Bộ trưởng Công nghiệp Libăng bị ám sát
(Dân trí) - Bộ trưởng Công nghiệp Libăng Pierre Gemayel, đồng thời là lãnh đạo người Cơ đốc giáo, đã bị ám sát tại thủ đô Beirut vào ngày hôm qua, 21/11.
Một số nguồn tin an ninh cho biết, các tay súng đã tấn công vào đoàn hộ tống của ông Gemayel khi họ đang đi qua khu phố Sin el-Fil đông tín đồ đạo Cơ đốc sinh sống.
Ngay sau khi bị bắn, Bộ trưởng công nghiệp Libăng đã được đưa tới bệnh viện nhưng ông đã qua đời do vết thương quá nặng.
Saad al-Hariri, con trai của cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri, người cũng bị ám sát vào năm 2005, nói: “Chúng tôi tin rằng bàn tay của Syria hiện hữu ở khắp mọi nơi”.
Ông Gemayel bị ám sát, càng làm cho chính trường Libăng rơi vào tình trạng bế tắc, sau khi 6 bộ trưởng người Shiite trong chính phủ đồng loạt xin từ chức. Vụ việc gây bất đồng sâu sắc giữa nhóm đa số chống đối Syria và nhóm vũ trang Hezbollah trong chính phủ.
Các vụ ám sát tại Libăng trong thời gian gần đây
2/2005: Cựu thủ tướng Libăng Rafik Hariri 6/2005: Nhà báo chống Syria Samir Kassir 6/2005: Cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Libăng George Hawi 12/2005: Nghị sĩ chống Syria Gebran Tueni 11/2006: Bộ trưởng công nghiệp Pierre Gemayel |
Pierre Gemayel, con trai của cựu tổng thống Amin Gemayel, là thành viên đảng Phalange Cơ đốc giáo. Tháng 9 năm 1982, một người bác của ông là Bashir Gemayel cũng bị ám sát khi ông Bashir được bầu làm tổng thổng trong cuộc chiến giữa Isreal và Libăng.
Pierre Gemayel là người luôn có chủ trương phản đối sự ảnh hưởng của Syria tại Libăng. Nhiều người Libăng tin rằng Syria đã dính dáng tới vụ ám sát cựu thủ tướng Hariri hồi tháng 2 năm ngoái.
Nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia đã lên án mạnh mẽ vụ ám sát Bộ trưởng Công nghiệp Libăng. Hội đồng Bảo an gọi ông Gemayel là một nhà ái quốc và chỉ trích những hành động gây bất ổn tại nước này.
Tổng thống Mỹ Bush đã lên án vụ ám sát và kêu gọi cuộc điều tra tổng thể để nhanh chóng tìm ra các cá nhân và lực lượng đã đứng sau vụ việc. Ông Bush cũng cáo buộc Syria và Iran đã xúi giục, gây nên tình trạng bất ổn và bạo lực tại Libăng. Thủ tướng Anh Tony Blair hôm qua cũng cho rằng vụ tấn công ông Gemayel là hoàn toàn sai trái.
Iran, Hezbollah, phe Hồi giáo Shiite tại Libăng cũng chia sẻ quan điểm với ông Bush và Blair.
Trong khi đó, Syria, đang đối mặt với các báo cuộc dính dáng tới tình hình chính trị tại Libăng, cũng phản đổi vụ ám sát ông Gemanyel và gọi đó là một “hành động phạm tội hèn hạ”.
Iraq nối lại quan hệ ngoại giao với Syria
Trong khi đó, lần đầu tiên sau 24 năm, ngày 21/11, Iraq đã chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với quốc gia láng giềng Syria - một động thái được kỳ vọng là sẽ giúp giảm tình hình bạo lực đang leo thang tại Iraq, cũng như ở Trung Đông.
Ngoài ra, các nhà lập pháp Iraq tiết lộ, Tổng thống Iraq và Syria cũng nhận lời mời của người đồng cấp Mahmoud Ahmadinejad tham dự hội nghị thượng đỉnh về Iraq được tổ chức tại thủ đô Tehran vào cuối tuần này. |
VTH
Theo Reuters, BBC