1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bí mật vụ mưu sát Tổng thống Pháp Charles de Gaulle

Vào những năm 1960 tại Pháp, một số người xem Charles de Gaulle là chính khách đáng tôn kính nhất, nhưng cũng có những kẻ coi ông là cái gai cần phải thanh toán. Chỉ trong vòng hai năm kể từ tháng 12/1960, đã xảy ra 8 vụ mưu sát bất thành nhắm vào ông.

Thủ phạm gây ra các vụ mưu sát nhắm vào tổng thống De Gaulle là người của Tổ chức quân đội bí mật (OAS) hoặc của Hội đồng kháng chiến quốc gia (CNR). Cả hai tổ chức này đều điên cuồng chống đối việc De Gaulle trao trả độc lập cho Algeria và cho đây là hành động phản bội lại nước Pháp. Cho dù tất cả các vụ mưu sát nhắm vào De Gaulle đều gặp thất bại nhưng vụ mưu sát xảy ra vào tối ngày 22/8/1962 được đánh giá là táo bạo nhất và thành công nhất.

20h10' ngày 22/8/1962, khi chiếc Citroen chở De Gaulle đang di chuyển từ điện Elysee đến sân bay quân sự Villacoublay ngang đoạn thị trấn Petit-Clamart, thì bị tấn công. Từ cự ly 20 m, nhiều tay súng nấp trong chiếc xe tải hiệu Renault màu vàng đỗ bên vệ đường nổ súng vào chiếc Citroen trên có chở De Gaulle và con rể là Đại tá Marcel Julian. Cách 50 m về phía trước, trên một con đường nhỏ đâm ngang từ bên trái, từ một xe nhỏ hiệu Peugeot, hai tay súng ở trong xe bắn xối xả vào chiếc xe chở tổng thống làm hai bánh xe nổ tung, một viên đạn sượt qua đầu ông trong gang tấc.

Viên tài xế quyết định đạp ga tăng tốc, vượt qua mấy tay súng, chạy vào thị trấn ngoại ô Petit-Clamart. Lập tức, các tay súng tham gia vụ mưu sát vọt theo bắn tiếp và chỉ chịu biến mất khi có hai xe tuần tra của cảnh sát đến ứng cứu. De Gaulle vẫn bình yên vô sự. Tại sân bay Villacoublay, trước khi đáp trực thăng đến nhà nghỉ của gia đình ở Colombay-Deux-Églises, cách Paris 170 km, De Gaulle vẫn bình thản phủi những mảnh kính xe còn bám trên áo và nói đùa với Đại tá Marcel Julian: “Mấy tay đó bắn tồi quá!”.

Thông tin về vụ mưu sát lần thứ 8 không thành nhưng táo bạo nhất khiến Bộ Nội vụ Pháp phải triển khai một cuộc điều tra quy mô để bắt giữ toàn bộ thủ phạm. 45 phút sau khi sự việc xảy ra, thanh tra Maurice Bouvier, chỉ huy Phòng Cảnh sát tư pháp (PJ) của Sở Cảnh sát Paris, nhận lệnh phụ trách cuộc điều tra và đưa ngay các điều tra viên giỏi nhất của mình đến Petit-Clamart.

Họ thu thập các vỏ đạn vung vãi trên đường và lề đường, chụp ảnh các lỗ đạn và dấu bánh xe, hỏi han các nhân chứng. Có tất cả 6 viên đạn găm vào xe tổng thống và 4 viên khác găm vào xe hộ tống. Một viên đạn găm vào mũ sắt của viên cảnh sát đi xe môtô hộ tống và một viên khác trúng vào thùng bên của chiếc xe môtô hộ tống thứ hai. Nhiều viên đạn khác đã làm hư hại nhiều đồ vật ở các cửa hiệu hai bên đường.

10 phút sau, các điều tra viên đã tìm ra đầu mối đầu tiên. Đó là chiếc xe tải màu vàng hiệu Renault bỏ trống ở một quảng trường gần đó. Trong xe có rất nhiều vũ khí, mìn, lựu đạn. Biển số xe cho biết chiếc xe thuộc một điểm cho thuê xe ở thành phố nhỏ Joigny, cách Paris 75 km. Người chủ điểm cho thuê xe khai báo với cảnh sát là đã có một người đàn ông tên Jean François Murat thuê xe, tất nhiên đó là một cái tên giả.

Thanh tra Bouvier cho phát lệnh kiểm tra tất cả các khách sạn, nhà trọ và cả điểm cho thuê xe trong bán kính 300 km quanh thủ đô Paris. Việc làm kịp thời này đã giúp cảnh sát nắm được nhiều bằng chứng cho thấy tên Murat đã thuê nhiều chiếc xe khác nhau cho toán sát thủ tại nhiều thành phố xung quanh thủ đô Paris.

