1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bệnh nhân Ấn Độ chật vật với hóa đơn y tế hậu điều trị Covid-19

Thanh Thành

(Dân trí) - Cuộc sống tại Ấn Độ dần trở lại bình thường khi các ca mắc Covid-19 đã giảm, nhưng nhiều người dân nước này đang vật lộn với đống hóa đơn y tế hậu điều trị Covid-19.

Bệnh nhân Ấn Độ chật vật với hóa đơn y tế hậu điều trị Covid-19 - 1

Ông Anil Sharma bật khóc sau khi đến thăm con trai đang điều trị Covid-19 tại một bệnh viện tư nhân ở New Delhi, Ấn Độ hôm 1/7 (Ảnh: AP).

Khi các ca nhiễm Covid-19 hoành hành ở Ấn Độ hồi tháng 4 và tháng 5, ông Anil Sharma đến chăm con trai Saurav, 24 tuổi, tại một bệnh viện tư nhân ở tây bắc New Delhi mỗi ngày trong hơn 2 tháng.

Saurav hiện đã xuất viện về nhà dù vẫn còn yếu nhưng vẫn đang hồi phục. Tuy nhiên, niềm vui của gia đình đang bị đè nặng bởi mối lo khoản nợ điều trị y tế khổng lồ.

Cuộc sống tạm thời trở lại bình thường ở Ấn Độ khi các ca nhiễm mới đã giảm. Nhưng hàng triệu người đang chìm trong cơn ác mộng với đống hóa đơn y tế khổng lồ. Hầu hết người dân Ấn Độ không có bảo hiểm y tế và chi phí điều trị Covid-19 đẩy họ ngập trong nợ nần.

Ông Sharma đã không còn đủ tiền để trả chi phí xe cứu thương, xét nghiệm, thuốc men và giường điều trị chăm sóc đặc biệt (ICU) và phải đi vay ngân hàng. Khi chi phí ngày càng tăng, ông vay mượn bạn bè và người thân rồi sau đó đến nỗi phải cầu xin sự giúp đỡ trên mạng trực tuyến Ketto, một trang web gây quỹ cộng đồng của Ấn Độ.

Ông phải thanh toán hóa đơn y tế tương đương hơn 50.000 USD. Ông nhận được 28.000 USD ủng hộ và phải đi vay ngân hàng 26.000 USD, một món nợ khổng lồ mà ông chưa bao giờ phải đối mặt trước đây.

Ở thành phố Imphal phía đông bắc, cách New Delhi khoảng 2.400km, cô Diana Khumanthem cũng chịu cảnh tương tự sau khi hứng chịu nỗi đau mất mẹ và chị gái do Covid-19. Chi phí điều trị đã tiêu tốn sạch nguồn tiền tiết kiệm của gia đình, và khi bệnh viện tư nhân, nơi chị gái cô được điều trị và qua đời, thông báo sẽ không cho chuyển thi thể chị gái đi mai táng do chưa thanh toán chi phí y tế khoảng 5.000 USD, cô đã phải cầm cố đồ trang sức để vay tiền.

Nhưng số đó vẫn chưa đủ. Cô gái sau đó nhờ bạn bè, người thân và đồng nghiệp của chị gái giúp đỡ. Và hiện cô vẫn còn nợ 1.000 USD trong khi mất việc.

Ngân sách cho chăm sóc y tế ở Ấn Độ còn thấp, chỉ 1,6% GDP. Vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 5, các bệnh viện ở khắp nơi đều quá tải nhưng các cơ sở công lại vắng hơn vì thiếu nguồn lực. Kết quả là nhiều người đổ xô đến các bệnh viện tư nhân.

Năm 2018, Thủ tướng Narendra Modi đã triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới mang tên Modicare, với mục tiêu cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho 500 triệu người dân.

Nhưng Modicare không bao gồm chi phí chăm sóc y tế chính và chi phí ngoại trú. Vì vậy, chương trình này vẫn không thể giúp "cải thiện hiệu quả tiếp cận chăm sóc và bảo vệ rủi ro tài chính", một bài báo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke (Mỹ) cho biết.

Đại dịch đã tàn phá nền kinh tế của Ấn Độ, gây thảm họa tài chính cho hàng triệu người dân do hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn và yếu ớt của nước này. Các chuyên gia cho rằng, những chi phí như vậy chắc chắn sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế của quốc gia Nam Á này.

"Những gì chúng ta có là một hệ thống bảo hiểm y tế chưa hoàn thiện và hệ thống y tế công kém. Đại dịch đã cho thấy hai điều này thật khó khăn và không bền vững như thế nào", nhà kinh tế đã nghiên cứu chính sách công ở Ấn Độ, Vivek Dehejia, nói.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, dịch vụ chăm sóc y tế ở Ấn Độ đã gặp nhiều vấn đề, trong đó người Ấn Độ phải tự trả khoảng 63% chi phí y tế.

Khó có dữ liệu thống kê chi tiết về chi phí y tế cá nhân trên toàn cầu do đại dịch gây ra, nhưng ở Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, việc điều trị Covid-19 là một gánh nặng lớn, nhất là vào thời điểm mà hàng trăm triệu người mất việc làm.

Tại Ấn Độ, nhiều người đã có thể trở lại với công việc khi các thành phố mở cửa sau đợt đóng cửa nghiêm ngặt vào tháng 3/2020, nhưng các nhà kinh tế vẫn lo ngại khi có khoảng 12 triệu người làm công ăn lương vẫn mất việc. Ông Sharma, một chuyên gia tiếp thị, cũng là một trong số đó.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố vào tháng 3, đại dịch đã đẩy 32 triệu người Ấn Độ ra khỏi tầng lớp trung lưu, được định nghĩa là những người kiếm được từ 10- 20 USD/ngày. Cuộc khủng hoảng này cũng đã làm tăng số người nghèo của Ấn Độ, những người có thu nhập dưới 2 USD/ngày, lên 75 triệu người.