1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bill Gates của Châu Á: Sang Việt Nam làm "nông dân"

(Dân trí) - Con đường đưa Steve Chang (Trương Minh Chính) đến vị trí Chủ tịch Trend Micro - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên phát triển các phần mềm diệt virus máy tính, khởi đầu cách đây hơn 20 năm khi Steve Chang vừa... thi trượt đại học.

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra trong một buổi chiều mát mẻ, tại một biệt thự nằm cạnh hồ Tây khi ông sang Việt Nam để làm một "nông dân". Cuộc trò chuyện là "thành quả" sau hơn 2 tháng đặt lịch làm việc và tiếp tục chờ đợi. Steve Chang vẫn luôn vội vã, sôi nổi như chính nguồn năng lượng dồi dào trong ông.

Không phải cứ có nền tảng giáo dục tốt là đảm bảo mọi thành công

Có một "mốc son" mà nhiều người thường nhắc về ông, đó là lần ông thi trượt đại học?

Đó là kỷ niệm về một lần thất bại của tôi. Ở Đài Loan, thi trượt đại học là một việc rất đáng xấu hổ, gây thất vọng cho bản thân và cả gia đình. Biến cố này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sự lựa chọn và quyết tâm thành công trong thời gian sau đó của tôi. Tôi có niềm tin mãnh liệt để chứng minh cho bố mẹ tôi thấy rằng tôi có thể thành công, trong những hoàn cảnh rất khó khăn, kể cả khi đã vấp phải thất bại.

Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình đã sử dụng quá nhiều năng lượng, quá nhiều quyết tâm để chứng minh rằng mình có thể thành công với bố tôi. Chính điều này đã tác động đến phương pháp hiện thời của tôi là để cho con trai mình tự do suy nghĩ, lựa chọn đường đi theo bất kỳ cái gì mà nó muốn. Và đến một ngày, nó quay lại hỏi ngược tôi rằng: "Tại sao bố không có kỳ vọng gì vào bản thân con. Vậy bố có thực sự yêu con không?". Cuộc sống quá ư phức tạp!

Ông đã từng tự miêu tả về mình là đứa trẻ rất ngỗ nghịch, không thích học bài, không được coi là đứa con sẽ làm rạng danh cho gia đình, ông cũng từng thi trượt đại học. Nếu những điều đó cũng "diễn ra" tương tự với con trai ông?

Tôi cũng không coi đấy là vấn đề quá nghiêm trọng vì như tôi đã nói, tôi không đặt ra những mong đợi cụ thể cho con trai tôi. Nền giáo dục châu Á nhiều khi vẫn tạo cho học sinh lối mòn trong tư duy, rằng chỉ có một đáp án cho một vấn đề và hay nghĩ vấn đề rất hạn hẹp rằng: so sánh điểm số của mình với của bạn thôi nên không giúp người ta phát huy được tối đa nội lực bản thân.

Nổi cộm trong tình hình tài chính thế giới hiện nay như sự sụp đổ của các ngân hàng, sự khủng hoảng nền tài chính Mỹ cũng đều là do những con người được đào tạo từ những trường đại học rất danh tiếng và họ muốn kiến tạo một mô hình gì đó mà họ cho rằng đúng nhưng thực tế đã chứng minh rằng họ sai. Rõ ràng, không phải cứ có nền tảng giáo dục tốt đã là đảm bảo cho mọi thành công.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển

Bill Gates của Châu Á: Sang Việt Nam làm "nông dân" - 1

Steve Chang trong buổi trả lời phỏng vấn với phóng viên.

 

Quay trở về với con đường kinh doanh trước đây của ông, điều khiến nhiều người đặc biệt ấn tượng về ông là một câu nói: "Tôi tự hào là người châu Á"?

Trước hết xuất phát từ quan điểm của tôi, ngành công nghệ phần mềm hoàn toàn nằm trong tay người Mỹ. Tập đoàn Trend Micro do chúng tôi kiến tạo nên, không phải do người Mỹ thành lập. Chúng tôi thắng được các đối thủ cạnh tranh khác để khẳng định được tên tuổi của mình. Thời điểm đó, nhiều người nhận định rằng phong cách điều hành kinh tế theo kiểu của Mỹ là rất thành công rồi, họ có thể làm mọi thứ.

Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Và thực tế đã chứng minh rằng tôi đúng khi chúng ta chứng kiến sự sụp đổ các ngân hàng tại Hoa Kỳ. Châu Á mà đặc biệt là Việt Nam với dân số trẻ, lực lượng trí thức đông đảo có nhiều tiềm năng để phát triển. Chúng ta có nền văn hóa rất riêng nên không cần thiết phải rập khuôn theo mô hình kinh doanh như của nước Mỹ.

Nhưng thực tế, mọi người vẫn thường ví ông là "Bill Gates của châu Á"?

Chúng tôi có một số điểm chung là cùng làm trong ngành công nghệ phần mềm, cùng khởi nghiệp và thành công từ nỗ lực bản thân, cùng tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, tuổi cũng gần như nhau mặc dù tôi nhiều tuổi hơn một chút. Bây giờ tôi cũng giống Bill ở một điểm nữa là tôi nghỉ hưu rồi. Tôi chuyển sang lĩnh vực liên quan đến xã hội và Bill Gates cũng vậy.

Nhưng cũng có điểm khác, tôi sang Việt Nam và trở thành một "nông dân" ở đây. Tôi theo đuổi sự nghiệp gây dựng một doanh nghiệp mang tên Tập đoàn InnovGreen, không chỉ nghĩ đến tạo ra lợi nhuận vật chất thông thường mà còn tạo ra những thay đổi tích cực về mặt xã hội, cải thiện xã hội và cộng đồng.

Hãy là chính mình

Không khó để nhận ra một triết lý trải suốt con đường kinh doanh của ông là: Be your self - luôn là chính mình?

Trước hết tôi muốn khẳng định: "Hãy là chính mình" không phải là một triết lý nữa mà là điều cốt lõi với tất cả mọi người. Trở thành chính bạn không chỉ vào thời điểm thành công vì nếu chỉ như thế thì đơn giản quá, vào thời điểm tồi tệ, trở thành chính mình mới là điều khó.

Với tôi, vào những thời điểm khó khăn, hãy là chính mình bằng cách ngồi lại, suy nghĩ lại: bạn thực sự mong muốn có được điều gì trong cuộc đời. Người châu Á hay đánh giá sự việc qua vẻ ngoài, đánh giá con người qua ngoại hình, vẻ mặt bên ngoài nên trong lúc khó khăn hay tập trung suy nghĩ để xem người khác nghĩ gì về mình. Chính vì thế đã tạo ra cho chúng ta những vỏ bọc, khiến chúng ta không còn là chính mình...

Nhưng làm thế nào để được là chính mình khi cuộc sống xung quanh luôn chuyển động, thưa ông?

Tôi cũng biết để nói được từ "Be your self" thì rất dễ nhưng thực hiện lại rất khó. Một trong những cách khắc phục cảm giác thất bại dễ nhất, nếu tôi ở Hà Nội, là nhảy tàu lên Sapa, chụp thật nhiều ảnh và cùng sống với thiên nhiên. Khi đó chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời dễ dàng, đơn giản hơn rất nhiều.

Đi theo "tiếng gọi nơi hoang dã"

Bill Gates của Châu Á: Sang Việt Nam làm "nông dân" - 2
 

Dường như những cột mốc lớn nhất trong cuộc đời luôn "chuyển động" của ông lại là những lần thất bại?

Tôi đã trải nghiệm nhiều khó khăn trong cuộc đời. Như vào năm 2001 khi thị trường chứng khoán thế giới sụp đổ, các công ty niêm yết mất tới 2 tỷ USD. Vào thời điểm đó, công ty chúng tôi đã niêm yết trên thị trường chứng khoán của Nhật Bản, rất nhiều cổ đông đã tìm đến và phàn nàn vì họ đã mất cả gia sản tiền tiết kiệm hưu trí...

Mặc dù đó không phải lỗi của tôi mà là do sự đi xuống của thị trường chứng khoán nói chung nhưng tôi vẫn day dứt, có lỗi. Khi là nhà lãnh đạo thì phải gánh lấy trách nhiệm đó thôi. Tôi cho rằng chúng ta cần có đủ dũng cảm để thất bại, có tinh thần mạnh mẽ, đặc biệt là khi ta còn trẻ. Đừng làm việc cho ai khác, nếu không bạn sẽ không bao giờ biết được khả năng đặc biệt của mình là gì

Ông luôn nói ông là chính ông, vậy tại sao ông lại quyết định rời bỏ vị trí TGĐ điều hành Trend Micro sang trồng rừng ở Việt Nam?

Không có gì thay đổi cả. Tuyệt vời hơn nữa là tôi được là chính mình nhiều hơn. Tôi có nhiều thời gian chăm sóc cây ngoài vườn, có nhiều thời gian để nghiên cứu thiên nhiên, giúp tôi hiểu sâu sắc hơn "tiếng gọi nơi hoang dã". Trước đây, khi đang trong thời kỳ cạnh tranh thì luôn phải sống trong những áp lực cạnh tranh ghê gớm và cũng phải luôn luôn đưa ra những quyết định sống còn đến vận mệnh của công ty. Nhưng nay, tôi không phải chịu những áp lực đó nữa.

