1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bộ Tứ - Từ yên ắng đến hồi sinh (kỳ 1)

Sự trỗi dậy mạnh mẽ đầy tham vọng, cùng những hành động kiên quyết của Trung Quốc không chỉ đe dọa vị thế số một, lợi ích chiến lược của Mỹ mà còn gây lo ngại cho các thành viên khác của Bộ Tứ...

Bộ Tứ - Từ yên ắng đến hồi sinh (kỳ 1) - 1

Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi năm 2017. (Nguồn: Financial Times)

Có một dòng chảy khác với xu thế toàn cầu hóa là liên kết lực lượng theo nhóm, khu vực. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ-Trung Quốc và các thách thức an ninh thúc đẩy Bộ Tứ tập hợp lực lượng, đối trọng với Trung Quốc. Ý tưởng đã định hình, nhưng con đường đến đích còn nhiều trắc trở.

Ra đời và 10 năm yên ắng

Đại họa sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 làm khoảng 23.000 người dân thiệt mạng là nguyên cớ thúc đẩy sự hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Austrailia và Ấn Độ để khắc phục hậu quả. Đó là một gợi ý đáng quan tâm cho những tính toán chiến lược.

Tháng 8/2007, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, khởi xướng ý tưởng táo bạo kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương thành một châu Á rộng lớn hơn. Sau đó, ông kêu gọi Mỹ, Australia, Ấn Độ cùng Nhật Bản - “những nền dân chủ với tư duy tương đồng” phối hợp, trao đổi về các vấn đề an ninh mà các bên có chung lợi ích.

Năm 2007 được xem là một dấu mốc khởi đầu của Bộ Tứ (Quad), hay còn gọi là “Tứ giác kim cương”. Danh xưng “Tứ giác kim cương” hàm chứa vai trò có giá trị “kim cương” của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ ở khu vực. Một khi chính thức hóa, thể chế hóa sự liên kết của Bộ Tứ sẽ tạo ra một cấu trúc bền vững, có độ cứng cao như kim cương!

Những năm sau đó, Bộ Tứ duy trì một số cuộc đối thoại, diễn tập quân sự… Năm 2012, Bộ Tứ tổ chức đối thoại ở Nhật Bản với chủ đề “Chia sẻ thương mại và hợp tác quốc phòng khu vực Ấn Độ Dương”.

Nhưng về tổng thể 10 năm (2007-2017), từ thời điểm khởi đầu, hoạt động của Bộ Tứ khá im ắng. Kéo con lắc ra khỏi vị trí cân bằng, nó sẽ dao động. Nếu không có thêm tác động, con lắc, dù bằng kim cương cũng sẽ dao động tắt dần bởi lực cản. Có thể so sánh như vậy về những năm đầu của Bộ Tứ.

Thủ tướng Nhật Bản đánh giá Bộ Tứ có “tư duy tương đồng” nhưng lợi ích, mục đích của từng thành viên có thời điểm không hoàn toàn đồng nhất. Australia muốn giới hạn trong hợp tác thương mại. Ấn Độ không muốn tăng cường quan hệ an ninh. Hai nước có phần ngại phản ứng bất lợi từ Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất của Nhật Bản. Mỹ phân tán sự quan tâm cho nhiều địa bàn chiến lược, loay hoay trong chính sách “Xoay trục”, “Tái cân bằng” của Tổng thống Barack Obama và cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 với kết quả bất ngờ ở phút thứ 89.

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, họ chưa định hình rõ ràng là một liên minh, một diễn đàn an ninh hay chỉ là mở rộng đối thoại chiến lược 4 bên? Ông Anil Jai Singh, Phó Chủ tịch Quỹ Hàng hải Ấn Độ cho rằng: Rõ ràng sẽ không thông minh nếu Bộ Tứ thực sự xem đối trọng với Trung Quốc là mục tiêu!

