Bộ đôi siêu tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh ở Biển Đông
(Dân trí) - 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln đã tiến vào Biển Đông để tham gia huấn luyện nhằm củng cố khả năng sẵn sàng tác chiến.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ, dẫn đầu là các tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln, đã bắt đầu hoạt động ở Biển Đông vào ngày 23/1.
Theo thông báo của Lầu Năm Góc, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ thực hiện các bài huấn luyện bao gồm hoạt động tác chiến chống ngầm, tác chiến trên không và ngăn chặn trên biển để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định các hoạt động sẽ được thực hiện tại các vùng biển quốc tế và tuân thủ theo luật pháp quốc tế.
"Các hoạt động như vậy cho phép chúng ta nâng cao năng lực chiến đấu đáng tin cậy, cam kết với các đồng minh và đối tác, đồng thời thể hiện quyết tâm của chúng ta với tư cách là lực lượng hải quân nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực và chống lại ảnh hưởng xấu", Chuẩn Đô đốc J.T. Anderson, chỉ huy nhóm tác chiến do tàu sân bay USS Abraham Lincoln dẫn đầu, tuyên bố.
Cuối tuần trước, 2 tàu sân bay USS Abraham Lincoln và USS Carl Vinson, 2 tàu đổ bộ USS America, USS Essex của Mỹ, các tàu hộ tống trong nhóm tác chiến và 26 máy bay chiến đấu F-35 Lightning II đã tập trận cùng tàu chiến JS Hyuga của Nhật Bản ở Biển Philippines.
Đây là cuộc tập trận lớn nhất liên quan đến các tàu có khả năng thu, phóng máy bay kể từ cuộc tập trận tháng 10/2021 giữa các nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan và Carl Vinson của Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay 21 của Hải quân Hoàng gia Anh (CSG21) và Hạm đội hộ tống của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF).
Đây cũng là cuộc tập trận đã tập hợp được số lượng lớn nhất F-35 của Mỹ tham gia với tổng cộng 26 chiếc với các phiên bản F-35B và F-35C.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực đang có dấu hiệu leo thang. Cuối tuần qua, trong cuộc họp trực tuyến, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí về việc hợp tác để đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Mỹ đưa 2 tàu sân bay đến Biển Đông chưa đầy 2 tuần sau khi Cục Đại dương và Môi trường Quốc tế và Khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố một tài liệu nghiên cứu dài 47 trang, trong đó nêu quan điểm phản đối của Washington với các yêu sách chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, cả về cơ sở địa lý và lịch sử. Cơ quan này cho rằng, Trung Quốc không có bất cứ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế để đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông.
Cuộc diễn tập của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn ra cùng thời điểm Đài Loan thông báo Trung Quốc đã đưa hàng chục máy bay quân sự áp sát hòn đảo trong một ngày. Cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 23/1 ghi nhận vụ điều động quy mô lớn nhất của không quân Trung Quốc tại Vùng nhận diện phòng không của hòn đảo (AIDZ) kể từ tháng 10/2021, với sự hiện diện của 39 máy bay quân sự của Bắc Kinh.