1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông: Chỉ một lỗi ngu xuẩn có thể châm ngòi chiến tranh

Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông dường như đang tiến triển ngày càng nguy hiểm và chỉ cần một lỗi ngu xuẩn cũng có thể châm ngòi cho chiến tranh -tạp chí Chính trị Mỹ cảnh báo.

Tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông.

Tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông.

Phillippines, Việt Nam, Đài Loan và một số quốc gia khác đang phản ứng dữ dội với những tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc, điều mà nhiều nhà phân tích cho rằng “chỉ cần một lỗi ngu xuẩn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh”. Bằng chứng là tân Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh cho quân đội nước này “chuẩn bị chiến tranh”.

Trong khi cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn và ngày càng tồi tệ hơn thì Hoa Kỳ lại im hơi lặng tiếng. Và chính điều này đang khiến cho Bắc Kinh ngày càng ít lo ngại về Mỹ.

Ông Ruan Zongze, Viện phó Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nói: “Theo viễn cảnh của Trung Quốc, năm 2013 có nhiều điểm tương đồng với năm 1913. Một thế kỉ trước đã đánh dấu sự trỗi dậy của phương Tây. Nhưng hôm nay thì ngược lại. Tiền, sức mạnh và tầm ảnh hưởng đang chuyển dần từ Mỹ, phương Tây sang Châu Á”.

Ông Ruan, giống với nhiều người Trung Quốc khác cho rằng việc Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm sang Châu Á đang khuấy đảo tình hình khu vực. Nhưng trên thực tế, sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc bắt đầu khuấy đảo tình hình thậm chí trước khi Mỹ có tuyên bố này.

Ông Xia Yeliang, một giáo sư kinh tế học tai Đại học Bắc Kinh cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, vài năm trước, quân đội Trung Quốc đã được củng cố liên tục và muốn bắt đầu xung đột quân sự với Nhật Bản, đối thủ lâu năm của Trung Quốc nhằm giành thế ảnh hưởng quân sự trong khu vực. Tuy nhiên, Chủ tịch nước khi đó là Hồ Cẩm Đào vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện điều này.

Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế xã hội của Trung Quốc tiếp tục xấu đi, ông Xia và những người khác cho biết, vào mùa xuân năm 2009, một cơ hội tái thiết ảnh hưởng quân sự đã xuất hiện, trong khi cơ hội này cũng đưa Trung Quốc vào một cuộc xung đột ngoại giao. Đó là khi hầu hết các quốc gia trên thế giới phải đệ trình giấy tờ lên Liên Hợp Quốc, nêu rõ quyền thực thi pháp lý ngoài khơi như một phần của Công ước về Luật Biển.

Trước đó, vào năm 1946, khi phương Tây hối thúc Trung Quốc làm rõ vị trí lãnh thổ của mình trên biển, nước Cộng hòa Trung Quốc đã đưa ra tấm bản đồ chính thức trong đó tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông. Khi đó, ít người quan tâm đến vấn đề này bởi chỉ vài năm sau, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đánh bại Quốc Dân Đảng và nắm quyền kiểm soát đất nước.

Nhưng đến năm 2009, khi đến hạn các quốc gia trình Liên Hợp Quốc tài liệu chủ quyền biển thì chính phủ Trung Quốc chính thức gửi tấm bản đồ năm 1946. Kể từ đó, nước này liên tục khẳng định hầu hết Biển Đông và các vùng nước lân cận là “một phần vốn có của lãnh thổ Trung Quốc”.

Do đó, việc Trung Quốc cho rằng sự hiện diện ở Mỹ ở khu vực đang khiến tình hình phức tạp thêm là không đúng. Bộ Ngoại giao Mỹ liên tục nhắc lại rằng Mỹ không đứng về bất cứ phe nào trong cuộc tranh chấp này.

Đến thăm khu vực vào mùa thu năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi các quốc gia Châu Á xây dựng quy tắc ứng xử cho các quốc gia giáp Biển Đông và nói thêm: “Hoa Kỳ không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”.

“Trung Quốc không muốn Mỹ can thiệp dưới bất cứ hình thức nào”, ông Jose Cuisia Jr., Đại sứ Phillippines tại Mỹ cho biết trong cuộc hội thảo ở Đại học Stanford.

Biển Đông yên bình đang dậy sóng. Ảnh: Politica

Biển Đông yên bình đang dậy sóng. Ảnh: Politica

Trung Quốc bị xa lánh

Tranh chấp lãnh thổ đã khiến Trung Quốc ngày càng bị các nước láng giềng xa lánh. Ông Yann-huei Song, thuộc Viện nghiên cứu Mỹ và Châu Âu ở Taipei, Đài Loan cho biết: “Trung Quốc không còn bạn trong khu vực nữa, ngoại trừ Campuchia”.

Trung Quốc đã và đang đổ khá nhiều tiền vào Campuchia, nhiều hơn tổng số tiền tài trợ của tất cả các quốc gia khác cho nước này (khoảng 8 tỉ USD trong vài năm qua). Về cơ bản, Trung Quốc đã 'mua' được lòng trung thành của Campuchia, điều này đã được chứng minh là khá hữu ích cho Bắc Kinh.

Trong khi đó, Lào dường như cũng là một đồng minh của Trung Quốc nhưng là đồng minh “nước đôi”. CHDCND Triều Tiên, một nước phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng cũng có những mối bất hòa “ngầm” với Trung Quốc. Còn lại, tất cả các quốc gia khác trong khu vực đều nổi giận trước những tuyên bố bành trướng của Trung Quốc.

Năm ngoái, Campuchia là nước chủ trì hội nghị Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hai cuộc họp ASEAN được tổ chức tại Phnom Penh và Thủ tướng Hun Sen là chủ tịch hội nghị.

Ấn tượng đầu tiên của các đại biểu ASEAN khi đi từ sân bay đến Phnom Penh đó là những tấm biển ca ngợi Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào dọc đường quốc lộ cũng như hàng trăm lá cờ nhỏ Trung Quốc treo khắp mọi nơi.

Trước khi hội nghị diễn ra, ông Hồ Cẩm Đào đã tới thăm ông Hun Sen. Tuy nhiên, nội dung cuộc thảo luận giữa họ không được tiết lộ. Tất cả các dự đoán đều tập trung vào mối quan tâm của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông trong hội nghị diễn ra lần này.

Khi cuộc họp thứ nhất kết thúc, lần đầu tiên trong 45 năm lịch sử, ASEAN không đưa ra tuyên bố nào.

Đến tháng 11-2012, tại phiên họp cuối cùng của hội nghị ASEAN, ông Hun Sen đọc tuyên bố rằng ASEAN đã đi đến sự đồng thuận rằng: Tranh chấp trên Biển Đông sẽ không được quốc tế hóa. Điều này có nghĩa là mỗi quốc gia ASEAN sẽ phải đàm phán riêng với Trung Quốc. Và đây chính xác là điều mà Trung Quốc muốn.

I-Hsin Chen, phó chủ tịch của Tổ chức Nghiên cứu Hòa bình châu Á-Thái Bình Dương tại Đài Loan cho biết: “Trung Quốc muốn đàm phán song phương với các quốc gia. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các nước châu Á muốn đàm phán đa phương."

Phan Yến
Theo Tiền phong/Politica