Nhà nghiên cứu Dhruva Jaishankar, Viện Brookings Ấn Độ nhận xét: Bộ Tứ sẽ là cơ chế hợp tác “không hiệp ước”, chỉ nhằm khai thác lợi thế kinh tế sẵn có để tạo lập hòa bình, ổn định khu vực. Và như thế, Bộ Tứ chưa đảm nhận vai chính trên “sân khấu khu vực”!

Đến lúc hồi sinh

Bối cảnh thế giới khu vực những năm cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI có nhiều biến động, nổi lên nhiều thách thức an ninh mới, phức tạp. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là địa bàn trọng điểm chiến lược, nơi hội tụ của 3 nền kinh tế lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản); 7/8 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Timor Leste, Papua New Guinea…); 7/10 quốc gia có quy mô lực lượng quân đội hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Austrailia).

Các nhà nghiên cứu quốc tế nhận định, kiểm soát được khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về cơ bản kiểm soát được thế giới. Quan trọng như vậy, nhưng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới chỉ có các hiệp ước song phương (Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, Hiệp ước phòng thủ song phương Mỹ-Hàn) và các “tam giác quan hệ” Mỹ-Ấn-Nhật, Mỹ-Nhật-Austrailia, thiếu một cơ chế an ninh chung toàn khu vực.

Trong khi Mỹ đang vướng bận tại các điểm nóng ở Trung Đông, Bắc Phi, địa bàn châu Âu, bán đảo Triều Tiên… thì Trung Quốc mạnh mẽ triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường, với sự tham gia của hơn 100 quốc gia, 2.600 dự án, hình thành hệ thống cảng biển, đường giao thông kết nối nhiều châu lục, thiết lập các chuỗi đảo, vành đai an ninh trên Biển Đông, tạo lợi thế ở châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi, Mỹ Latin…

Trước nguy cơ mất vị thế trên nhiều địa bàn chiến lược, Mỹ không thể không hành động mạnh hơn. Ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, Tổng thống Donald Trump nêu ý tưởng về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), được dư luận đánh giá là bước đột phá trong chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á.

Mỹ mở rộng phạm vi địa lý của chiến lược ra toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và các quốc gia bao quanh. Với phạm vi bao trùm, Bộ Tứ dự tính sẽ tạo được lợi thế, đồng thời ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng sang Ấn Độ Dương.

Mỹ đưa ra khái niệm “Tự do” (tôn trọng các quyền cơ bản, không bị cưỡng bức chủ quyền…) và “Rộng mở” (các tuyến giao thông hàng hải, hàng không mở, đầu tư, thương mại và cơ sở hạ tầng mở…) nhằm thu hút rộng rãi các đối tác.

Mục tiêu cốt lõi của FOIP là lấy Bộ Tứ làm hạt nhân, tập hợp lực lượng, thắt chặt quan hệ với các đối tác nhằm kiềm chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực; duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, sức mạnh quân sự, ngoại giao của Mỹ trên địa bàn trọng điểm chiến lược.

Để thực thi FOIP, không thể không tăng cường vai trò, thúc đẩy hoạt động của Bộ Tứ.

Ý đồ chiến lược của Mỹ và các thành viên Bộ Tứ cộng hưởng với sự lo ngại của nhiều nước về các thách thức an ninh, kinh tế… là động lực thúc đẩy Bộ Tứ hồi sinh. Nhiều nước trông chờ sự cân bằng, ổn định hơn trong khu vực từ FOIP và Bộ Tứ. Nhưng cũng không ít nước lo ngại sự đối kháng giữa hai tập hợp lực lượng gây phức tạp tình hình khu vực, thế giới.

Bộ Tứ - Từ yên ắng đến hồi sinh (kỳ 1) - 2

Năm 2007 được xem là một dấu mốc khởi đầu của Bộ Tứ (Quad), hay còn gọi là “Tứ giác kim cương”. Danh xưng “Tứ giác kim cương” hàm chứa vai trò có giá trị “kim cương” của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ ở khu vực.

