1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc: “Hòn đá thử vàng”

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) và các hội nghị liên quan từ ngày 4-6/8 tại Malaysia đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị...

... Và một lần nữa, vấn đề biển Đông trở thành tâm điểm của dư luận trong và ngoài khu vực.

Lời văn mạnh mẽ...

Biển Đông trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc: “Hòn đá thử vàng” - 1

Mặc dù còn bộc lộ khác biệt giữa một số nước thành viên và cuộc đấu trí về nội dung rất phức tạp, nhưng công bằng mà nói Tuyên bố chung của AMM 48 thực sự là một kết quả quan trọng, phản ánh được quan ngại chung và nguyện vọng chính đáng của cả khu vực, nhất là về vấn đề Biển Đông. Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị, cũng như trong Tuyên bố chung, vấn đề Biển Đông được thảo luận sâu rộng và lần đầu tiên vấn đề tôn tạo, bồi đắp quy mô lớn ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực được đề cập công khai.

Các yếu tố cơ bản cấu thành quan điểm của các nước khu vực về vấn đề Biển Đông đều được nêu đầy đủ và ở mức cao trong Tuyên bố chung như mức độ “quan ngại sâu sắc”, “hòa bình giải quyết tranh chấp”, dựa trên “luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”, “thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)” và “hướng tới nhanh chóng thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”... Không chỉ vậy, Tuyên bố chung còn nhắc tới các biện pháp thu hoạch sớm, đề xuất lập đường dây nóng của Indonesia, kết quả quá trình tham vấn về xây dựng COC… Đây là nỗ lực rất lớn của các nước, trong đó có Việt Nam và chính là những điểm mới của tình hình Biển Đông so với các lần họp trước đây.

Tại AMM-48, có tới 9/10 nước phát biểu, tại Cấp cao Đông Á (EAS) có 13/18 nước phát biểu và tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) 2015, có tới 22/27 nước đã phát biểu về vấn đề Biển Đông, trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines là những nước phát biểu mạnh mẽ nhất. Điều đó cho thấy Biển Đông không còn là vấn đề an ninh của riêng nước nào, mà là quan tâm chung của cả khu vực và cộng đồng quốc tế.

... Vẫn tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ nội khối

Tuy vậy, không phải là không có vấn đề. Việc Tuyên bố chung chỉ “ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số Bộ trưởng đối với việc tôn tạo, bồi đắp ở Biển Đông” cho thấy vẫn còn có một số Bộ trưởng khác có tiếng nói bất đồng từ trong nội bộ ASEAN về mức độ phản ứng đối với việc Trung Quốc tôn tạo, bồi đắp đảo quy mô lớn ở Biển Đông. Nguy cơ “con ngựa thành Troy” đang xuất hiện ngày một rõ trong nội bộ ASEAN.

Biển Đông chính là vấn đề lớn nhất hiện nay có nguy cơ gây chia rẽ trong ASEAN, làm ảnh hưởng tới sức mạnh đoàn kết của cả khối, thực sự là “hòn đá thử vàng” trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN.

Trung Quốc vừa đấm vừa xoa

Nhìn lại cả quá trình, có thể thấy rõ Trung Quốc đã có những tính toán rất bài bản. Họ một mặt tìm mọi cách làm nhẹ vấn đề: Ngày 27/7, tức là chỉ vài ngày trước khi AMM 48 bắt đầu, Trung Quốc đã chấp nhận nối lại đàm phán về COC ở Thiên Tân sau thời gian dài trì hoãn. Kết quả chỉ là một đề xuất lập đường dây nóng, nhưng đủ để giúp Trung Quốc gửi đi thông điệp tới ASEAN.

Tiếp đó, ngày 3/8, tại Kuala Lumpur, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân lại tuyên bố “AMM 48 nên tránh các vấn đề nhạy cảm” và “ASEAN không phải là diễn đàn thích hợp để bàn về vấn đề Biển Đông” (!?). Động thái này một lần nữa cho thấy Trung Quốc thực sự lo ngại, muốn tìm cách ngăn ASEAN nêu vấn đề Biển Đông. Ngày 5/8, trước sức ép tại Hội nghị và của dư luận báo chí, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đột ngột đưa ra tuyên bố đáng ngờ rằng “Trung Quốc đã ngừng việc cải tạo đảo ở Biển Đông. Không tin hãy lên máy bay mà tự kiểm chứng”. Mặt khác, ông Vương Nghị lại chủ động nêu “Mười kiến nghị mới về tiếp tục làm sâu sắc hợp tác Trung Quốc – ASEAN”, trong đó có không ít cơ hội hấp dẫn như “nhất đới, nhất lộ”, thúc đẩy kết nối, hợp tác tiểu vùng…

Tất cả đều cho thấy Trung Quốc đang có lập trường nước đôi với ASEAN: Vừa tìm cách xoa dịu ASEAN, vừa không muốn bị bêu xấu trước cộng đồng quốc tế; vừa tìm cách lôi kéo một số nước ASEAN, vừa lấn lướt ở biển Đông. Không chỉ có vậy, sâu xa hơn, việc Trung Quốc tuyên bố dừng cải tạo đảo còn nhằm mở đường cho chuyến thăm quan trọng sắp tới của ông Tập Cận Bình sang Hoa Kỳ. Sức ép của Trung Quốc tại Hội nghị năm nay thực sự rất lớn.

Chủ nhà “cao tay”

Trong bối cảnh đó, thành công của AMM 48 và các hội nghị liên quan năm nay có vai trò quan trọng và sự điều hành khéo léo của nước chủ nhà. Bản lĩnh của Malaysia thể hiện ngay trong buổi khai mạc khi mà Thủ tướng Najib Razak kêu gọi “các nước Đông Nam Á cần đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông”. Ngoại trưởng Anifah Aman cũng nhấn mạnh “ASEAN có thể và cần đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông”.

Những phát biểu mạnh mẽ trên đã thực sự định hướng cho quá trình thảo luận vấn đề Biển Đông. Mặc dù một vài nước khu vực tìm mọi cách đòi gạt bỏ các cụm từ nhạy cảm như “cải tạo, tôn tạo đảo” và thay bằng những cụm từ chung chung hơn như “những phát triển mới”, nhưng cuối cùng, sự kiên quyết của nước chủ nhà đã góp phần quan trọng vào kết quả đạt được tại Hội nghị.

Tuyên bố của AMM 48 năm nay còn cho thấy một ASEAN độc lập, tự cường, không chịu khuất phục trước bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài.

Theo Hải Dương

Thế giới và Việt Nam

Biển Đông trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc: “Hòn đá thử vàng” - 2