Biến chủng Omicron ảnh hưởng thế nào tới trẻ em?
(Dân trí) - Số trẻ em nhiễm bệnh và nhập viện do biến chủng Omicron trên thế giới đang tăng lên, khiến một số nước bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ nhỏ.
Báo South China Morning Post (SCMP) cho biết, số trẻ em nhiễm biến chủng Omicron trên thế giới đang tăng nhanh trong khoảng một tháng trở lại đây, bao gồm cả ở Trung Quốc. Tại Mỹ, dữ liệu từ Bệnh viện Nhi khoa cho thấy, trẻ em chiếm hơn 20% tổng số ca mắc được báo cáo hàng tuần trong tuần kết thúc vào ngày 23/12/2021. Trẻ em cũng chiếm 1,8% đến 4,1% tổng số ca nhập viện trong số 24 bang báo cáo dữ liệu bệnh nhi mắc Covid-19.
Tại thành phố New York, Tiến sĩ Mary Bassett, ủy viên y tế bang cho hay: "Số ca bệnh nhi mắc Covid-19 đã tăng gần 5 lần kể từ ngày 11/12/2021. Trong vòng tuần thứ 2 của tháng 12/2021, 22 trẻ em phải nhập viện vào các bệnh viện ở thành phố New York, nhưng chỉ một tuần tiếp theo số ca nhập viện điều trị đã là 109 trẻ. Trên toàn bang trong cùng thời điểm, số ca nhập viện đã tăng 2,5 lần, cụ thể từ 70 trẻ nhập viện lên thành 184 trẻ nhập viện".
Số ca nhiễm tăng, nhưng chủ yếu triệu chứng nhẹ
Giáo sư Emily Chan Ying-yang Chan, Phó trưởng khoa Dược Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho rằng chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy Omicron ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn so với các biến chủng khác.
Giáo sư Terence Stephenson tại Viện Nhi khoa, Đại học London (Anh), nhận định: "Tôi cho rằng, lý do khiến số trẻ em nhiễm Omicron ở nhiều nước tăng nhanh là do tỷ lệ miễn dịch ở trẻ nhỏ thấp hơn so với người lớn".
"SARS-CoV-2 đang tác động đến các cộng đồng lớn hơn và chắc chắn tác động đến trẻ em theo cách mà chúng tôi chưa từng biết đến. Và hiện nay dường như SARS-CoV-2 đã tìm thấy đối tượng thích hợp để lây nhiễm, đó là những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện tiêm chủng hoặc những đứa trẻ lớn hơn chưa được tiêm chủng, hoặc tiêm chủng không đầy đủ", Tiến sĩ Juan Salazar, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa Connecticut ở Hartford (Mỹ) cảnh báo.
Mặc dù tỷ lệ nhiễm Omicron ở trẻ em đang tăng lên, nhưng chủ yếu các ca nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ. Ông Terence Stephenson cho biết: "Số ca nhiễm đang tăng cao, nhưng nguy cơ bệnh nặng rất thấp. Lấy Anh làm ví dụ, chỉ có khoảng 250 trẻ em phải điều trị tích cực, trong đó, chỉ có 20 trẻ không có bệnh nền". Một số dữ liệu ban đầu cho thấy, tỷ lệ nhập viện ở trẻ em nhiễm Omicron thậm chí có thể thấp hơn so với nhiễm Delta. Hiện các nhà khoa học đang theo dõi liệu trẻ có mắc triệu chứng Covid-19 kéo dài sau khi nhiễm biến chủng Omicron hay không.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu trẻ có nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay không. Theo ông Stephenson, mặc dù Omicron hiện chỉ gây triệu chứng nhẹ cho trẻ em, nhưng ít nhiều nó cũng làm ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của trẻ nhỏ. Ví dụ, nếu trẻ nhiễm bệnh và bị cách ly, điều này sẽ làm gián đoạn sinh hoạt hàng ngày cũng như việc học tập. Do vậy, việc tiêm chủng vaccine sẽ giúp trẻ phần nào tránh được sự gián đoạn này. Ngoài ra, tiêm chủng vaccine cũng thể giúp ngăn trẻ lây lan virus, truyền bệnh cho người cao tuổi hay những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Mới đây, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, cho biết tiêm chủng vaccine Covid-19 có thể giảm nguy cơ cho trẻ em có bệnh nền.