1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Bóng ma nội chiến” ở Syria

(Dân trí) - Vụ thảm sát kinh hoàng tại làng Houla, gần thành phố Homs ở miền Trung Syria hôm 25/5 đã tạo nên một cú sốc lớn trong cộng đồng thế giới, khiến nhiều nước kịch liệt lên án. Thảm kịch một lần nữa cho thấy "bóng ma nội chiến" vẫn đang rình rập ở quốc gia Trung Đông này.

Phát hiện hơn 90 thi thể tại thành phố Syria, phẫn nộ lan rộng
 

Thi thể chất thành hàng sau vụ thảm sát Houla.

Tội ác khó dung và những cảnh báo chiến tranh

Vụ thảm sát ngày 25/5 là sự kiện tồi tệ nhất trong làn sóng chống chính phủ kéo dài gần 16 tháng qua ở Syria khi có tới gần 50 trẻ em và 34 phụ nữ trong số hơn 100 người thiệt mạng. Tội ác không thể dung thứ này đã làm rúng động thế giới, buộc nhiều quốc gia phương Tây quyết định trục xuất đại diện ngoại giao của Syria, đồng thời khuyến cáo công dân không nên đến "vùng đất chết chóc" này.

Gần như cùng lúc, Trưởng phái bộ giám sát ngừng bắn của Liên hợp quốc - Liên đoàn Ảrập (LHQ - AL) Kofi Annan đã tức tốc trở lại Syria trong nỗ lực vớt vát nhằm cứu vãn kế hoạch hòa bình do chính ông đề xuất đang có nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên kết quả các cuộc đối thoại đã không mang lại kết quả như mong đợi.

Trong khi đó, lấy cớ không thể chấp nhận vụ thảm sát, một số nước như Pháp, Ảrập Xêút và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cảnh báo không loại trừ khả năng dùng vũ lực hòng chấm dứt sự cầm quyền của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

“Chúng tôi không loại trừ khả năng can thiệp quân sự ở Syria, miễn là có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu trên truyền hình ngay sau vụ việc trên.

Trung tướng Robert Mood cũng cảnh báo Syria đang đứng trước nguy cơ nội chiến, trong khi phe đối lập Quân đội Syria Tự do (SFA) ra tối hậu thư yêu cầu ông Assad phải tuân thủ triệt để kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc phái viên chung Annan.

“Bóng ma nội chiến” rình rập

Thảm kịch ở Houla xảy ra sau khi căng thẳng giữa người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số (ủng hộ phe đối lập) và người Alawite thiểu số (ủng hộ chính phủ) bị đẩy lên đến đỉnh điểm.

Đáng lưu ý, tình trạng này không chỉ diễn ra ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Homs mà còn lan tới các khu vực sinh sống của nhóm người Công giáo thiểu số (cũng ủng hộ chính phủ của ông Assad).

Nếu những căng thẳng sắc tộc này tiếp tục bị đẩy lên cao, nó không chỉ tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho các vụ tấn công trả đũa lẫn nhau khiến cho máu của người dân Syria vô tội tiếp tục đổ xuống, mà còn đẩy quốc gia có hơn 20 triệu dân này tiến gần hơn tới bờ vực nội chiến.

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng đã cảnh bảo về viễn cảnh một cuộc nội chiến khốc liệt đang manh nha ở Syria.

“Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm qua tại Syria có thể trở thành một cuộc nội chiến toàn diện nếu chính quyền Damascus và phe đối lập vũ trang không tiến hành các cuộc đàm phán chính trị cụ thể”, ông Ban Ki-moon phát biểu tại cuộc họp kín của HĐBA LHQ.

Truy tìm thủ phạm

Câu hỏi đặt ra là ai thực sự đứng sau những tội ác man rợ ở Houla?

Theo Ủy  ban điều tra vụ thảm sát do chính phủ Syria thành lập, thủ phạm là hơn 800 phần tử chống đối được trang bị vũ khí hạng nặng đã tìm cách tấn công các lực lượng chính phủ và tàn sát hàng trăm gia đình ở  Houla nhằm khuyến khích nước ngoài can thiệp vào Syria.

“Các nhóm vũ trang đã tấn công một số đồn lính khiến các binh sĩ đáp trả để tự vệ. Quân chính phủ không hề rời căn cứ của họ. Trong khi đó, hầu hết các nạn nhân thiệt mạng là những người từ chối chống lại chính phủ và bất đồng với các nhóm vũ trang. Thậm chí một số nạn nhân còn là họ hàng của một nghị sĩ Quốc hội Syria”, người đứng đầu ủy ban điều tra, Chuẩn tướng Qassem Jamal Suleiman, cho biết.

Trước khi kết quả điều tra trên được công bố, vụ thảm sát đã gây ra một cuộc đấu khẩu ồn ào do các bên đều tìm cách đổ lỗi cho nhau.

Theo lệ thường, ngay sau vụ tấn công, Mỹ, Pháp và các nước phương Tây đã nhanh chóng quy trách nhiệm cho chính quyền Syria, song đã bị Damascus lập tức bác bỏ. Damascus cáo buộc chính các phần tử khủng bố mới là thủ phạm cướp đi mạng sống của hơn 100 nạn nhân.

Trong khi đó, phe đối lập đổ riệt trách nhiệm cho quân chính phủ, để rồi lấy cớ không tiếp tục tuân thủ kế hoạch hòa bình của ông Annan.

Thế nhưng, nếu nhìn vào những chứng cứ thực tế tại hiện trường vụ thảm sát thì dường như tội ác không phải chỉ do một phía thực hiện như cáo buộc của phương Tây. Theo các nhân chứng tại chỗ, phần lớn các nạn nhân đã bị sát hại bằng dao, súng ở cự ly gần, chứ không phải chết vì các loạt đại bác của quân chính phủ.

Nói theo lời của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov: "Tội ác phải được xác định một cách khách quan". Vì vậy, nếu LHQ và phương Tây chỉ tìm cách tiếp tục "gõ đầu" quân chính phủ Syria và lờ đi những hành động tấn công của phe đối lập, điều đó chỉ chứng tỏ rằng cơ quan quyền lực nhất thế giới không thực sự khách quan và đang cố ý bao che cho hành động gây hấn của quân phiến loạn.

Trước những phản ứng và bằng chứng trái chiều về phương thức thực hiện vụ thảm sát, đặc biệt sau khi Nga và Trung Quốc cùng lên tiếng cáo buộc cả hai bên ở Syria, LHQ đã phải thừa nhận họ vẫn chưa biết đích xác ai là thủ phạm.

Tất nhiên, tính chất dã man của cuộc thảm sát Houla là điều đáng bị lên án. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vụ việc này chưa thể bị coi là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi để lật đổ một chính quyền khi chưa rõ ai thực sự là thủ phạm.

Suy cho cùng, mọi sự khiên cưỡng không những sẽ đẩy bạo lực tiếp tục leo thang, mà còn khiến đất nước trên 20 triệu dân tiếp tục phải đắp thêm những nấm mồ mới bên cạnh những ngổn ngang súng đạn và các vấn đề nan giải khác.

Theo quan điểm của các nhà phân tích cũng như của Nga và Trung Quốc, thảm sát Houla chỉ nên coi là chất xúc tác cho sự thay đổi tình hình cả ở bên trong và bên ngoài Syria, nhằm ngăn không cho xuất hiện thêm nữa những cái chết oan uổng của người dân Syria như cộng đồng quốc tế vẫn mong mỏi.

Đức Vũ