"Bóng ma" rò rỉ hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia ở Ukraine
(Dân trí) - Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine đã bị hư hại do trúng pháo kích, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ rò rỉ phóng xạ giống thảm họa Chernobyl năm 1986.
Liên Hợp Quốc đã yêu cầu phía Ukraine cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận nhà máy điện hạt nhân này. Nhưng vấn đề đặt ra là tình huống đó rất nguy hiểm và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia được xây dựng từ thời Liên Xô, là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Sáu lò phản ứng nước điều áp của nó (trong đó có ít nhất hai lò hiện đang hoạt động) rất quan trọng đối với Kiev vì chúng có thể sản xuất lượng điện cho tới 4 triệu ngôi nhà.
Nhà máy này chiếm một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với cả lực lượng Nga và Ukraine, khi cả hai đều nỗ lực giành quyền kiểm soát địa điểm này kể từ đầu cuộc chiến.
Khu phức hợp này hiện do hàng trăm binh sĩ Nga kiểm soát, những người đang đối đầu với các binh sĩ Ukraine đóng quân chỉ cách đó vài km.
Nó đã trở thành tâm điểm của một cuộc khủng hoảng quốc tế khi Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về các cuộc tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Ukraine "tố" Nga đã tận dụng các lò phản ứng làm mát bằng nước, cũng như một cơ sở lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng, trên một địa điểm rộng lớn và ngổn ngang như một bãi pháo "có mái che" nhắm bắn vào các vị trí của Ukraine. Theo các chuyên gia quân sự, Kiev không dám bắn trả vì có nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã cáo buộc người Nga sử dụng nhà máy này như một "lá chắn hạt nhân". "Tất nhiên Ukraine không thể bắn trả vì sợ rằng sẽ có một tai nạn khủng khiếp liên quan đến nhà máy hạt nhân", ông nói.
"Điều đó đã cho phép Nga nhắm mục tiêu vào các khu vực như thành phố Nikopol bên kia sông, nơi đã bị pháo kích dữ dội trong những tuần gần đây", ông Blinken nói.
Moscow bác bỏ tất cả các cáo buộc trên.
Lo ngại rò rỉ phóng xạ
Thành phố Enerhodar với dân số là 53.000 người, đã gần hết nguồn cung lương thực và bắt đầu lưu hành đồng ruble của Nga khi dự trữ đồng tiền hryvnia của Ukraine dần cạn kiệt, báo WSJ cho biết.
Andriy, 36 tuổi, một cư dân Enerhodar, cho biết chính quyền do Nga bổ nhiệm nói với người dân rằng khu vực xung quanh nhà máy Zaporizhzhia chôn đầy mìn.
"Họ nói Ukraine đang pháo kích nhà máy và kêu gọi chúng tôi dán mép cửa sổ bằng băng dính để nếu đạn pháo bắn trúng nhà kho chứa chất thải hạt nhân, bụi phóng xạ sẽ không bay vào nhà", Andriy cho biết. "Họ cảnh báo rằng ngày đầu tiên sẽ là nguy hiểm nhất, vì vậy bạn phải ở nhà và không được ra ngoài. Mọi người đều lo sợ sẽ có điều gì đó xảy ra với nhà máy".
Việc thông tin liên lạc với người dân ở Enerhodar ngày càng trở nên khó khăn khi chính quyền thắt chặt kiểm soát và bùng lên nỗi lo ngại trong cộng đồng. Nhiều người lo sợ bị nghe lén điện thoại. Nga cũng đang dần ngắt kết nối với các nhà cung cấp viễn thông Ukraine để triển khai dịch vụ di động của mình.
Ông Dmytro Orlov, Thị trưởng Enerhodar của chính quyền Ukraine, người đã rời khỏi thành phố cho biết, mọi người đang sợ hãi. "Công nhân của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đi làm mà không biết liệu họ có thể trở về nhà và liệu mọi thứ vẫn ổn với những người thân yêu khi họ vắng nhà hay không", ông nói thêm.
Thực tế cho thấy, với nhiều cư dân, nỗi lo hàng đầu vẫn là nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Zaporizhzhia, khi giao tranh tại đây ngày càng căng thẳng.
Cho đến nay, chưa có ghi nhận về thiệt hại với các lò phản ứng của nhà máy và không có dấu hiệu phóng xạ phát tán, nhưng Ukraine cho biết các nhân viên nhà máy đã phải đóng cửa một trong 6 lò phản ứng vào cuối tuần qua.
Vì sao gây lo ngại?
Có hai vấn đề làm bùng lên mối lo ngại sâu sắc về tình hình tại nhà máy hạt nhân này, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Nga nhưng lại sử dụng nhân viên người Ukraine.
Các quan chức an toàn hạt nhân quốc tế lo về việc thiếu phụ tùng thay thế, khả năng tiếp cận để bảo trì các lò phản ứng thường xuyên và thiếu liên lạc với nhân viên, tất cả đều bị gián đoạn bởi cuộc xung đột đang diễn ra.
Vấn đề thứ hai là những cuộc bắn phá tên lửa xung quanh nhà máy vào cuối tuần, trong đó Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau. Theo Energoatom - Cơ quan quản lý hạt nhân Ukraine, các tác động xảy ra gần với khu vực chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và nhà điều hành cáo buộc quân đội Nga "nhắm cụ thể" vào các thùng chứa.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các quan chức Ukraine đôi khi đã tuyên bố cường điệu về các nguy cơ hạt nhân gây ra bởi cuộc xung đột cả ở Chernobyl và Zaporizhzhia - vì vậy hiện tại vẫn chưa rõ mức độ nguy hiểm của vụ việc này.
Một khía cạnh cuối cùng là tuyên bố của tình báo Ukraine, được báo cáo trên các phương tiện truyền thông Ukraine rằng, Nga đã khai thác các cơ sở và thậm chí còn trích lời một quan chức Nga hiện chỉ huy lực lượng ở Zaporizhzhia rằng: "Sẽ thành đất của Nga hoặc thành sa mạc cháy xém".
Nếu Zaporizhzhia bị tấn công có chủ ý, thảm họa tiềm tàng này sẽ đe dọa miền nam nước Nga cũng như Ukraine vì sẽ gây ô nhiễm hạt nhân.