1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bí ẩn hội chứng Chiến tranh Vùng Vịnh

Thuật ngữ “Hội chứng Chiến tranh Vùng Vịnh” (Gulf War Syndrome - GWS) lần đầu tiên xuất hiện trên các mặt báo sau khi binh sĩ Mỹ và Anh từ khu vực xung đột trở về nhà cùng với một số triệu chứng bất thường, thậm chí kỳ lạ.

Chính quyền hai nước bắt đầu kiểm tra sức khỏe đối với hơn 100.000 cựu binh song vẫn không phát hiện dấu hiệu của một căn bệnh mới nào.

Royal British Legion (RBL) - tổ chức từ thiện cung cấp sự hỗ trợ suốt đời cho cựu binh phục vụ quân đội Anh và gia đình họ - đang khẩn thiết kêu gọi chính quyền Anh tài trợ cho cuộc nghiên cứu nhằm tìm câu trả lời cho bí ẩn của GWS – một dạng rối loạn đã tấn công hàng ngàn cựu binh Anh và Mỹ.

Cựu binh ngành quân y quân đội Hoàng gia Anh Sean Rusling cho biết, ông thường bị sốt và đổ mồ hôi liên tục. Rusling cứ tưởng rằng tình trạng sức khỏe của mình là hệ quả của nhiều mũi tiêm vaccine mà ông được chỉ định trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Cựu binh Anh tuần hành phản đối chính quyền.
Cựu binh Anh tuần hành phản đối chính quyền.

Sức khỏe của Rusling sau đó suy giảm một cách nhanh chóng, ông lần lượt bị liệt tạm thời một chân và dạng rối loạn mà ông mô tả là “suy sụp toàn diện về tinh thần lẫn thể xác” sau khi trở về nước Anh. Trong vòng 4 năm sau khi rời khỏi quân đội, Rusling không làm được công việc gì cả. Tuy nhiên, Rusling cũng được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng loãng xương lúc 37 tuổi.

Rusling, nay đã 56 tuổi, nói rằng: “Thật đáng xấu hổ khi mà Bộ Quốc phòng không nhận thức được tình trạng sức khỏe mà tôi và nhiều cựu binh phải chịu đựng”.

Năm 1992, Shaun Cole rời khỏi quân đội sau khi trở về từ cuộc chiến Vùng Vịnh và 12 năm sau ông gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu – mệt mỏi, đau khớp và bị phát ban khắp cơ thể. Triệu chứng của Shaun Cole ban đầu được chẩn đoán là mắc bệnh thủy đậu nhưng sau đó tình trạng của ông càng trở nên trầm trọng thêm khi những nốt ban lan rộng ra to như… đá cuội! Cuối cùng, Shaun Cole phải nằm trong khoa cách ly của một bệnh viện và bác sĩ cũng không thể giải thích được tình trạng của ông.

Cựu binh Shaun Cole.
Cựu binh Shaun Cole.

Shaun Cole, nay đã 50 tuổi, cho biết: “Sức khỏe tôi suy sụp rất nhanh sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện và không ai giải thích được tại sao. Tôi không thể chịu đựng nổi một căn bệnh bí ẩn”.

Vào giữa thập niên 90 thế kỷ trước, các nhà khoa học King’s College London (KCL) tiến hành chương trình xét nghiệm X-quang và thử máu đối với những cựu binh có vấn đề về sức khỏe sau khi trở về nhà từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh. Tuy nhiên, họ vẫn không phát hiện được bất cứ khác biệt nào giữa cựu binh và một nhóm kiểm soát.

Trong cuộc nghiên cứu sâu hơn của KCL vào năm 2009, các nhà khoa học ghi nhận cựu binh Vùng Vịnh mắc phải các triệu chứng nhiều hơn binh sĩ được triển khai ở Bosnia đến 2 - 3 lần – bao gồm, mệt mỏi thường xuyên và đau đầu. Neil Greenberg, giáo sư Khoa Tâm thần ở KCL, nhận định: “Tất cả những triệu chứng cơ thể đều không thể giải thích được về mặt y khoa. Các triệu chứng rất rõ ràng song cũng giống như là hội chứng co thắt ruột kết, tất cả đều không có vấn đề cơ thể rõ ràng gây ra chúng”.

Giáo sư Neil Greenberg.
Giáo sư Neil Greenberg.