Nhân tố Trung Quốc

Sự trỗi dậy mạnh mẽ đầy tham vọng, cùng những hành động kiên quyết của Trung Quốc không chỉ đe dọa vị thế số một, lợi ích chiến lược của Mỹ mà còn gây lo ngại cho các thành viên khác của Bộ Tứ. Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản chỉ rõ: Trung Quốc “thay đổi nguyên trạng bằng cách cưỡng bức ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku”.

Nhà phân tích quốc phòng Jagannath thuộc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) nhận xét: Sự vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương và châu Phi là điều đáng báo động, đặc biệt là đối với Ấn Độ, Nhật Bản.

Ý đồ chiến lược của Mỹ và các thành viên Bộ Tứ cộng hưởng với sự lo ngại của nhiều nước về các thách thức an ninh, kinh tế… là động lực thúc đẩy Bộ Tứ hồi sinh.

Nếu giai đoạn trước, Ấn Độ, Australia có phần do dự thì nay đã thay đổi thái độ. Xung đột biên giới Trung-Ấn buộc Ấn Độ tăng cường hợp tác với Mỹ và Bộ Tứ.

Căng thẳng thương mại, pháp lý với Trung Quốc thúc đẩy Australia có nhiều hành động mạnh mẽ, tăng cường hợp tác, tham gia tập trận chung…

Gần đây, Ấn Độ và Australia đã ký Hiệp định quốc phòng nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP), thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau (MLSA), thỏa thuận bố trí khoa học và công nghệ quốc phòng… Xu hướng lập các “nhóm không Trung Quốc” cũng đang lặng lẽ diễn ra.

Đại dịch Covid-19 cũng là một tác nhân. Hậu quả nặng nề của đại dịch tác động mạnh mẽ, nhiều mặt trên toàn cầu, dẫn đến những thay đổi về tư duy, hành động, cấu trúc chính trị, kinh tế, an ninh quốc tế. Cạnh tranh thương mại Trung-Mỹ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy đe dọa suy thoái kinh tế thế giới.

Trong lịch sử từng xảy ra khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 hay việc Trung Quốc cắt giảm nguồn cung cấp đất hiếm (nguyên liệu không thể thiếu của nhiều ngành công nghiệp) cho Nhật Bản năm 2010 sau va chạm ở vùng biển gần Senkaku… Nguy cơ đó đang tái diễn trong đại dịch Covid-19. Các nước ngày càng thấy rõ sự phụ thuộc vào cung ứng từ một nước vô cùng nguy hiểm.

Tình thế thúc đẩy Bộ Tứ hồi sinh, hoạt động mạnh mẽ hơn, thực chất hơn. Phó Đô đốc Hải quân Ấn Độ Lalit Kapur dự báo: Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai sẽ được định hình bởi “tham vọng của Trung Quốc, lợi ích của Ấn Độ, sự trỗi dậy trở lại của Nhật Bản, sự tự tin của Australia và nhận thức của ASEAN”.

Nói Trung Quốc thúc đẩy Bộ Tứ hồi sinh có vẻ hài hước, nhưng không phải không có lý.

Năm 2019, diễn ra hội nghị chính thức đầu tiên cấp bộ trưởng Bộ Tứ ở New York. Tháng 3/2020, Mỹ dự kiến họp hội nghị cấp thứ trưởng Bộ Tứ trực tuyến mở rộng thêm Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam trao đổi về Mạng lưới kinh tế thịnh vượng nhằm phối hợp hoạt động thương mại, chia sẻ công nghệ, đối phó với đại dịch, đưa kinh tế thế giới trở lại bình thường.

Ngày 19/7, Mỹ, Nhật Bản, Australia diễn tập hải quân ở vùng biển Philippines gần như đồng thời với diễn tập Mỹ - Ấn ở vùng biển Ấn Độ…

Một thời gian ngắn sau đó, ngày 6/10, tại Nhật Bản, khai mạc hội nghị cấp bộ trưởng Bộ Tứ lần thứ hai, hội nghị đầu tiên hậu đại dịch Covy-19… Tần suất hoạt động chưa từng thấy của Bộ Tứ.

(còn tiếp)