1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biển Đông: Liệu "gấu" Nga sẽ "vỗ ngực xưng tên"?

Trong những năm gần đây, bất chấp căng thẳng tại Biển Đông đang leo thang, Mátxcơva hầu như không đưa ra một lời bình luận chính thức.

 

Bất ngờ vào ngày 23/05 vừa qua, Đại sứ Nga tại Philippines đã lên tiếng "phản đối bất kỳ bên thứ 3 nào không có tranh chấp can dự vào hoạt động tranh chấp trên Biển Đông" vào khu vực này và "đây là quan điểm chính thức của (chính phủ) chúng tôi. Cũng giống như Mỹ, Nga không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông, nếu không Nga sẽ trở thành kẻ can thiệp vào công việc nội bộ của các bên tranh chấp", với lí do "Nga quan tâm tới tự do hàng hải". Đây có thể coi là lần đầu tiên một quan chức Nga chính thức có bình luận về tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

 

Nga có thực sự muốn quay trở lại Biển Đông?

 

Trong chiến lược lấy lại vị thế của mình sau thời kỳ "ngủ đông", Nga rất cần một đồng minh để phát triển và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam đã hiện lên như là một "đối tác" lí tưởng. Liên tục trong nhiều năm qua, Nga đã bán cho Việt Nam nhiều vũ khí tối tân như máy bay tiêm kích SU-27, SU-30, hộ tống hạm Gepard, tàu ngầm lớp Kilo, hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion và tổ hợp tên lửa phòng không S300.

 

Biển Đông: Liệu gấu Nga sẽ vỗ ngực xưng tên?


Ngày 23/03/2010, hãng thông tấn Nga đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly đã thông báo rằng Hải quân Nga sẽ giúp Hải quân Việt Nam trong việc xây dựng căn cứ đồn trú tàu ngầm, có thể là tại Cam Ranh. Tiếp đến ngày 07/05/2011, một hạm đội bao gồm Tàu Đô đốc Vinogradov, tàu chở dầu hạng trung Pechenga và tàu cấp cứu SB-522 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã thăm Việt Nam và ghé Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.

 

Vào ngày 05/04/2012, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã tuyên bố tham gia dự án khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ở Biển Đông mà công ty Anh BP đã phải từ bỏ dưới áp lực của Trung Quốc. Có thể coi đây là một nước cờ liều lĩnh của Nga, vì trước giờ Nga vẫn đang chơi cờ nước đôi: một mặt bán vũ khí, khí tài cho các quốc gia trong khu vực, mặt khác tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh.

 

Nga cũng thừa hiểu đây là một "con cá" khó câu vì sẽ làm "phiền lòng" Trung Quốc, xấu nhất có thể dẫn tới xung đột. Nga cũng sẽ phải "oằn lưng" vì cỡ cường quốc như Anh với BP và Mỹ với Exxon cũng đã phải chùn bước, còn Ấn Độ thì đã dừng hợp tác trong dự án thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128 ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

 

Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Nga có những lợi thế nhất định để làm cơ sở cho hành động "can đảm" của mình. Nga không hề bị lệ thuộc và càng không phải là "con nợ" của Trung Quốc, điều khác biệt với việc phụ thuộc khá chặt chẽ về kinh tế và tài chính của Mỹ với Trung Quốc. Do đó Nga dám đi những nước cờ táo bạo vì Trung Quốc không thể dùng "áp lực kinh tế", còn Mỹ thì phải thận trọng hơn.

 

Hiện Nga còn là một trong những đối tác cung cấp vũ khí lớn cho Trung Quốc. Mà Trung Quốc cũng đang mở rộng quy mô lực lượng quân đội cả về số lẫn chất lượng nhằm mục tiêu tạo áp lực cho các nước xung quanh. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì tranh chấp ở Biển Đông không phải là vấn đề đối đầu trực tiếp với các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia,.. mà là cuộc tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu đúng như thế thì chắc chắn Trung Quốc không muốn rơi vào thế khó "lưỡng đầu thọ địch". Đặc biệt hơn là Mátxcơva đang "rảnh tay" vì không phải vướng bận vào những vấn đề lớn như Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên,... trong khi Washington vẫn đang cần Bắc Kinh trong những vấn đề nóng bỏng như Bắc Triều Tiên.

