1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bin Laden đang bị mất uy tín

Số người theo đạo Hồi ủng hộ trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden và các vụ đánh bom tự sát đã giảm mạnh, kết quả một cuộc thăm dò tại nhiều quốc gia cho biết.

Đây là kết quả lấy ý kiến của 17.000 người thuộc nhiều quốc gia Hồi giáo trên thế giới cũng như người dân các nước phương Tây, do Pew Research Center tiến hành trước các vụ đánh bom ở London.

 

"Các số liệu điều tra cho thấy tỷ lệ hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và Osama bin Laden cũng như các vụ đánh bom tự sát đang giảm mạnh", Andrew Kohut giám đốc Pew Research Center, nói. "Đây là một tin đáng mừng tuy nhiên vẫn còn một con số không nhỏ ủng hộ cho trùm khủng bố tại những nước này".

 

Tại Marốc, 26% công chúng cho rằng họ rất tin vào bin Laden so với 49% trong một cuộc điều tra hai năm trước. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ hậu thuẫn bin Laden giảm còn 7% (so với 15% trong hai năm trước). Ở Indonesia, tỷ lệ này còn 35% so với 58% trước đây.

 

Tuy nhiên, tại Jordan, niềm tin đối với bin Laden đã tăng lên từ 55% tới 60%. Tại Pakistan, tỷ lệ này tăng từ 45% tới 51%.

 

Khi được yêu cầu đánh giá về những vụ đánh bom tự sát, 13% dân Marốc cho rằng tấn công theo phương pháp đó là hợp lý. Trong cuộc điều tra hai năm trước, tỷ lệ này là 40%. 15% dân Hồi giáo Indonesia ủng hộ hành động trên so với 27% mùa hè năm 2002. Dân đạo Hồi ở Pakistan và Libăng cũng giảm niềm tin của họ đối với biện pháp này.

 

Kết quả điều tra còn cho thấy, cả người phương Tây và dân các quốc gia đạo Hồi đều lo ngại về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. 72% dân Marốc và 52% dân Pakistan nhìn nhận chủ nghĩa này là một mối đe doạ với đất nước họ trong khi đó tỷ lệ này ở Nga là 84%, ở Đức là 78%, ở Anh và Mỹ và 70%.

 

Khi được hỏi về nguyên nhân của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, 40% dân Jordan buộc tội các chính sách và ảnh hưởng của Mỹ. Dân Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đói nghèo, thất nghiệp và thất học đã kích động chủ nghĩa này.

 

Tuy nhiên, bất chấp lo ngại về khủng bố, phần lớn dân Anh, Mỹ, Pháp, Canada và Nga có quan điểm tích cực về người theo đạo Hồi. Trái lại, 51% dân Hà Lan, 47% người Đức cho biết họ không thích các tín đồ Hồi giáo.

 

Trong khi đó, tại các nước Hồi giáo tồn tại tình trạng bài Do Thái. Ở Libăng, 100% tín đồ đạo Hồi và 99% dân Công giáo không thích dân Do Thái trong khi 99% người Jordan không hề có cảm tình với những người thuộc tôn giáo này.

 

Theo Hải Ninh

Vnexpress/Reuters