quả giai đoạn thử nghiệm thứ 3 của Viện Butantan vẫn chưa được công bố.

Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello, cũng là đồng minh của Tổng thống Bolsonaro, hôm thứ 3 nói trong một cuộc gặp với các thống đốc bang rằng Anvisa cần khoảng 60 ngày để phê chuẩn một vắc xin và điều đó có thể xảy ra với trường hợp của AstraZeneca. Điều đó khiến thời điểm tuyên bố của ông Doria về vắc xin là không khả thi.

Thống đốc Doria đã chỉ trích các bình luận của Bộ trưởng Pazuello, cho rằng chính phủ liên bang phản đối vắc xin Covid-19 của CoronaVac là vì các vấn đề chính trị và ý thức hệ. Đáp trả, Bộ trưởng Pazuello khẳng định với các thống đốc bằng chính phủ liên bang sẽ mua bất kỳ vắc xin giá cả hợp lý nào mà Anvisa đề xuất.

Trong một cuộc phỏng vấn một ngày sau đó, Bộ trưởng Pazuello cho biết nếu chính phủ liên bang đạt được một thỏa thuận với công ty dược Pfizer của Mỹ, việc sử dụng khẩn cấp vắc xin dự kiến diễn ra đầu năm tới.

Hàng nghìn người đã được tiêm vắc xin CoronaVac tại Trung Quốc, nơi vắc xin đã được phê chuẩn sử dụng khẩn cấp.

Ông Doria cho biết dữ liệu cuối cùng từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 sẽ được đưa ra vào tuần tới và Anvisa cam kết đưa ra quyết định trong 30 ngày.

Trong cuộc tranh cãi giữa Tổng thống Bolsonaro và Thống đốc Doria, Anvisa đã tái khẳng định cam kết đánh giá vắc xin dựa trên khoa học thay vì các tiêu chính trị.

Trong khi đó, ông Doria đã đặt nghi vấn về tính độc lập của Anvisa vài lần, nói rằng cơ quan này không nên bị bắt giữ làm con tin do các lợi ích của chính phủ liên bang, văn phòng tổng thống hay một ý thức hệ.

Brazil, quốc gia đông dân thứ 5 thế giới, cần hơn 400 triệu liều vắc xin nếu chính phủ Mỹ thực hiện cam kết tiêm chủng cho toàn bộ dân vào cuối năm tới.

Bộ trưởng Pazuello cho biết AstraZeneca có thể cung cấp 260,4 triệu liều - 100,4 triệu liều trong nửa đầu năm 2021 và 160 triệu nửa năm sau, trong khi 70 triệu liều có thể của Pfizer và một liên minh Covax do WHO đứng đầu có thể cung cấp 42,5 triệu liều.