1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn khu vực

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đưa ra một loạt bằng chứng để chứng minh rằng Trung Quốc đang gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn khu vực - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (Ảnh: AFP)

“Chúng tôi kiên quyết phản đối kiểu hành xử đáng lo ngại thông qua hành vi hung hăng, gây mất ổn định của Trung Quốc. Những hành vi này bao gồm việc vũ khí hóa các tài nguyên chung toàn cầu, sử dụng chiêu bài kinh tế và bẫy nợ để đánh đổi các thỏa thuận chủ quyền, thúc đẩy hành vi đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của các nước khác”, Reuters dẫn lời tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phát biểu trước các phóng viên tại Sydney, Australia hôm nay 4/8.

“Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng không một quốc gia nào có thể hoặc nên thống trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chúng tôi vẫn đang hợp tác với các đồng minh và đối tác để đáp ứng những nhu cầu an ninh cấp thiết hiện nay trong khu vực”, ông Esper nói trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ.

Bộ trưởng Esper hôm qua cho biết ông ủng hộ việc đặt tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á trong tương lai gần, song không tiết lộ cụ thể địa điểm đặt các tên lửa này.

Tuyên bố của ông chủ Lầu Năm Góc được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ gần đây liên tục có những phát ngôn cứng rắn nhằm vào Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 2/8 chỉ trích rằng, “những hành vi xấu” kéo dài suốt “hàng chục năm” của Trung Quốc đã gây tổn hại cho thương mại tự do toàn cầu. Ông Pompeo cũng ngầm chỉ trích việc Trung Quốc đẩy các quốc gia vào bẫy nợ thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tham dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Thái Lan tuần này, ông Pompeo cũng chỉ trích hành vi “cưỡng ép” của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ trích các dự án xây dựng đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/8 tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chấm dứt cuộc đình chiến thương mại kéo dài khoảng 1 tháng giữa hai nước.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/7 đã bày tỏ quan ngại trước các báo cáo về hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí lâu nay của Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel ngày 26/7 cũng phát đi tuyên bố, chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông là ví dụ đáng lo ngại về cái gọi là một quốc gia phớt lờ công khai luật pháp quốc tế.

Mỹ quan ngại ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có cuộc gặp với người đồng cấp tại Australia trong ngày hôm nay. Đây là hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn 2+2 thường niên về an ninh, trong đó Mỹ và Australia cam kết tăng cường đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn lo ngại Trung Quốc sử dụng viện trợ như một hình thức để mở rộng ảnh hưởng đối với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực Thái Bình Dương, nơi có các đại dương rộng lớn với nguồn tài nguyên dồi dào.

Australia, một nước lớn tại Nam Thái Bình Dương, đã cam kết chi 2,04 tỷ USD dưới hình thức viện trợ và cho vay với lãi suất thấp để đối phó với “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc.

“Hợp tác với chúng tôi và Australia mang lại lợi ích cho các bên, chứ không phải những thỏa thuận mà chỉ có một bên thắng, còn một bên thua”, Ngoại trưởng Pompeo nói, ám chỉ tới những khoản viện trợ của Trung Quốc.

Thành Đạt

Tổng hợp