1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Bị dọa gây áp lực tối đa, Iran cảnh báo đánh cả Mỹ và Israel

Trước lời đe dọa gây sức ép tối đa của chính quyền Trump, Iran cảnh báo sẽ phản đòn nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và Israel.

Reuters đưa tin, ngày 22/8, Iran đã đưa ra cảnh báo sẽ phản đòn nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và Israel nếu bị Washington tấn công. Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi cố vấn an ninh của Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ sẽ gây áp lực tối đa với Iran, vượt ra ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế.


Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: Reuters.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: Reuters.

Cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Iran không ngừng leo thang kể từ khi ông Trump tuyên bố rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) vẫn được biết đến với tên gọi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5, kích hoạt các biện pháp trừng phạt hòng buộc Tehran phải thương lượng lại.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tự tin nói rằng, việc Mỹ quay trở lại các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế và quan điểm của Iran.

“Không có gì phải nghi ngờ về việc Mỹ muốn điều này được giải quyết một cách hòa bình, nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị cho bất kỳ kịch bản nào mà Iran tạo ra”, ông Bolton nói khi đáng có chuyến thăm Israel – kẻ thù của Iran ở Trung Đông.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp đặt với Iran nhằm vào mục tiêu là ngành công nghiệp ô tô, kinh doanh vàng và các loại kim loại quý… Dự kiến Mỹ có thể tung thêm đòn trong tháng 11 tới nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và xuất khẩu dầu của Iran.

Ngay sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA, các cường quốc châu Âu đã “nháo nhào” tìm cách đảm bảo các lợi ích kinh tế để thuyết phục Tehran tiếp tục ở lại thỏa thuận. Mặc dù vậy, điều này đã được chứng minh là không hề đơn giản bởi nhiều công ty châu Âu muốn tránh vướng vào đòn trừng phạt tài chính do chính quyền Trump giăng ra.

Ông Bolton cảnh báo: “Chúng tôi hy vọng rằng người châu Âu sẽ thấy, như các doanh nghiệp trên khắp châu Âu đang thấy, rằng lựa chọn chỉ có thể là hoặc làm ăn với Iran hoặc làm ăn với Mỹ… Tổng thống Trump đã nói rất rõ rằng ông ấy muốn gây áp lực tối đa với Iran và đó là những gì đang diễn ra”.

Khi được hỏi về việc liệu Mỹ có thảo luận bất kỳ kế hoạch nào với đồng minh Israel để tận dụng các cuộc biểu tình ở Iran vì khó khăn kinh tế hay không, ông Bolton nói: “Phải nói rõ rằng, sự thay đổi chế độ ở Iran không phải chính sách Mỹ theo đuổi. Tuy vậy, điều chúng tôi muốn là sự thay đổi lớn trong hành vi của chế độ ở nước này… Chúng tôi cũng sẽ làm những việc khác để gây áp lực lên Iran, vượt ra ngoài những biện pháp trừng phạt kinh tế”.

Cảnh báo về cái giá phải trả

Ahmad Khatami - một giáo sĩ cấp cao của Iran, người thân cận với nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei nói với những tín đồ tại buổi lễ cầu nguyện Eid ở Tehran: “Cái giá của một cuộc chiến tranh với Iran sẽ là rất đắt đối với nước Mỹ”.


Giáo sĩ Ahmad Khatami. Ảnh: Reuters.

Giáo sĩ Ahmad Khatami. Ảnh: Reuters.

Giáo sĩ Ahmad Khatami nói thêm: “Họ nên biết nếu họ gây hại cho đất nước này dù chỉ là nhỏ nhất thì cả Mỹ và đồng minh chính của nước này trong khu vực là Israel sẽ trở thành đích ngắm của chúng tôi”.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm qua (23/8) cho biết họ có thể tấn công các thành phố của Israel bằng tên lửa nếu bị đe dọa trong khi tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ của Iran và không bao giờ đầu hàng trước áp lực của Mỹ hòng ép Tehran từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo.

Tuần trước, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Khamenei – người có tiếng nói quyết định trong các chính sách của Iran cho rằng, Mỹ sẽ tránh không để xảy ra xung đột vì e ngại tiềm lực của quân đội Iran.

“Sẽ không có chiến tranh… Chúng tôi chưa bao giờ bắt đầu một cuộc chiến và họ [Mỹ-ND] sẽ không đối đầu quân sự với Iran”, ông Khamenei nói.

Chiến dịch của Trump hòng cô lập Iran, làm tê liệt nền kinh tế nước này đã khiến các đối thủ cũ quay trở lại sàn đấu, gây ra những lo ngại về việc gia tăng nguy cơ bất ổn ở Trung Đông ngày càng lan rộng.

Mỹ khó lòng kiềm chế Iran

Theo thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình làm giàu urani của mình, đặt dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Bất chấp việc các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã nhiều lần lên tiếng xác nhận Iran tuân thủ các điều khoản hạt nhân đã ký với nhóm P5+1 nhưng Tổng thống Trump lại cho rằng, JCPOA có quá nhiều kẽ hở và sẽ không ngăn chặn được Iran phát triển bom hạt nhân.

Giáo sĩ Ahmad Khatami cho rằng lời đề nghị đàm phán của ông Trump là không thể chấp nhận được.

“Người Mỹ nói bạn nên chấp nhận những gì họ nói trong các cuộc đàm phán. Vì thế nên đây không phải là đàm phán”, hãng tin Mizan trích lời ông Khatami.

Cho đến nay Iran chưa đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào, dù là nhỏ nhất trước áp lực ngày càng gia tăng từ phía Mỹ bất chấp việc nền kinh tế của nước này gặp khó khăn vì bị bao vây. Hiện nước Cộng hòa Hồi giáo này đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao, đồng rial mất một nửa giá trị kể từ tháng 4/2018.

Hàng nghìn người Iran đã xuống đường phản đối việc tăng giá một số mặt hàng thực phẩm, tình trạng thiếu việc làm và tham nhũng. Các cuộc biểu tình phản đối tăng giá sinh hoạt thường biến thành các cuộc biểu tình chống Chính phủ.

“Tôi nghĩ rằng trong các tác động, tác động kinh tế chắc chắn thậm chí còn mạnh hơn chúng tôi dự đoán”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói.

Tuy nhiên, ông Bolton thừa nhận, bất chấp khó khăn hiện nay, Iran vẫn tiếp tục có những hành động gây bất ổn trong khu vực “như những gì họ đang làm ở Syria, Iraq, Yemen hay những gì họ đang làm với lực lượng Hezbollah ở Lebanon cũng như lời đe dọa ở Eo biển Hozmuz”.

Theo Hùng Cường

VOV