(Dân trí) - Sau Thế chiến II, một mạng lưới những con đường tẩu thoát cho các nhân vật chóp bu của chính quyền Đức Quốc xã đã được lập ra nhằm tạo đường tẩu thoát cho nhiều tội phạm chiến tranh.
BÍ MẬT VỀ CON ĐƯỜNG ĐÀO TẨU CỦA CÁC TRÙM PHÁT XÍT SAU THẾ CHIẾN II
Sau Thế chiến II, một mạng lưới những con đường tẩu thoát cho các nhân vật chóp bu của chính quyền Đức Quốc xã đã được lập ra nhằm tạo đường tẩu thoát cho nhiều tội phạm chiến tranh.
Sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ II, nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Đức Quốc xã đã đào tẩu khỏi châu Âu qua một hệ thống con đường bí mật. Hệ thống đường này được lực lượng tình báo phe Đồng minh gọi bằng cái tên "Ratlines". Trong tiếng Anh, "Ratlines" có nghĩa là "thang dây". Tuy nhiên, tên gọi của hệ thống này thường được hiểu theo nghĩa mỉa mai là "Con đường chuột", với hàm ý đây là đường tẩu thoát của những "con chuột" từng tham gia vào các tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã.
CON ĐƯỜNG ĐÀO TẨU
Theo thống kê, có hơn 10.000 đối tượng liên quan tới Đức Quốc xã, trong đó bao gồm nhiều tội phạm chiến tranh, đã bỏ trốn khỏi Đức và một số nước châu Âu có quan hệ mật thiết với chính quyền của đảng Quốc xã thông qua tuyến đường này. Việc trốn chạy này giúp nhiều tên trong số chúng thoát khỏi việc bị luận tội tại các phiên tòa Nuremberg xét xử tội phạm chiến tranh.
Đích đến cuối cùng của hệ thống "Con đường chuột" là các thiên đường ẩn náu ở khu vực Mỹ Latinh. Argentina là một điểm đến ưa thích của nhiều thành viên Đức Quốc xã. Rất nhiều người Argentina vào thời điểm đó có tổ tiên là người Đức, Italy và Tây Ban Nha. Điều này khiến Argentina có mối quan hệ mật thiết với Phe Trục trong Thế chiến II và trở thành một địa điểm lẩn trốn lý tưởng cho những nhân vật có liên hệ với Đức Quốc xã.
Ngoài Argentina thì Brazil, Chile, Uruguay và Colombia cũng được ghi nhận như là những nơi trú ẩn được nhiều thành viên Đức Quốc xã lựa chọn. Thêm vào đó, có những điều tra chỉ ra rằng một số tên tội phạm chiến tranh đã tẩu thoát được đến những đất nước phát triển như Mỹ và Thụy Sĩ thông qua tuyến đường này.
Hệ thống "Con đường chuột" gồm 2 tuyến đường chính xuất phát từ Đức. Tuyến đầu tiên sẽ đi theo ngả Tây Ban Nha, sau đó vượt Đại Tây Dương sang Argentina. Ở tuyến thứ 2, những tên tội phạm Đức Quốc xã sẽ được đưa từ Đức sang Rome rồi Genoa ở Italy. Sau đó, chúng sẽ được đưa tới một địa điểm tại Nam Mỹ. Ở giai đoạn cao điểm, một số trạm trung chuyển tại các quốc gia Arab đã được sử dụng nhằm đảm bảo an toàn cho cả tuyến đường.
Ban đầu, 2 tuyến đường này được tổ chức độc lập. Nhưng về sau, do số lượng đảng viên Quốc xã cần di tản quá lớn, chúng đã được kết nối với nhau nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ hơn.
NHƯNG SỰ TIẾP TAY MỜ ÁM
Được lên kế hoạch bởi những kẻ có cảm tình với đảng Quốc xã, "Con đường chuột" nhận được sự giúp đỡ tích cực từ nhiều nhân vật có thế lực.
Đầu tiên, chính quyền quân sự của Argentina dưới sự lãnh đạo của tướng Juan Domingo Peron được cho là đã làm hết sức mình nhằm đảm bảo cho hàng ngàn cựu đảng viên Đức Quốc xã có thể cập bến đất nước Nam Mỹ này một cách an toàn.
