Belarus tiết lộ về lực lượng quân sự chung với Nga
(Dân trí) - Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tiết lộ về lực quân sự liên hợp giữa nước này và đồng minh Nga nhằm chống lại mối đe dọa từ phương Tây và NATO.
Theo RT, Tổng thống Belarus Lukashenko ngày 14/10 cho hay, nước này đã bắt đầu triển khai lực lượng quân sự chung với Nga trên lãnh thổ Belarus.
Nhà lãnh đạo Belarus cho biết, căng thẳng đang leo thang ở khu vực biên giới nước này, dẫn tới việc chính phủ Minsk quyết định ban bố cảnh báo khủng bố trên toàn quốc.
"Chúng tôi đã khởi động các thủ tục liên quan đến việc triển khai nhóm lực lượng quân sự hiệp đồng", ông Lukashenko nói, nhấn mạnh "nòng cốt" của lực lượng này là quân đội Belarus và có sự hỗ trợ từ Nga.
Ông Lukashenko không nêu chính xác địa điểm triển khai lực lượng, nhưng nhấn mạnh rằng Belarus sẽ điều động 70.000 quân nhân tham gia. Trong khi đó, ông ước chừng, Nga sẽ không gửi số lượng lớn binh sĩ tới Belarus vì Moscow đang trong xung đột quân sự với Ukraine.
Hồi đầu tuần, ông Lukashenko cho biết, lực lượng quân sự chung Nga - Belarus sẽ được đưa tới biên giới phía tây, viện dẫn mối đe dọa từ NATO.
Đầu tháng này, ông Lukashenko thừa nhận Belarus tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, ông khẳng định, sự tham gia của Minsk trong cuộc xung đột chỉ giới hạn ở mục đích tự vệ và Belarus không đưa quân sang lãnh thổ Ukraine. Ông cũng cam kết, quân đội của Minsk sẽ ngăn chặn các nỗ lực tấn công Nga qua lãnh thổ Belarus.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei tuyên bố rằng, lực lượng an ninh nước này đang trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng đáp trả mọi mối đe dọa từ các nước láng giềng.
Ông Makei cáo buộc, một số quốc gia giáp Belarus dường như đang lên kế hoạch thực hiện hành vi khiêu khích. Minsk từng cáo buộc Ukraine lên kế hoạch tấn công Belarus, điều mà Kiev mạnh mẽ bác bỏ.
Chủ tịch Ủy ban Biên giới Nhà nước của Belarus Anatoly Lappo tuyên bố, để ngăn chặn các cuộc xung đột tiềm tàng ở biên giới Ukraine - Belarus, Kiev cần rút quân và không để nước ngoài hiện diện quân sự và vũ trang ở khu vực này.
"Để giảm leo thang căng thẳng, Ukraine cần rút quân nhân khỏi biên giới và không để nước ngoài đưa quân và vũ khí tới đây. Càng ít quân nhân, ngoại trừ lính biên phòng, càng giảm nguy cơ dẫn tới xung đột ở biên giới", ông cho hay.
Ông Lappo cho biết, lực lượng biên phòng Belarus có thể trấn áp các hành động khiêu khích của các quốc gia láng giềng. "Tất nhiên, có sự căng thẳng từ phía Ba Lan và từ các nước Baltic, nhưng hướng Ukraine đáng được quan tâm đặc biệt", ông cho hay.