1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bộ nội vụ Nga không nhận xe chiến đấu Armata vì…quá mạnh

Lãnh đạo các lực lượng Nội vụ Nga có thể từ chối các dòng xe chiến đấu Armata vì quá "dữ tợn".

Bộ Nội vụ Nga chê xe chiến đấu Armata quá “khủng”

Lãnh đạo Các lực lượng Nội vụ của Liên bang Nga nhận thấy, những loại xe thiết giáp thuộc loại thiết bị chiến đấu chuyên dụng như "Armata", "Bumerang" và "Kurganets" không thật cần thiết cho trang bị của ngành này và có thể sẽ không tiếp nhận chúng vào hệ trang bị.

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, hiện bộ này đã có khá nhiều loại trang bị bọc thép cho lực lượng của mình, trong khi các dòng xe được thiết kế trên khung gầm Armata có quá nhiều vũ khí và ngoại hình "dữ tợn".

Bộ Nội vụ nước này hiện đang nghiên cứu chọn phương án xe ô tô bọc thép "Ural-VV" để trang bị cho cho các tiểu đoàn, trung đoàn và lữ đoàn cảnh sát cơ động chứ không dùng xe chiến đấu bộ binh của quân đội.

Còn riêng lực lượng trinh sát và đặc nhiệm, ngoài sở hữu xe ô tô bọc thép Ural-VV mới, sẽ được trang bị thêm các xe bọc thép chở quân BTR-82" - báo Izvestia trích lời một đại diện của Bộ Nội vụ cho biết.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, Bộ này chưa có nhu cầu về Armata và các loại xe chiến đấu hạng nặng tương tự. Những xe BMP được sản xuất phục vụ cho hoạt động quân sự qui mô lớn, trong khi Lực lượng Nội vụ chỉ chuyên tham gia việc duy trì an ninh trật tự trong nước.

Vừa qua, Phó Tổng giám đốc của Nhà máy Uralvagonzavod, phụ trách mảng thiết bị đặc biệt là ông Vyacheslav Khalitov cho biết, khoảng hai mươi siêu xe tăng và xe thiết giáp được thiết kế trên nền tảng Armata đang trải qua quá trình thử nghiệm ở mọi cấp độ.

Theo lời vị Phó Tổng giám đốc của Uralvagonzavod, sau cuộc thử nghiệm hàng loạt này, xe tăng T-14 Armata và xe chiến đấu bộ binh T-15 Armata sẽ được đưa vào hệ trang bị của quân đội Nga khoảng năm 2016-2017.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Nga được đánh giá rất cao
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Nga được đánh giá rất cao

Đồng thời, những chiếc đầu tiên trong dòng xe này có thể được xuất khẩu sau năm 2020. Tuy nhiên, chúng còn phụ thuộc vào đơn đặt hàng của quân đội Nga là nhiều hay ít và khả năng của nhà sản xuất có đủ đáp ứng yêu cầu trang bị đại trà cho quân đội Nga, trước khi xuất khẩu.

Do đó, việc lực lượng Nội vụ Nga từ chối không tiếp nhận cũng là điều dễ hiểu vì với chức năng chủ yếu là bảo vệ an ninh nội địa, họ sẽ không phải đối đầu với những đối thủ có lực lượng tăng-thiết giáp mạnh hay sở hữu những loại vũ khí chống tăng có uy lực lớn.

Nga: Thiết kế Armata bỏ xa công nghệ phương Tây

Phó Tổng giám đốc của Nhà máy Uralvagonzavod Vyacheslav Khalitov nhấn mạnh, Armata là xe tăng của thế hệ khác, vượt hơn các mẫu tương tự đến 25%, đặc biệt là về độ an toàn. Các mẫu xe chiến đấu dựa trên nền tảng Armata cũng có tính năng tương tự.

Nga đã thực hiện được bước nhảy vọt về chất lượng, bỏ xa phương Tây. Vì thế, nếu phương Tây chế tạo xe tăng sánh ngang Armata thì vẫn là sự “vuốt đuôi”, bởi trong thời gian đó Nga còn tiến xa hơn nữa - nhà lãnh đạo của Uralvagonzavod nói.

Ông lưu ý rằng mẫu thiết giáp bánh xích trên nền tảng Armata mà Nga chế tạo với hệ thống an ninh 4 cấp hiện nay là độc nhất vô nhị trên thế giới, và cho phép công nghệ xe tăng của Nga vượt hơn các nước dẫn đầu như Mỹ, Israel, Đức và Pháp khoảng 8-10 năm.

Xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 Armata của Nga
Xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 Armata của Nga

Cấp độ đầu tiên của hệ thống bảo vệ chú trọng tới việc giảm thiểu các nguồn bức xạ nhiệt, điện từ và hồng ngoại của Armata, khiến đối phương khó phát hiện xe bọc thép trên chiến trường trong phạm vi dải tần radar, tia hồng ngoại và kính quang học.

Cấp độ bảo vệ thứ hai là hệ thống phòng thủ chủ động (APS - Active Protection Systems), sử dụng thiết bị gây nhiễu hệ thống điều khiển tên lửa và dẫn đường, khiến đạn pháo và tên lửa chống tăng bay chệch hướng, không thể bắn trúng mục tiêu.

Cấp độ thứ ba là hệ thống bảo vệ chủ động “Hard kill and soft kill”, gồm có hệ thống radar mảng pha chủ động trên xe, cho phép phát hiện và tiêu diệt đạn pháo ngay trên đường bay của chúng đến Armata, nếu đạn pháo, tên lửa vượt qua cả hai cấp độ trên.

Hệ thống bảo vệ cấp độ bốn là thiết kế tháp pháo tự động không người điều khiển, sử dụng hệ thống điều khiển xa, gia tăng cơ hội sống sót nếu trúng đạn vào tháp pháo.

Khác với kiểu xe tăng truyền thống, kíp xe làm việc bên trong khoang bọc thép, tách rời khỏi hệ thống lưu trữ và nạp đạn xe tăng, nâng cao khả năng sinh tồn trong trường hợp xe bị đạn xuyên phá.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự phương Tây, các dòng xe tăng và thiết giáp được chế tạo trên khung gầm Armata đã vượt trội các dòng xe cùng thế hệ của phương Tây như Leopard 2 của Đức, Leclerc của Pháp, M1 Abrams của Mỹ, Challenger 2 của Anh hay Merkava của Israel.

Theo Nhật Nam

Đất Việt