1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Belarus nêu lý do cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Belarus cho biết nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp đáp trả trước sức ép từ phương Tây.

Belarus nêu lý do cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ - 1

Một bệ phóng tên lửa Iskander-E của Nga được trưng bày tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế ở Moscow (Ảnh: Getty).

"Các biện pháp cưỡng ép đơn phương về chính trị và kinh tế đang được thực hiện cùng với việc xây dựng tiềm lực quân sự ngày càng tăng của các nước láng giềng NATO ở gần biên giới của chúng tôi. Trước những tình huống này, cũng như tất cả các lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia, Belarus buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả để tăng cường an ninh và quốc phòng", Bộ Ngoại giao Belarus cho biết hôm nay 28/3, khi trả lời câu hỏi về phản ứng của các nước đối với thông tin liên quan tới kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus.

Theo Bộ Ngoại giao Belarus, nước này coi những hành động của phương Tây là "sự can thiệp trực tiếp và trắng trợn vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền nhằm thay đổi cục diện địa chính trị hoặc thay đổi hệ thống chính trị của Belarus".

Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần qua tuyên bố, theo yêu cầu của Belarus, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, tương tự những gì Mỹ đã làm trên lãnh thổ của các nước đồng minh trong thời gian qua. Theo nhà lãnh đạo Nga, một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt sẽ được xây dựng tại Belarus trước ngày 1/7.

Tổng thống Nga cho biết người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus. Ông Putin đảm bảo rằng thỏa thuận với Belarus không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của hai nước về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Động thái của Nga ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, phản ứng của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus.

Bộ Ngoại giao Belarus khẳng định việc cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus không trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

"Hợp tác quân sự giữa Belarus và Nga tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế. Thông lệ này không phải là mới trong lĩnh vực hợp tác quân sự giữa một quốc gia phi hạt nhân và một cường quốc hạt nhân", Bộ Ngoại giao Belarus nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Belarus cũng cho rằng, luận điệu đối đầu và chạy đua vũ trang nên được thay thế bằng đối thoại nhằm củng cố cấu trúc an ninh toàn cầu.

"Phía Belarus tin tưởng rằng để thay thế luận điệu đối đầu và cuộc chạy đua vũ trang leo thang, cần hình thành một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, nhằm tăng cường cấu trúc an ninh toàn cầu và khu vực, các cơ chế giải trừ quân bị đa phương, không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí, bao gồm trong lĩnh vực hạt nhân. Chúng tôi đã hối thúc và tiếp tục hối thúc tất cả các đối tác của chúng tôi làm điều này", Bộ Ngoại giao Belarus nêu rõ.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật hay còn được gọi là vũ khí phi chiến lược. Đây là loại vũ khí sử dụng đầu đạn hạt nhân nhỏ cùng các hệ thống nhắm mục tiêu để phục vụ một cuộc tấn công hạn chế. Chúng được thiết kế để phá hủy các mục tiêu đối phương trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất có thể có đương lượng nổ 1 kiloton hoặc ít hơn. Một kiloton tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Loại lớn nhất có thể lên đến 100 kiloton. Trong khi đó, vũ khí hạt nhân chiến lược có sức hủy diệt lớn hơn (lên đến 1.000 kiloton) và được phóng từ tầm xa hơn.

Vũ khí chiến thuật có thể được gắn lên tên lửa, bom thả từ trên không hoặc thậm chí đạn pháo tầm ngắn.

Nhiều quốc gia hạt nhân trên thế giới sở hữu loại vũ khí này. Ví dụ, một báo cáo hồi tháng 3 của Mỹ cho biết, nước này sở hữu khoảng 230 vũ khí hạt nhân phi chiến lược, trong đó có 100 quả bom B61.

Theo Tass