Không chỉ cung cấp giấy tờ đi lại và lộ phí đi đường, chính quyền Argentina thời điểm đó thậm chí còn cử điệp viên sang châu Âu để hỗ trợ di tản. Một số chuyến tàu chở hàng dưới sự bảo trợ của chính phủ Argentina cũng đã được điều động nhằm cung cấp phương tiện di chuyển thuận tiện và an toàn cho kế hoạch trên.
Ngoài ra, nhiều nguồn tin khẳng định một số linh mục biến chất ở châu Âu đã tiếp tay cho "Con đường chuột". Trong số đó, theo 2 tác giả Mark Aarons và John Loftus trong cuốn sách "Unholy Trinity", nổi bật nhất phải kể đến vai trò của giám mục người Áo Alois Hudal.
Giám mục Hudal, một nhân vật có vai vế ở Tòa thánh Vatican vào thấy điểm đấy, đã cung cấp tiền và sự bảo trợ cho nhiều tên tội phạm Đức Quốc xã. Quan trọng hơn, ông này đã cung cấp cho chúng giấy tờ tùy thân giả, bao gồm cả căn cước nhận dạng do Tổ chức Tị nạn Vatican cấp. Dưới sự che chở của Hudal, nhiều thành viên Đức Quốc xã đã dễ dàng qua mặt được các cuộc truy lùng của phe Đồng minh.
Một trong những tên tội phạm chiến tranh khét tiếng nhất được giám mục Hudal cứu giúp là "đao phủ" Franz Stangl, người đứng đầu 2 trại tập trung Sobibor và Treblinka của Đức Quốc xã. Stangl bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm cho cái chết của gần 1 triệu người Do Thái trong những vụ thảm sát tập thể tại các trại tập trung của y. Giám mục Hudal đã đón Stangl sang Italy và giúp tên đồ tể này trốn đến Syria. Đến năm 1951, sau khi mọi việc lắng xuống, Stangl và gia đình đã nhập cư sang Brazil, nơi y làm việc tại một nhà máy ô tô của hãng xe Đức Volkswagen ở thành phố Sao Paulo trong nhiều năm.
Chính vì sự giúp đỡ của những tu sĩ biến chất như giám mục Hudal, tình báo Mỹ đã gán thêm một biệt danh cho "Con đường chuột" bằng cách gọi hệ thống đường này là "Đường tu viện".
NỖ LỰC CỦA TÌNH BÁO ISRAEL NHẰM ĐẬP TAN "CON ĐƯỜNG CHUỘT"
Sự hình thành và hoạt động của "Con đường chuột" không qua mắt được giới chức Israel, những người muốn hành động đáp trả sau những mất mát mà dân tộc Do Thái phải chịu đựng trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
Một nỗ lực truy tìm và đưa những tên tội phạm bỏ trốn ra trước vành móng ngựa đã được chính phủ Israel lập ra. Đơn vị được giao phụ trách nhiệm vụ này là cơ quan tình báo khét tiếng Mossad.
Hàng ngàn đặc vụ Mossad đã được cử đi khắp nơi trên thế giới nhằm tìm kiếm tung tích của những tên tội phạm Đức Quốc xã hiện vẫn còn đang lẩn trốn. Nhiều vụ bắt giữ đã được tiến hành, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến vụ bắt giữ Adolf Eichmann, trung tá thuộc lực lượng vũ trang SS của đảng Quốc xã. Y cũng là thành viên chủ chốt của kế hoạch diệt chủng toàn bộ người Do Thái với mật danh "Biện pháp cuối cùng".
Khi Thế chiến II kết thúc với thất bại thuộc về phe Trục, Eichmann từng bị bắt bởi quân đội Mỹ nhưng thoát ra được nhờ sử dụng tên giả. Sau vài năm sống khép kín tại Đức, y đã nhận được sự giúp đỡ từ giám mục Hudal và chính quyền Argentina để đào tẩu thành công sang quốc gia này vào năm 1950. Tại đây, y sống tại thủ đô Bueno Aires với tên gọi Ricardo Klement và làm đủ nghề như quản đốc nhà máy, kỹ sư ống nước cho đến nuôi thỏ để kiếm sống.
Sau nhiều năm mai danh ẩn tích, Mossad bắt đầu nhận được những manh mối về tên đồ tể Đức Quốc xã thông qua một người Do Thái tị nạn có tên Lothar Hermann. Hermann đã viết thư cho nhà chức trách Đức thông báo về việc con gái của ông ta đang hẹn hò với một người con trai của Eichmann và khẳng định tên này đang sinh sống tại thủ đô Buenos Aires, Argentina.
