1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bình Nhưỡng tuyên bố không từ bỏ kế hoạch phóng vệ tinh

(Dân trí) - Bất chấp sức ép quốc tế kêu gọi Triều Tiên xem xét lại kế hoạch phóng vệ tinh, ngày 18/3, nước này vẫn tuyên bố sẽ thực hiện kế hoạch đã định của mình, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng đây là toan tính nhằm che giấu một vụ thử tên lửa.

Bình Nhưỡng tuyên bố không từ bỏ kế hoạch phóng vệ tinh

Mô hình tên lửa Scud-B của Triều Tiên (phải) và mô hình tên lửa của Hàn Quốc được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Triều Tiên ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh chụp ngày 16/3/2012.

Trong bài xã luận số ra ngày hôm nay, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho rằng việc phóng vệ tinh quan sát Trái đất Kwangmyongsong-3 vào tháng 4là quyền hợp pháp của nước này.

"Phát triển hòa bình và sử dụng không gian vũ trụ là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền. Việc phóng vệ tinh phục vụ nghiên cứu khoa học và sử dụng không gian vũ trụ cho phát triển kinh tế không còn là độc quyền của một số nước", bãi xã luận khẳng định.

Bài xã luận cũng cho rằng “các thế lực thù địch” đang gắng sức nhấn chìm nỗ lực phát triển công nghệ vũ trụ của Triều Tiên bằng cách cáo buộc vụ phóng vệ tinh tự tạo Kwangmyongsong-3 bằng tên lửa đẩy Unha-3  là một cuộc bắn thử tên lửa.

KCNA còn cho biết, trước đây, Triều Tiên cũng đã hai lần phóng thử vệ tinh Kwangmyongsong-1 vào năm 1998 và Kwangmyongsong-2 vào năm 2009. Trong cả hai lần thử này và kể cả lần thử sắp tới, Triều Tiên đều tuân thủ nghiêm túc các quy định quốc tế có liên quan. Ngoài ra, Triều Tiên cũng không ngần ngại chứng minh “sự trong sạch” của mình bằng cách sẵn sàng mời quan sát viên quốc tế đến theo dõi vụ phóng vệ tinh vào ngày 12 – 16/4 tới.

Theo kế hoạch, Triều Tiên sẽ phóng vê tinh Kwangmyongsong-3 từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Sohae ở tỉnh Bắc Phyongan nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, nhà lãnh đạo sáng lập nước Triều Tiên. Triều Tiên cho biết nước này đã lựa chọn được quỹ đạo phù hợp cho tên lửa để tránh va chạm với các nước láng giềng. Tuy nhiên, những tuyên bố và cam kết của Triều Tiên vẫn gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong phản ứng cứng rắn sau tuyên bố của Triều Tiên, Mỹ khẳng định sẽ ngừng cung cấp 240.000 tấn hàng viện trợ lương thực hàng năm cho Bình Nhưỡng nếu như chương trình phóng vệ tinh không được rút lại. Trong khi đó, Nhật Bản đang cân nhắc khả năng triển khai các tên lửa đánh chặn PAC-3 trên mặt đất cùng các tên lửa đánh chặn SM-3 cho tàu khu trục lớp Aegis để phá hủy tên lửa mà Triều Tiên chuẩn bị phóng lên.

Vũ Anh
Theo Reuters