1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biệt đội chống khủng bố của Cảnh sát Nhật Bản

Tiền thân của SAT là lực lượng cảnh sát đặc nhiệm được trang bị vũ khí tối tân thành lập từ năm 1977 nhằm chống lại các loại tội phạm liên quan đến vũ khí nóng.

Ngày 21-6-1996, chuyến bay số hiệu 857 của hãng hàng không All Nippon đã bị không tặc tấn công tại sân bay Hakodate (Hokkaido).

Vụ án này đánh dấu bước hợp tác của lực lượng phòng không Nhật Bản với cảnh sát đặc nhiệm thông qua việc sử dụng máy bay vận tải quân sự Kawasaki C-1 làm phương tiện vận chuyển đội đặc nhiệm từ sân bay Haneda tới Hokkaido để tiến hành chiến dịch giải cứu thành công.

Vụ việc máy bay bị tấn công đã đánh dấu sự cần thiết phải thành lập lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố trực thuộc Cảnh sát quốc gia Nhật Bản. Cuối năm 1996, SAT chính thức được thành lập.

Ngay sau khi ra mắt, SAT đã tấn công chiếm lại tòa nhà đại sứ quán Nhật Bản tại thủ đô Lima (Peru) sau khi tòa nhà này bị bọn khủng bố chiếm giữ, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng và giữ gìn chủ quyền quốc gia Nhật Bản.

Tiếp đó, tháng 6-1997, SAT tấn công và giải cứu thành công các con tin bị khủng bố bắt giữ tại sân bay Tokyo.

Giải cứu con tin.
Giải cứu con tin.

Năm 2000, SAT được công luận và truyền thông Nhật Bản đánh giá rất cao khi bắt giữ thành công kẻ tấn công và bắt giữ con tin trên một chiếc xe bus tại Fukuoka mà không để con tin nào bị thương vong.

Tháng 5-2007, khi đang giải quyết vụ án xảy ra tại Nagoya, Đại úy Kazuho Hayashi, một sĩ quan SAT đã hy sinh trong cuộc đấu súng dữ dội với một băng nhóm xã hội đen. Đây là sĩ quan SAT đầu tiên hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Trước nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng cùng yêu cầu thực tế về an ninh, trật tự, trong những năm gần đây Cảnh sát quốc gia Nhật Bản liên tục tăng cường lực lượng cho SAT và hiện nay quân số của SAT ước tính khoảng 400 sỹ quan.

Đây đều là những người ưu tú, được tuyển lựa kỹ càng trong số hàng chục ngàn sỹ quan đang phục vụ trong hàng ngũ cảnh sát Nhật Bản. Tất cả đều đã phải trải qua những kỳ sát hạch và huấn luyện nghiêm ngặt về các kỹ năng, tâm lý, sức khỏe, kiến thức cần thiết.

Huấn luyện trên thao trường.
Huấn luyện trên thao trường.

Ngoài trụ sở chính đặt trong cơ quan Tổng hành dinh Cảnh sát quốc gia tại thủ đô Tokyo, SAT có các đội đặc nhiệm trực thuộc tại các khu vực, địa phương để đảm trách hoạt động chống khủng bố ngay khi xảy ra khủng bố hoặc tình huống khẩn cấp tại địa phương đó. Các đội bao gồm: Đội Tokyo, Osaka, Hokkaido, Chiba, Kanagawa, Aichi, Fukuoka và Okinawa.

Ngoài ra, để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, các sỹ quan của lực lượng SAT cũng thường xuyên được đào tạo các kỹ năng, kiến thức mới và gửi tới luyện tập thường xuyên tại Trung tâm huấn luyện tại tỉnh Kanto. SAT cũng tiến hành diễn tập cùng lực lượng tự vệ bộ binh Nhật Bản để luôn sẵn sàng xung trận. Các sỹ quan SAT cũng thường xuyên được gửi tới đào tạo, học tập kinh nghiệm tại Học viện FBI của Cục Điều tra liên bang Mỹ hoặc Trung tâm huấn luyện của Cảnh sát đặc nhiệm Australia...