Và có thay đổi lớn nhất là lịch làm việc của tôi. Nếu trước đây, khi nào thấy rằng lịch không được phủ kín là thấy bất thường và tôi trách mắng thư ký của tôi. Nhưng bây giờ tôi đã tự do, thoải mái hơn rất nhiều. Tôi luôn luôn phấn đấu để có cuộc sống đơn giản nhất, để không bị cuốn vào cuộc sống vật chất. Theo tôi, tiền không thể mua được mọi thứ.

Làm những cách chưa ai làm để khẳng định

Biết tiêu tiền là một nghệ thuật.. Ông có cho rằng mình thành công nhất về điều này?

Về khía cạnh này thì tôi không phải là người thành công nhất, tôi không phải là người tiêu tiền một cách hợp lý nhất.

Nhiều nhà quan sát nói rằng việc kiếm tiền không phải là động lực chính trên con đường sự nghiệp của ông. Nhưng không thể phủ nhận viêc kiếm tiền cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh và cũng là bàn đạp để dấn thân trên con đường sự nghiệp?

Ở đây có hai điều khác biệt hoàn toàn. Nếu làm kinh doanh thì phải là kiếm tiền rồi, điều này cũng giống như con người phải có không khí để thở, nếu không, chúng ta sẽ chết. Nhưng, mọi người sống không chỉ để thở vì cuộc sống có nhiều điều thú vị khác nữa. Khi mà còn trẻ chúng ta phải kiếm tiền để hiểu hết được ý nghĩa của cuộc sống, của đồng tiền.

Thế giới lúc này buộc chúng ta luôn luôn phải cạnh tranh. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và bạn phải đấu tranh để sinh tồn. Nhưng có một điều quan trọng hơn, đó là luôn luôn phải đặt ra cách suy nghĩ mới, sáng kiến, sáng tạo mới, bằng những cách chưa ai làm để tạo ra giá trị cho bản thân mình.

Tôi nêu ví dụ Tập đoàn InnovGreen do tôi sáng lập ra. Khi tôi đến một vùng đất ở Quảng Ninh, quá khô hạn, không có lấy cái cây ngọn cỏ, không ai nghĩ có thể trồng trọt được. Và tôi đã mời các chuyên gia lâm nghiệp từ Đài Loan với nhiều kinh nghiệp sang để đánh giá thực trạng vùng đất này và giờ những cái cây ở đó đã cao tới 10m rồi. Thông thường theo cách nghĩ thông thường, cái cây chỉ sử dụng để làm gỗ ván được 50%, còn lại là bỏ đi. Tôi nghĩ theo cách khác, tận dụng 50% đó, biến nó thành nguyên liệu sạch bán tại thị trường Nhật Bản.

Ông có lời khuyên nào dành cho những nhà kinh doanh đang lấy con đường sự nghiệp của ông là một tấm gương?

Lời khuyên của tôi là chúng ta phải định nghĩa lại thành công cho phù hợp với bản thân mình và dựa trên những khả năng tiềm ẩn trong bản thân mình. Hãy là bản thân mình. Bản thân khái niệm thành công rất rộng: thành công có thể là kiếm nhiều tiền hơn, tạo ra lợi nhuận đối với gia đình, khi mà mình khai phá được tiềm năng của mình… Cần tìm ra thành công đặc thù cho bản thân mình. Và tôi cũng muốn nhắc lại một bài học chiến lược tôi gọi là chiến lược Đại dương xanh tôi đã áp dụng cho Innov Green. Đó là: để bớt cạnh tranh, chúng ta hãy nghĩ khác cách mà mọi người đang nghĩ. Nếu trên cùng một mảnh đất màu mỡ ai ai cũng nhảy vào khai phá thì sự cạnh tranh quả thực quá khốc liệt. Phương cách đó có thể tóm gọn bằng một thuật ngữ tiếng Anh: "No me too" - thành công theo một cách không giống ai cả r

Năm 1988, với 5000 USD, đến năm 2006, công ty của Steve Chang đã đạt doanh thu 850 triệu USD, trị giá giao dịch chứng khoán trên sàn lên tới 6 tỷ USD, hơn 4000 việc làm tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Steve được báo chí thế giới gọi là "Bill Gates của châu Á". Năm 2001, Steve Chang lọt vào danh sách "25 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất châu Á" do ZDNET Asia bình chọn...

Phúc Hưng