1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bị chỉ trích về dịch Covid-19, Trung Quốc sẽ ở đâu trong kinh tế toàn cầu?

(Dân trí) - Việc các nước tăng tốc tái tổ chức chuỗi giá trị toàn cầu sau đại dịch Covid-19 có thể khiến Trung Quốc mất nhiều việc làm và làm giảm nhẹ vai trò dài hạn của nước này trong nền kinh tế toàn cầu.

Bị chỉ trích về dịch Covid-19, Trung Quốc sẽ ở đâu trong kinh tế toàn cầu? - 1

Người Trung Quốc xếp hàng chờ lên xe bus ở Bắc Kinh tháng 4/2020 (Ảnh minh họa: Getty)

Tại Bắc Kinh, có nhiều ý kiến cho rằng đại dịch Covid-19 đang khiến thế giới trở nên thù địch hơn với Trung Quốc và phá vỡ môi trường quốc tế thuận lợi vốn hỗ trợ nước này trỗi dậy ngoạn mục, trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tính đến nay làm 3 triệu người mắc bệnh và hơn 200.000 người chết khắp toàn cầu đã khiến nhiều người tại Trung Quốc tự hỏi làm thế nào quốc gia này có thể tiếp tục phát triển trong bối cảnh quốc tế phản ứng dữ dội về cách nước này xử lý dịch bệnh Covid-19.

Vai trò của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng

Theo các nhà nghiên cứu và phân tích, một trong những thách thức cấp bách nhất mà chính phủ trung ương Trung Quốc phải đối mặt là việc các nước tăng tốc tái tổ chức chuỗi giá trị toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến thị trường việc làm của Trung Quốc trong ngắn hạn và làm giảm nhẹ vai trò dài hạn của nước này trong nền kinh tế toàn cầu.

Dù Bắc Kinh mâu thuẫn với các nền dân chủ tự do phương Tây về chính trị và ý thức hệ, nước này vẫn quyết tâm duy trì vị trí trong nền kinh tế toàn cầu. Và liệu Trung Quốc có thể duy trì vị thế trong nền kinh tế toàn cầu hay cuối cùng bị cô lập sau khi đại dịch được kiểm soát, sẽ là một trong những câu hỏi quan trọng nhất sau khủng hoảng.

Huang Qifan, cựu thị trưởng Trùng Khánh, người chứng kiến giai đoạn bùng nổ kinh tế trong thành phố, phát biểu hồi đầu tháng này rằng sự phân bố truyền thống “theo chiều ngang” của chuỗi giá trị toàn cầu đang được rà soát lại vì đại dịch đã bộc lộ điểm yếu của nó. Nó có thể được thay thế bằng sự tích hợp “theo chiều dọc” ở mỗi khu vực, ông Huang nói.

Theo ông Huang, viễn cảnh nền sản xuất trong tương lai có thể là các “khu vực sản xuất cơ sở” nằm rải rác, mỗi khu vực có bán kính 50km đến 200km, tại đây 70% các thành phần cốt lõi của một chuỗi giá trị và bán thành phẩm sẽ tập trung lại. Với khả năng truy cập dễ dàng vào các mạng lưới giao thông toàn cầu và nằm trong môi trường kinh doanh thuận lợi, những “khu vực sản xuất cơ sở” này chính là tương lai của nền kinh tế.

Ông Huang cũng cho rằng, Trung Quốc - với cơ sở hạ tầng và năng lực công nghiệp tiên tiến - có cơ hội nâng cao vai trò trong nền kinh tế toàn cầu, miễn là có thể chứng minh rằng họ chân thành về việc mở cửa với thế giới bên ngoài.

“Đại dịch đã phơi bày những liên kết yếu kém trong mô hình toàn cầu hóa cũ, buộc Trung Quốc và các quốc gia khác phải suy nghĩ lại và điều chỉnh lại bố cục công nghiệp toàn cầu”, ông Huang nhận định.

“Tuy nhiên, điều chỉnh không có nghĩa là phủ định hoàn toàn xu thế toàn cầu hóa… Cách tiếp cận đúng là mở thêm, thay vì quay ngược lại 180 độ”, ông Huang nói.

Quan điểm của vị cựu thị trưởng phù hợp với cam kết của Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ vẫn thân thiện với các nhà đầu tư và mở cửa thị trường hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài. 

“Trung Quốc vẫn là một thị trường không thể bỏ qua”

Trong khi các mối đe dọa về việc tách rời và cô lập Trung Quốc đang chiếm ưu thế, quốc gia này vẫn là nhà sản xuất lớn nhất với thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - điều mà các công ty đa quốc gia không thể bỏ qua.

Hãng Tesla tháng trước đã đạt doanh tốt nhất từ ​​trước đến nay tại Trung Quốc, bán được hơn 12.000 xe ô tô - tăng 450% so với một năm trước đó.

“Trung Quốc vẫn là một thị trường không thể bỏ qua”, ông Chen Fengying, cựu Giám đốc của Viện kinh tế thế giới thuộc Viện Quan hệ quốc tế lâm thời Trung Quốc, cho biết.

Ông Chen cũng cho rằng đại dịch có thể giúp tăng tốc sự hình thành các khối kinh tế khu vực, nhiều khả năng có thể được thành lập ở ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á.

“Trung Quốc sẽ là trung tâm của lực hấp dẫn trong khối Đông Á... nhờ  hệ thống công nghiệp và quy mô thị trường rộng lớn.” Ông Chen cũng nói thêm Trung Quốc có khả năng liên kết Nhật Bản và Hàn Quốc ở phía bắc và Đông Nam Á ở phía nam.

Dịch chuyển này đã được phản ánh trong các mối quan hệ thương mại của Trung Quốc. Trong quý đầu tiên của năm nay, khối ASEAN đã thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Ding Yifan, một nhà nghiên cứu có liên hệ với Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Hội đồng nhà nước, cho biết sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc là cực kỳ lớn. Trung Quốc đã chứng minh khả năng cạnh tranh quốc tế của mình ở hầu hết mọi lĩnh vực công nghiệp, từ thiết bị viễn thông đến đường sắt cao tốc, và năng lực đó vẫn được duy trì dù trải qua đại dịch.

“Những ngày đầu phát triển kinh tế, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài… và mỗi khi các nước phương Tây nói về việc rời khỏi Trung Quốc, Bắc Kinh lại thực sự lo lắng. Tuy nhiên, trên thực tế, nó không còn quan trọng nữa.”, ông Ding nhận định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “việc bảo vệ chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ổn định” là một trong sáu ưu tiên trong đại dịch, phản ánh quyết tâm của ông về việc duy trì vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới.

Hà Phương

Theo SCMP