Ba ngày sau khi xảy ra vụ mưu sát, cảnh sát đã tìm ra đầu mối thứ hai khi các cư dân ở đại lộ Victor Hugo khai báo có thấy một chiếc xe tải màu vàng hiệu Renault đỗ trước một cửa hàng trong suốt cả buổi chiều ngày 22/8/1962. Nhiều người trên xe đã ra vào cửa hàng. Điều tra của cảnh sát cho biết đó là cửa hàng của gia đình Bertin. Cô con gái Monique Bertin là thư ký của một nhóm chính trị chủ trương không trao trả độc lập cho Algeria. Monique có một người anh tên Pascal, một sinh viên có chân trong một tổ chức cực hữu do Jean Pierre Naudin cầm đầu. Tổ chức này đang bị cảnh sát theo dõi

Tiến hành tra hỏi những người trong gia đình Bertin, cảnh sát biết rằng Pascal đã bỏ trốn sau khi xảy ra vụ mưu sát. Sau nhiều ngày bị thuyết phục, cuối cùng Monique cũng khai ra nơi Pascal đang lẩn trốn. Đó là một căn nhà nhỏ của gia đình ở vùng ngoại ô Saint-Denis. Chiều ngày 1/9/1962, cảnh sát ập vào ngôi nhà và bắt giữ Pascal. Kiểm tra tư trang của Pascal, cảnh sát tìm thấy hóa đơn mua những mẫu chữ bằng kim loại để gắn vào biển số xe nhằm mục đích sửa lại số xe.

Từ lời khai của Pascal, cảnh sát bắt tiếp Pierre Magade, một cựu lính nhảy dù từng tham chiến tại Algeria. Magade khai báo bị lôi kéo vào vụ mưu sát vào giây phút cuối cùng để thay thế cho một trong những tài xế tham gia vụ mưu sát. Từ lời khai của Magade, cảnh sát bắt tiếp 5 trong số những tên tham gia vụ mưu sát trong đó có 3 cựu lính nhảy dù, một viên chức làm việc ở Bộ Hàng không, một sĩ quan quân đội. Nhưng cảnh sát vẫn chưa tìm ra manh mối quan trọng nhất, đó là kẻ chủ mưu.

Trong khi đó mũi điều tra về cái tên Murat đã phát hiện ra hắn ta có gọi điện thoại đường dài từ khách sạn Britany ở thành phố Reims cho một người lạ mặt. Sau nhiều ngày tích cực thẩm tra, cảnh sát biết kẻ lạ mặt tên Henri Niaux, một sĩ quan 48 tuổi, có chân trong OAS. Bị bắt giữ ngay sau đó, nhưng chưa kịp khai nhận điều gì thì Niaux đã tự tử chết trong trại giam.

Lục soát căn hộ của Niaux, cảnh sát tìm thấy một bộ quần áo bên trong có hai biên nhận thuê xe và hai biên nhận giặt ủi. Từ những chứng cứ này cảnh sát đã lần ra một nhân vật khác có biệt danh Didier hoặc Leroy. Mà theo lời khai của những tên tham gia vụ mưu sát, đó chính là kẻ đã tổ chức và chỉ huy cuộc mưu sát.

Lục hồ sơ về những kẻ tình nghi tham gia tổ chức OAS và CNR, với bản năng của một thanh tra chuyên nghiệp, Maurice Bouvier chú ý đến một cái tên, đó là Jean Pierre Bastien Thiry, 45 tuổi, cựu phi công chiến đấu, từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Paris và làm cố vấn ở Bộ Hàng không. Bị thẩm vấn, lúc đầu Bastien-Thiry không chịu thú nhận gì cả. Thế nhưng khi kiểm tra căn hộ của ông ta, cảnh sát tìm thấy một mẩu báo bị xé từ một tờ báo phát hành ở Paris vào ngày 22/8/1962.

Trên mẩu báo có viết một chữ nguệch ngoạc “Hubert Leroy” cùng với tên và số điện thoại của một khách sạn ở Paris. Đó là khách sạn Terminus-Vaugirard, nằm ngay giữa tuyến đường mà Tổng thống De Gaulle thường đi từ điện Elysees đến sân bay Villacoublay. Cho người chủ khách sạn nhận dạng ảnh của Bastien Thiry, ông ta cho biết đó là người đàn ông đến thuê một phòng trong khách sạn dưới cái tên Hubert Leroy vào ngày 22/8/1962.

Trước những chứng cứ xác đáng này, Bastien Thiry đành phải thú nhận chính là kẻ đã tổ chức và chỉ huy vụ mưu sát nhắm vào tổng thống De Gaulle vào tối ngày 22/8/1962. Và thế là chỉ sau 25 ngày 14 giờ và 20 phút sau phát súng đầu tiên nhắm vào tổng thống De Gaulle, cảnh sát đã phá được vụ mưu sát táo bạo nhất nhắm vào tổng thống Pháp.

Vào ngày 21/5/1963, một tòa án quân sự đặc biệt đã kết án tử hình Jean Pierre Bastien Thiry, kết án tử hình vắng mặt Jean François Murat. Những kẻ còn lại tham gia vụ mưu sát đều bị kết án từ chung thân đến 15 năm tù. Nhiều thập niên sau khi xảy ra vụ mưu sát táo bạo nhắm vào tổng thống Charles de Gaulle vào tối ngày 22/8/1962, người ta mới biết Jean François Murat chính là một thành viên khét tiếng của tổ chức OAS. Hắn ta tên thật là Georges Watin, có biệt danh Gã thọt và đã đào thoát sang Paraguay và sống tại đó cho đến khi qua đời vào năm 1997.

Theo An ninh thế giới/Historia

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm