1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Brazil gây tranh cãi dữ dội vì đánh chìm tàu sân bay 34.000 tấn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Brazil tuyên bố đánh chìm tàu sân bay 34.000 tấn đang trôi dạt ở Đại Tây Dương bất chấp những cảnh báo rằng việc phá hủy một tàu chiến cũ kỹ chứa kim loại độc hại có thể gây ra thảm họa môi trường.

Brazil gây tranh cãi dữ dội vì đánh chìm tàu sân bay 34.000 tấn - 1

Tàu sân bay Sao Paulo (Ảnh: Wikipedia).

Hải quân Brazil thông báo, vụ đánh chìm được lên kế hoạch và có kiểm soát tàu sân bay Sao Paulo xảy ra vào chiều muộn ngày 3/2 (giờ địa phương) ở khu vực cách bờ biển Brazil ở Đại Tây Dương khoảng 350km, trong một khu vực có độ sâu khoảng 5.000m.

Quyết tâm đánh chìm chiến hạm 60 tuổi đã bị loại biên gây ra tranh cãi dữ dội trong dư luận vì các nhóm hoạt động vì môi trường cảnh báo vụ việc có thể gây ra thảm họa ô nhiễm. 

Con tàu chứa hàng tấn hóa chất độc hại như amiăng, kim loại nặng và các vật liệu khác có thể ngấm vào nước và gây đe dọa tới chuỗi thức ăn trên biển.

Tổ chức Mạng lưới Hành động Basel đã kêu gọi Tổng thống Brazil mới nhậm chức Luiz Inacio Lula da Silva ngay lập tức ngăn chặn kế hoạch "nguy hiểm" nhằm đánh chìm con tàu. Ông Lula trúng cử với cam kết đảo ngược tình trạng môi trường bị phá hủy đang gia tăng dưới thời cựu Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro.

Trước đó, Brazil đã nỗ lực tìm ra người mua chiếc tàu này để rã sắt vụn, nhưng thương vụ bất thành cũng vì con tàu chứa quá nhiều chất độc hại.

Được đóng vào cuối những năm 1950 tại Pháp, con tàu cũ kỹ này đã có một vị trí trong lịch sử hải quân thế kỷ 20 sau khi phục vụ tại Hải quân Pháp 37 năm dưới cái tên "Foch". Foch đã tham gia các vụ thử hạt nhân đầu tiên của Pháp ở Thái Bình Dương vào những năm 1960 và được triển khai ở Châu Phi, Trung Đông và Nam Tư cũ từ những năm 1970 đến 1990.

Năm 2000, Brazil mua con tàu dài 266m, nặng 34.000 tấn với giá khoảng 12 triệu USD. Một vụ hỏa hoạn trên tàu năm 2005 đã khiến nó nhanh chóng xuống cấp nghiêm trọng.

Năm ngoái, Brazil đã ủy quyền cho công ty Sok Denizcilik của Thổ Nhĩ Kỳ tháo dỡ Sao Paulo để lấy sắt vụn. Nhưng vào tháng 8, ngay khi một chiếc tàu kéo chuẩn bị kéo nó vào biển Địa Trung Hải, các nhà chức trách môi trường Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản kế hoạch này.

Trong khi đó, Brazil không quan tâm đến việc lấy lại tàu chiến cũ từng được nước này dùng làm soái hạm. Vào tháng 9/2022, một cảng trên bờ biển bang Pernambuco ở Brazil đã cấm tàu cập cảng. Các nhà chức trách cảng cho biết có khả năng lớn là con tàu sẽ bị bỏ lại, buộc các quan chức cảng phải thanh toán hóa đơn cho việc vận chuyển và xử lý amiăng.

Con tàu đã bị bỏ rơi trong 5 tháng qua khiến nó tự do trôi nổi ở vùng biển Brazil. Ngày 20/1, Hải quân nước này cho biết con tàu đã trôi ra vùng biển quốc tế.

Bộ Quốc phòng Brazil cho rằng, kế hoạch phá hủy con tàu "thể hiện nỗ lực chưa từng có" của Brazil nhằm xử lý con tàu một cách an toàn thông qua "tái chế thân thiện với môi trường".

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng, khu vực được chọn để đánh chìm tàu được xem là vị trí "an toàn nhất" vì nó nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Brazil, các khu vực bảo vệ môi trường, không có cáp ngầm được ghi nhận và ở độ sâu lớn hơn 3.000m.

"Xét đến điều kiện thực tế và rủi ro ngày càng tăng liên quan đến việc lai dắt, do tàu giảm khả năng nổi và kịch bản tàu chìm tự phát/không kiểm soát là không thể tránh khỏi, nên Brazil không thể áp dụng bất kỳ hành động nào khác ngoài việc loại bỏ thân tàu, thông qua việc đánh chìm được lên kế hoạch và kiểm soát", Bộ Quốc phòng Brazil lý giải.

Theo Al Jazeera