Theo một giả thuyết, cựu binh Vùng Vịnh có lẽ bị phơi nhiễm uranium giảm xạ chứa trong những viên đạn pháo xe tăng. Tuy nhiên, những binh sĩ không tiếp xúc với chất này về sau cũng bị các vấn đề rối loạn sức khỏe. Thuốc trừ sâu cũng được cho là một nguyên nhân có lẽ tác động đến hệ thần kinh. Nhưng những cuộc nghiên cứu chi tiết vẫn không tìm thấy bằng chứng về sự tổn hại để có thể giải thích điều đó.

Giáo sư Neil Greenberg tin rằng yếu tố căng thẳng thần kinh đóng vai trò quan trọng: “Khi bị stress, chúng ta có xu hướng biến căng thẳng tâm lý thành các triệu chứng thể xác. Chắc chắn, chiến trường là nơi gây stress nghiêm trọng”. Giáo sư Greenberg cũng chỉ ra khoảng cách thời gian 5 năm kể từ khi những cựu binh Vùng Vịnh than phiền về sức khỏe lần đầu tiên và lúc những cuộc nghiên cứu đầu tiên được tiến hành. Chính khoảng cách thời gian này gây nên sự sợ hãi và bất an cho cựu binh.

Greenberg lập luận: “Các cựu binh cảm thấy có vấn đề về sức khỏe ngay vào lúc chẳng có cuộc nghiên cứu nghiêm túc nào được tiến hành nhằm chứng minh mối liên quan giữa căng thẳng thần kinh và tình trạng bệnh tật cơ thể. Đồng thời, họ cũng không thấy chính quyền có động thái cung cấp dữ liệu đáng tin cậy để trấn an với họ và để chứng tỏ các triệu chứng của họ không hề liên quan đến chất độc phát tán trong chiến tranh. Do đó, khi chính quyền tuyên bố ‘không có hội chứng” thì các cựu binh không tin tưởng”.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyên gia đều tin rằng căn nguyên của GWS là trạng thái tâm lý. Vào cuối thập niên 90, Quốc hội Mỹ cho thành lập Ủy ban Cố vấn Nghiên cứu (RAC) bởi vì tổ chức lập pháp này cho rằng Bộ Quốc phòng tập trung quá nhiều vào các nguyên nhân tâm lý. Thêm vào đó, RAC cũng đã nhiều lần buộc tội Bộ Cựu binh Mỹ không nghiêm túc về GWS.

Năm 2008, RAC công bố báo cáo ghi nhận GWS là dạng rối loạn riêng biệt liên quan đến sự phơi nhiễm hóa chất. Trong khi đó, Viện Y khoa Mỹ phản bác rằng không có bằng chứng con người đầy đủ cho xác nhận như thế. Mặc dù vậy, Giám đốc khoa học RAC Roberta White vẫn giữ vững lập trường của mình.

Binh sĩ Anh được tiêm vaccine khi tham gia cuộc chiến Vùng Vịnh.
Binh sĩ Anh được tiêm vaccine khi tham gia cuộc chiến Vùng Vịnh.

Số binh sĩ tại khu vực Vùng Vịnh trong suốt cuộc chiến tranh lên đến 700.000 người. Năm 2003, Tổ chức Sinh học Phân tử châu Âu (EMBO), trụ sở tại thành phố Heidelberg (Đức), báo cáo “gần một nửa” số người này có nhu cầu điều trị nhiều triệu chứng mà “nhiều người nghi ngờ có liên quan đến sự phơi nhiễm uranium giảm xạ, thuốc trừ sâu, vaccine, hạt phóng xạ và khí độc từ các giếng dầu bị đốt cháy, vũ khí sinh – hóa học cũng như loại thuốc chống khí độc pyridostigmine bromide (PB)”.

Cũng theo EMBO, hiện nay có khoảng 29% số binh sĩ tham chiến tại Vùng Vịnh được coi là mất khả năng lao động. 23% số binh sĩ tàn tật được nhận trợ cấp, song còn hàng chục ngàn người “vẫn còn khổ sở vì bệnh tật, nhưng không được đưa vào danh sách trợ cấp do thiếu chẩn đoán rõ ràng”.

RBL chỉ trích Bộ Quốc phòng Anh không tiếp tục tài trợ cho cuộc nghiên cứu GWS thực hiện tại Đại học Cardiff. Cụ thể là, giai đoạn nghiên cứu đầu tiên bắt đầu hồi tháng 1-2009 nhưng “vì lý do mà chúng tôi không biết rõ, Bộ Quốc phòng Anh quyết định không tài trợ cho cuộc nghiên cứu ở giai đoạn 2 do đó kết quả của cuộc nghiên cứu đầu tiên không bao giờ được công bố”.

Theo An An (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm