1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Malaysia, Indonesia

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuần này đã có 2 chuyến thăm tới Malaysia và Indonesia trong một động thái được cho là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia Đông Nam Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Malaysia, Indonesia - 1

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin (trái) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Kuala Lumpur hôm 7/9. (Ảnh: Xinhua)

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto tại Jakarta trong ngày hôm nay 8/9. Sự kiện này diễn ra một ngày sau khi ông Ngụy có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Malaysia tại thủ đô Kuala Lumpur trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách cân bằng ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới 2 nước Đông Nam Á diễn ra ngay trước khi các bộ trưởng và quan chức cấp cao của các nước thành viên ASEAN. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến cũng tham dự cuộc họp này.

Mặc dù Indonesia không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông, song nước này cũng có mâu thuẫn với Bắc Kinh khi các tàu cá Trung Quốc nhiều lần đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna. Ngoài ra, Indonesia cũng lên tiếng bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tuy vậy, Indonesia, quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với tình hình suy thoái trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng lên, vẫn cần tới nhà sản xuất thuốc Trung Quốc để bảo đảm nguồn cung vắc xin Covid-19. Hơn nữa, Indonesia vẫn luôn chào đón các khoản đầu tư từ Trung Quốc để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.

Trong chuyến thăm tới Kuala Lumpur hôm qua, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa đã nói với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN, bao gồm Malaysia, để duy trì hòa bình tại Biển Đông. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin, ông Ngụy nói rằng việc bảo đảm ổn định tại Biển Đông là trách nhiệm chung của Trung Quốc và Malaysia.

Thủ tướng Muhyiddin cho biết Malaysia sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để củng cố hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực gồm quốc phòng, giáo dục, kinh tế, thương mại…

Ông Ngụy cũng có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismal Sabri Yaakob, khẳng định Trung Quốc cam kết củng cố hợp tác quốc phòng với Malaysia và thúc đẩy liên kết quân sự giữa hai nước.

Bình luận về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong nói: “Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tăng cao, không khu vực nào chịu rủi ro và hậu quả trước sự trỗi dậy của Trung Quốc lớn hơn vùng biển Đông Nam Á. Tôi luôn cho rằng Trung Quốc cần đối xử với các nước Đông Nam Á ven biển như ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của họ. Đây là khu vực gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc, nhưng các nước trong khu vực cũng đang mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Zachary Abuza, giáo sư về các vấn đề an ninh Đông Nam Á tại Mỹ, cho rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới Malaysia không phải là động thái bất ngờ vì Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh hoạt động ngoại giao quốc phòng trên khắp thế giới trong những năm gần đây.

Theo Azmi Hassan, nhà phân tích chính trị tại Đại học Công nghệ Malaysia, mặc dù các tàu chiến và ngư dân Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, nhưng quan hệ quốc phòng giữa Malaysia và Trung Quốc vẫn khá tốt. Trong những năm gần đây, các tàu ngầm Trung Quốc vẫn neo đậu tại cảng hải quân Sepanggar ở bang Sabah của Malaysia để tiếp nhiên liệu. Hoạt động này dự kiến sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

“Việc Malaysia đón các tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc với tần suất thường xuyên không phải là chuyện bí mật, tuy nhiên truyền thông địa phương hiếm khi đưa tin vì sự nhạy cảm”, nhà phân tích Azmi cho biết.

Giáo sư Abuza cho rằng Trung Quốc tận dụng bối cảnh Mỹ giảm bớt vai trò lãnh đạo trong các vấn đề về kinh tế và an ninh khu vực.

“Mỹ đã mất nhiều ảnh hưởng và đối trọng trong khu vực. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của gần như mọi quốc gia Đông Nam Á, là nguồn đầu tư và cung cấp các khoản vay, trong khi các nước khác không như vậy”, ông Abuza cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm