1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính sách của Mỹ trên biển Đông từ năm 1995 đến nay - Kỳ 1:

Biển Đông càng "nóng", Mỹ càng tham gia sâu?

Trong tương lai, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tham gia vào nỗ lực quản lý căng thẳng ở biển Đông, nếu các tranh chấp trong việc phân định lãnh thổ và các quyền trên biển vẫn còn nhức nhối.

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu Nghiên cứu Chính sách của Mỹ đối với tranh chấp tại biển Đông từ 1995* của M. Taylor Fravel. Tác giả là PGS Khoa học chính trị và là thành viên của Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts.

Bốn đặc điểm

Một đặc trưng nổi bật trong quan hệ quốc tế của Đông Á trong 5 năm qua là sự nóng lên dần của các căng thẳng trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán trên biển ở Biển Đông. Mặc dù không phải là bên tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ thực thể tranh chấp nào, song Mỹ ngày càng chú ý và tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực quản lý tranh chấp trong khu vực.

Chính sách của Mỹ đối với các tranh chấp trên biển Đông có bốn đặc điểm.

Thứ nhất, Mỹ điều chỉnh nội dung chính sách đã tuyên bố của mình theo mức độ căng thẳng trong tranh chấp. Nói cách khác, Mỹ tham gia sâu hơn khi sự căng thẳng giữa các bên tuyên bố gia tăng.

Thứ hai, chính sách của Mỹ đối với biển Đông dựa trên nguyên tắc duy trì sự trung lập đối với các tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Tuy vậy, giữa nguyên tắc duy trì sự trung lập và tham gia nhiều hơn vào nỗ lực kiểm soát căng thẳng trong tranh chấp đã tiềm ẩn xung đột, đặc biệt khi một nước được xác định là đối tượng chính khiến căng thẳng leo thang.

Thứ ba, khi tham gia nhiều hơn vào tiến trình quản lý căng thẳng, Mỹ nhấn mạnh đến những quá trình và nguyên tắc mà các bên tuyên bố chủ quyền cần theo đuổi, và sử dụng các nguyên tắc này làm nền tảng cho chính sách của Mỹ, thay vì tập trung vào kết quả hay giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp. Đặc biệt Mỹ nhấn mạnh đến hướng quản lý xung đột thông qua việc ký kết một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc giữa ASEAN và TQ.

Thứ tư, chính sách của Mỹ ở Biển Đông nỗ lực điều chỉnh cách hành xử của TQ trong khu vực bằng cách nhấn mạnh đến những cái giá mà nước này phải trả nếu sử dụng các biện pháp cưỡng ép và theo đuổi những yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cái giá mà Bắc Kinh phải trả có thể là hình ảnh hoen ố của một đất nước vi phạm luật pháp quốc tế (đặc biệt là Công ước UNCLOS), quan hệ xấu đi với các quốc gia khác trong cuộc tranh chấp, vị thế lớn hơn của Mỹ trong khu vực với vai trò là đối tác của các bên khác trong tranh chấp. Tuy vậy, tuân thủ nguyên tắc trung lập, Mỹ đang cố gắng làm sao để có thể can dự nhiều hơn mà không nghiêng về bên nào.

Trong tương lai, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tham gia vào nỗ lực quản lý căng thẳng ở biển Đông, nếu các tranh chấp trong việc phân định lãnh thổ và các quyền trên biển vẫn còn nhức nhối, và các quốc gia tranh chấp vẫn có tuyên bố hoặc hành động khẳng định, bảo vệ yêu sách của mình. Song, nếu căng thẳng dịu bớt ngay cả khi các vấn đề tranh chấp cơ bản vẫn còn nguyên đó, sự tham gia của Mỹ có thể sẽ giảm. Khi mức độ căng thẳng ở Biển Đông còn liên quan đến hành động của TQ, thì Biển Đông sẽ tiếp tục là vấn đề trong mối quan hệ Mỹ - Trung.
 
Những năm qua, Biển Đông luôn là một khu vực căng thẳng (ảnh: Hoàng Sang)
Những năm qua, Biển Đông luôn là một khu vực căng thẳng (ảnh: Hoàng Sang)

Các mối quan tâm của Mỹ ở Biển Đông

Mỹ có hai mối quan tâm chính ở Biển Đông: quyền tiếp cận và sự ổn định. Trước hết, Mỹ quan tâm mạnh mẽ đến việc duy trì quyền tự do tiếp cận các vùng nước của khu vực này. Theo quan điểm của Washington, tất cả các quốc gia đều có quyền tự do, bao gồm cả quyền tự do hàng hải, trên vùng biển nằm ngoài vùng lãnh hải rộng 12 hải lý của bất kỳ quốc gia ven biển nào.

Có hai lý do khiến quyền tự do tiếp cận các vùng nước ở Biển Đông lại quan trọng đến vậy. Thứ nhất là quyền này củng cố động lực kinh tế của khu vực, vốn dựa trên hoạt động thương mại rộng khắp không chỉ ở khu vực, mà còn trên quy mô quốc tế. Vùng nước này là nơi lưu chuyển hơn 5 nghìn tỉ đô-la giao dịch thương mại mỗi năm, trong đó có hơn 1 nghìn tỉ đô-la là giao dịch thương mại với Mỹ.

Thứ hai, khả năng tiếp cận tự do giúp Mỹ duy trì năng lực dự phóng sức mạnh quân sự, không chỉ ở Đông Á mà khắp thế giới. Để ra Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư, nhiều tàu hải quân của Mỹ từ bờ Tây và Nhật đều phải đi qua Biển Đông.

Tuy nhiên, khả năng tự do tiếp cận ở Biển Đông gặp phải những thách thức sau.

Trước hết là cách diễn giải của TQ về quyền của các quốc gia ven biển đối với Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của mình. Từ sau vụ đụng độ với máy bay EP-3 của Mỹ năm 2001 trên đảo Hải Nam, TQ đã sử dụng đủ mọi lý lẽ pháp lý nhằm mục đích hạn chế các hoạt động quân sự của Mỹ trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước mình. TQ cũng tìm cách áp đặt quy định giới hạn tương tự trên toàn Biển Đông.

Thách thức thứ hai là hoạt động hiện đại hóa của lực lượng hải quân TQ (PLAN), dần dà tiến trình này sẽ được sử dụng để đánh bật tàu hải quân của Mỹ ra khỏi các vùng nước của khu vực. Tuy nhiên, với tham vọng bành trướng ở Biển Đông, sẽ phải mất vài chục năm nữa Hạm đội Nam Hải của PLAN mới có thể đủ năng lực làm việc này.

Thứ hai, Mỹ rất quan tâm đến việc gìn giữ hòa bình và sự ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Tương tự như quyền tiếp cận mở và tự do, sự ổn định của khu vực cũng giúp duy trì sự thịnh vượng không chỉ của Đông Á mà còn cả của Mỹ.

Sự ổn định của khu vực Biển Đông phải đối mặt với một số nguy cơ. Trước hết là nguy cơ xung đột vũ trang giữa các bên có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn đối với các thực thể như đảo và dải san hô, và quyền trên biển như Vùng Đặc quyền Kinh tế. Chẳng hạn hai lần đụng độ giữa VN và TQ vào năm 1974 (Nhóm đảo Lưỡi liềm, quần đảo Hoàng Sa) và năm 1988 (đảo Gạc Ma).

Nguy cơ thứ hai đe dọa sự ổn định là tần suất sử dụng ngày càng thường xuyên các biện pháp cưỡng ép, không bao gồm xung đột vũ trang, để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền. Việc TQ đe dọa các công ty dầu khí của Mỹ hoạt động tại khu vực này năm 2007 và 2008 là một ví dụ.

Nguy cơ thứ ba là hoạt động hiện đại hóa lực lượng hải quân của các nước trong khu vực. Vòng xoáy ốc bất ổn định trong các tranh chấp chủ quyền và quyền lãnh hải có thể phát triển thành cuộc chạy đua năng lực và đối đầu an ninh, và theo hướng này khả năng xảy ra đụng độ sẽ gia tăng.

Nguồn thứ tư, là nguy cơ gia tăng nỗ lực tương ứng của TQ và Mỹ trong vấn đề đe dọa và duy trì quyền tiếp cận. Đáp lại năng lực "chống can thiệp/phong tỏa khu vực" mới phát triển của TQ, bao gồm một tên lửa đạn đạo đối hạm, quân đội Mỹ đã phát triển một khái niệm hoạt động mới là Thủy Không tác chiến, nhằm đảm bảo Mỹ có thể tiếp cận các vùng nước này khi chiến sự nổ ra. Những nỗ lực phát triển năng lực như vậy trong thời bình rất dễ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang "quyền tiếp cận" và khiến nguy cơ bất ổn định gia tăng.

Ngoài quyền tiếp cận và sự ổn định, Mỹ còn quan tâm đến việc duy trì cam kết với các đồng minh trong khu vực, nhưng đồng thời không để các đồng minh lôi mình vào những tranh chấp cụ thể. Một mối quan tâm khác là duy trì mối quan hệ hợp tác và ổn định với TQ, trong đó các tranh chấp hàng hải ở Đông Á chỉ là một phần.

(Còn tiếp)

Theo Hà Trang (lược dịch theo RSIS)
Vietnamnet

Tên tiếng Anh của Nghiên cứu là "U.S. Policy Towards the Disputes in the South China Sea Since 1995". Tiêu đề các phần chuyển ngữ do Tuần Việt Nam đặt.