1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biểu tượng nhân quyền của người da màu Mỹ qua đời

Đêm qua, nhà hoạt động da màu nổi tiếng Rosa Parks, người châm ngòi cho buộc tình ở Alabama năm 1955 và mở màn phong trào đấu tranh vì quyền bình đẳng cho người da đen trên khắp nước Mỹ, đã qua đời ở tuổi 92.

Luật sư của bà Parks là Gregory Reed cho biết, bà trút hơi thở cuối cùng trong giấc ngủ tại nhà riêng ở thành phố Detroit, bang Michigan. Sức khoẻ của nhà hoạt động này suy sụp từ cuối những năm 90 và từ đó bà hầu như không trả lời phỏng vấn báo chí và rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

 

Hành động khiến bà Rosa Parks nổi tiếng và trở thành biểu tượng trong cuộc đấu tranh của người da đen Mỹ xảy ra vào năm 1955. Ngày 1/12 năm đó, bà đang ngồi trên chiếc xe buýt ở thành phố Montgomery, bang Alabama, thì một người đàn ông da trắng tiến đến đòi được nhường chỗ.

 

Bà Parks kiên quyết từ chối yêu cầu trên, bất chấp luật pháp lúc đó ở Mỹ quy định rằng những người da đen phải nhường chỗ cho người da trắng trên xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác. Vào thời điểm lịch sử đó, Rosa Parks 42 tuổi và làm nghề thợ may. Sau đó, bà bị cảnh sát Alabama bắt giam và phạt 14 USD.

 

Nhà hoạt động Rosa Parks không phải là người da đen đầu tiên đi xe buýt ở Montgomery bị bắt vì tội không nhường chỗ cho người da trắng, nhưng bà là người đầu tiên dám thách thức những bộ luật phân biệt chủng tộc tại Alabama.

 

Hành động từ chối nhường ghế của Rosa Parks và sự kiện bà bị bắt vì việc này đã châm ngòi cho một cuộc tẩy chay của người da đen đối với hệ thống xe buýt, kéo dài trong suốt 381 ngày ở Alabama. Phong trào đấu tranh này do mục sư Martin Luther King lãnh đạo và dẫn đến việc xoá bỏ các quy định phân biệt chủng tộc trên hệ thống giao thông công cộng tại Mỹ.

 

 

Biểu tượng nhân quyền của người da màu Mỹ qua đời - 1
 

Bà Rosa Parks bị bắt sau sự kiện trên xe buýt.

Những năm tháng trước khi bị bắt vì vụ xe buýt, Rosa Parks là nhà hoạt động nhiệt thành của các nhóm đấu tranh vì quyền bình đẳng của người da đen ở Alabama. Năm 1957, bà cùng chồng là Raymond phải chuyển tới thành phố Detroit, bang Michigan, sau khi bị mất việc và nhận được một loạt lời doạ giết ở Alabama.

 

Sau đó, Rosa Parks trở thành phụ tá của nghị sĩ đảng Dân chủ John Conyers tại Detroit suốt từ năm 1965 đến khi nghỉ hưu năm 1988. Nghị sĩ Conyers đánh giá: "Bà ấy giống như một vị thánh. Bà rất khiêm nhường, nói năng dịu dàng, nhưng bên trong bà là một sự cương quyết mãnh liệt".

 

Năm 1992, khi hồi tưởng về hành động nổi tiếng của mình trên xe buýt ở Montgomery vài thập kỷ trước, bà Rosa Parks bày tỏ: "Nguyên nhân thực sự khiến tôi không đứng dậy lúc đó là vì tôi cảm thấy mình có quyền được đối xử như bất cứ hành khách nào khác. Chúng tôi đã phải chịu đựng kiểu đối xử đó quá lâu rồi".

 

Từ ngày 1 đến 5 tháng 12 tới, thành phố Montgomery sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn nhân kỷ niệm 50 năm ngày diễn ra cuộc tẩy chay xe buýt nổi tiếng tại đây, đánh dấu sự mở đầu của phong trào đấu tranh vì quyền bình đẳng của người da đen ở Mỹ.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress/BBC, Detroit News