 

Philippines chắc chắn rất quan tâm đến vụ "đánh cờ" này của Nga. Nếu Nga thành công, Philippines có thể học theo Việt Nam ký hợp đồng với Nga để thăm dò và khai thác tại những vùng mà nước này tuyên bố thuộc chủ quyền của mình còn Trung Quốc thì nói không.

 

Tham vọng và khả năng

 

Trở lại với việc đưa ra bình luận của Đại sứ Nga tại Philippines 23/05, có một điểm đáng lưu ý là Nga ủng hộ "giải pháp song phương", điều mà Trung Quốc mong muốn và theo đuổi từ lâu. Nhiều nhà phân tích cho rằng Nga đang dần thể hiện mình "thân" Bắc Kinh. Nếu Nga tiếp tục bày tỏ thái độ về việc này thì có thể coi như là gây thêm khó khăn mới trong việc hướng tới "giải quyết đa phương" của Việt Nam, Philippines. Bất ngờ hơn là Nga còn tuyên bố muốn tập trận chung với Philippines. Đây chỉ có thể lại là một nước cờ đôi đầy ẩn ý của Mátxcơva, theo AP thì đây cũng có thể là một động thái quan trọng chứng tỏ Nga không hề tụt hậu vị thế so với Mỹ .

 

Chắc chắn nếu Nga xuất hiện thì sẽ khiến tình hình diễn biến tại Biển Đông thay đổi. Trong tình huống Nga tiếp tục đi những nước cờ táo bạo và Trung Quốc sẽ chỉ lên tiếng phản đối "lấy lệ" vì bị "kẹt" như nêu trên thì chủ quyền của Việt Nam trên những vùng biển này sẽ được củng cố vì sự khai thác tài nguyên trên một vùng biển nào đó nếu diễn ra tốt đẹp thì cũng là một hình thức xác định chủ quyền. Nhưng tất cả chỉ là "tình huống giả định", khả năng thành hiện thực còn là một câu hỏi khó.

 

Trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 11 tại Shangri-La với sự tham dự của đại diện tới từ 28 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cùng với Anh, Pháp, và Mỹ, Nga gần như không có một động thái hay phát biểu cụ thể nào đề cập tới vấn đề Biển Đông. Trong khi Mỹ thì rất mạnh dạn bày tỏ quan điểm khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta công bố "đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% năng lực hải quân tại Thái Bình Dương, và 40% tại Đại Tây Dương, thay đổi so với tỷ lệ 50:50 hiện nay". Điều này khiến các nhà quan sát đặt câu hỏi về khoảng cách giữa "hoài bão" và thực lực của Nga để hiện diện thường xuyên hơn tại khu vực này.

 

Hiện tại vẫn chưa thấy phản ứng của các nước trong khu vực về những động thái của Nga. Nếu có chỉ là một vài hợp tác nhỏ trên lĩnh vực kinh tế. Ngay cả trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 11 vừa rồi, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, đã có nhiều cuộc gặp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với các đối tác như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Australia, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) mà không hề có chi tiết nào đề cập đến việc "gặp gỡ" Nga.

 

Có lẽ vì Nga đang quá "bận" trong vấn đề Syria - đất nước hiếm hoi còn lại mà Mátxcơva có lợi ích lớn ở khu vực Trung Đông. Thể hiện qua việc Tổng thống Nga Putin vừa có những phát biểu cứng rắn bày tỏ quan điểm của Mátxcơva về vấn đề Syria trước báo giới trong chuyến công du đến Pháp vào ngày 01/06 vừa rồi. Nên tạm thời Nga chưa thể dồn "tâm huyết" để thực hiện "hoài bão" của mình ở khu vực Biển Đông được.

 

Liệu "gấu" Nga sẽ "vỗ ngực xưng tên" ở Biển Đông? Câu trả lời thì hiện tại chưa nhiều yếu tố để đi đến một khẳng định cuối cùng.

 

Theo Nghĩa Huỳnh

Vietnamnet