Ngoài việc được hưởng chế độ lương và phúc lợi đặc biệt, các thành viên SAT sau khi hết thời gian phục vụ được xem xét bổ nhiệm vị trí lãnh đạo tại các đơn vị trong lực lượng cảnh sát Nhật Bản. Nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ thì nhà nước sẽ chịu mọi chi phí hỗ trợ, đảm bảo tiền tuất cho người thân, hỗ trợ cuộc sống cho con của sỹ quan hy sinh cho đến khi đủ 18 tuổi.

Tuy nhiên, với mỗi thành viên SAT, họ không đặt vấn đề ưu đãi lên hàng đầu mà đặt lợi ích quốc gia, danh dự và nhiệm vụ lên hàng đầu bởi đối với họ, việc được đứng trong hàng ngũ SAT là một vinh dự không chỉ của bản thân mà còn là của cả gia đình, dòng họ mà không một lợi ích vật chất nào có thể so sánh được.

Mỗi đội SAT tại các địa phương bao gồm ban chỉ huy, tổ tấn công, tổ bắn tỉa và tổ hỗ trợ kỹ thuật. Ban chỉ huy có trách nhiệm lên kế hoạch tác chiến. Tổ tấn công thực hiện các cuộc tấn công trực tiếp vào mục tiêu nghi ngờ. Tổ bắn tỉa thực hiện nhiệm vụ trinh sát và bắn tỉa từ xa để bảo vệ.

Tổ hỗ trợ kỹ thuật điều hành và duy trì liên lạc đồng thời giám sát, chuẩn bị các thiết bị điện tử như micro, máy quay. Khi một nhiệm vụ phức tạp, nghiêm trọng mà một đội SAT không đủ sức giải quyết được, trụ sở chỉ huy sẽ điều tiết sự phối hợp hỗ trợ từ các đội khác hoặc các đơn vị cảnh sát địa phương.


Sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ.

Sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ.

Một số loại vũ khí SAT được trang bị bao gồm các súng rất hiện đại: Glock 19, Heckler & Koch P9, Heckler & Koch USP 9, Nambu Model 60, SIG Sauer P226, SIG Sauer P228, Smith & Wesson Model 3913, súng trường M4 Carbine, Howa loại 89, súng tiểu liên Heckler & Koch MP5, súng ngắn: Benelli, Mossberg and Remington, súng tiểu liên bắn tỉa Heckler & Koch PSG1, Howa M1500…

Để phục vụ tác chiến, SAT có hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh tính bảo mật cao, sử dụng trực thăng vũ trang, xuồng cao tốc, xe bọc thép địa hình và các thiết bị điện tử tối tân.

Ngoài nhiệm vụ chính là chống khủng bố, SAT còn có trách nhiệm phối hợp bảo vệ các sân bay quốc tế của Nhật Bản và một số khu vực trọng điểm khác như hoàng cung, nhà riêng của Thủ tướng, các căn cứ quân sự Mỹ đóng ở Nhật Bản.

Đồng thời, SAT còn là chủ công giải quyết các tình huống liên quan đến các hành động thù địch chống phá đại sứ quán của Nhật Bản ở nước ngoài hoặc xử lý một số nhiệm vụ đặc biệt của cảnh sát Nhật Bản ngoài nội địa.

Khi cần hỗ trợ, SAT được quyền trưng dụng mọi phương tiện đang sử dụng của người dân và yêu cầu sự hỗ trợ khẩn cấp của các đơn vị cảnh sát khác hoặc quân đội.

Hiện nay, Cảnh sát Nhật Bản đã và đang tiếp tục tăng cường vị thế và vai trò của SAT nhằm chống lại các mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), bảo vệ các lợi ích của Nhật Bản trong và ngoài nước.

Biệt đội Cảnh sát đặc nhiệm (SAT) là đơn vị chống khủng bố đặc biệt tinh nhuệ của Cảnh sát Nhật Bản. Hầu hết thông tin của đội này đều được bảo mật và sự tồn tại chính thức của nó chỉ được tiết lộ vào năm 1996. SAT có quan hệ chặt chẽ và thường xuyên tác chiến phối hợp với lực lượng đặc nhiệm thuộc bộ binh quân đội Nhật Bản.

Theo Nguyễn Vũ

Cảnh sát toàn cầu