Nhận được tin báo này cơ quan tình báo Đức, Mossad lập tức quyết định sẽ bắt cóc Eichmann và đưa hắn ta về Israel xét xử.
Một nhóm đặc vụ Israel đã được cử đến Argentina. Để tránh "rút dây động rừng", nhóm này được chia nhỏ và di chuyển đến thủ đô Buenos Aires trên các lộ trình khác nhau và bằng những hộ chiếu giả của nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau một thời gian xác minh dựa trên những thông tin được Hermann cung cấp, chỗ ở của Adolf Eichmann trong một ngôi nhà tồi tàn trên phố Garibaldi tại thành phố San Fernando, ngoại ô Buenos Aires đã được tìm thấy.
Ban đầu, lực lượng truy lùng không tin một tên trùm phát xít như Eichmann lại có thể sống trong một căn nhà tồi tàn và thiếu những tiện nghi tối thiểu như vậy. Tuy nhiên, nghi ngờ của họ đã được xóa tan sau khi nhìn thấy một người đàn ông với ngoại hình đúng với mô tả xuất hiện tại ngôi nhà trên. Tiến hành theo dõi thêm, các đặc vụ Mossad cũng nắm được việc Eichmann thường xuyên di chuyển từ chỗ làm về nhà bằng xe bus.
Ngày 11/5/1960, 2 chiếc xe ô tô mang biển số ngoại giao giả với các đặc vụ Mossad bên trong đã phục sẵn tại bến xe bus mà Eichmann thường sử dụng từ chập tối. Theo thông lệ, tên đồ tể Đức Quốc xã sẽ trở về nhà trên chuyến xe lúc 7 giờ tối. Do vậy, cả đội đặc vụ đã cảm thấy rất lo lắng cho kế hoạch bắt giữ khi đợi đến hơn 8 giờ mà Eichmann vẫn chưa xuất hiện.
May mắn cho các đặc vụ Mossad, khi chỉ huy của họ chuẩn bị ra quyết định hủy bỏ kế hoạch, một chiếc xe bus dừng lại và từ trên xe, Eichmann bước xuống. Nhanh như cắt, các đặc vụ Mossad ập vào, đánh gục Eichmann và đưa hắn ta lên ô tô đến một nhà an toàn được chuẩn bị trước tại Buenos Aires.
Trong vài ngày sau đó, đội bắt giữ của Mossad đã tiến hành các bài kiểm tra nhằm xác nhận người bị bắt giữ chính là Eichmann. Dù liên tục kêu oan, hình xăm tên và nhóm máu đặc trưng của lực lượng SS đã tố cáo tên tội phạm chiến tranh khét tiếng này.
Chắc chắn về việc tên đồ tể Eichmann đã bị bắt giữ, chính phủ Israel đã cử một chuyên cơ sang Buenos Aires với cái cớ dự lễ kỷ niệm quốc khánh Argentina. Trên đường trở về, phi cơ này có thêm một hành khách đặc biệt, đó là tên phát xít Adolf Eichmann. Trước khi khởi hành, tên này đã bị tiêm một mũi thuốc gây ảo giác đặc biệt làm cho hắn không thể la hét hay chống cự.
Chiến dịch thành công của Mossad không chỉ chấm dứt 15 năm trốn chạy của Eichmann mà còn khởi đầu cho nhiều nỗ lực quốc tế nhằm truy bắt những tên tội phạm chiến tranh đã bỏ trốn khỏi châu Âu thông qua "Con đường chuột". Những cuộc truy lùng này đã đưa được nhiều tên tội phạm Đức Quốc xã ra trước công lý, trong đó có "đao phủ" Franz Stangl được nhắc tới ở trên. Y bị bắt vào năm 1967 và sau đó bị kết án chung thân bởi một tòa án ở Đức.
Về phần Eichmann, ngay sau khi bị đưa về Israel, y đã bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa đặc biệt xét xử tội ác diệt chủng tại quốc gia này. Dù ngoan cố chối tội, Adolf Eichmann vẫn bị kết tội bởi những bằng chứng hết sức rõ ràng về những hành động man rợ tại các trại tập trung người Do Thái. Ngày 31/5/1962, một trong những tên trùm phát xít man rợ nhất trong lịch sử đã phải bước ra trước giá treo cổ để đền tội cho những tội ác chống lại loài người mà hắn gây ra.
Tùng Nguyễn
Theo NPR, History, DW, Pilotguides