Bị Trung Quốc "lôi kéo", đồng minh châu Phi duy nhất quyết không bỏ Đài Loan
(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Eswatini, quốc gia châu Phi duy nhất còn quan hệ ngoại giao với Đài Loan, khẳng định nước này sẽ không “từ bỏ” hòn đảo, trong bối cảnh nhiều nguồn tin cho rằng Trung Quốc đã gây áp lực lên Eswatini trong thời gian qua.
Sputnik trích lời ông Mgwagwa Gamedze, Ngoại trưởng Eswatini, cho biết quốc gia này sẽ không từ bỏ Đài Loan để thiết lập quan hệ đồng minh ngoại giao với Trung Quốc.
“Họ (Trung Quốc) không nên chơi trò chơi cân não vì quan hệ giữa chúng tôi và Đài Loan đã kéo dài trong 50 năm qua và chúng tôi sẽ không bỏ họ. Chúng tôi không có ý định thay đổi đồng minh vì Đài Loan vẫn đối xử rất tốt với chúng tôi”, ông Gamedze nói, nhấn mạnh rằng Quốc vương Eswatini Mswati III đã khẳng định điều này.
Phát ngôn viên của chính phủ Eswatini Percy Simelane cho biết: “Tới thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn giữ quan hệ với Đài Loan”.
Theo một số nguồn tin ngoại giao, Eswatini, trước đó có tên là Swaziland, dường như đã phải chịu áp lực từ Trung Quốc trong nhiều tháng qua, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng tới.
Theo Reuters, ông Trần Hiểu Đông, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc ngày 22/8 cho biết Bắc Kinh hy vọng tất cả các nước châu Phi sẽ cùng hợp tác với Trung Quốc và bày tỏ tin tưởng rằng điều này có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần. Ông Trần đồng thời nói về trường hợp của Eswatini và mong nước này sẽ sớm bắt tay với Trung Quốc.
Thông báo của ông Trần được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi quốc gia châu Mỹ El Salvador tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục sau khi “cắt đứt” quan hệ với Đài Loan. Hiện thời, Đài Loan chỉ còn 17 đồng minh ngoại giao, chủ yếu ở Thái Bình Dương và Trung Phi.
Căng thẳng xuyên eo biển Đài Loan đã leo thang từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền từ năm 2016. Bà Thái là người có tư tưởng phản đối chính sách "Một Trung Quốc", trong khi Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để kiểm soát hòn đảo.
Đức Hoàng
Theo Sputnik