"Bê bối bạn thân" của Tổng thống Hàn Quốc có tác động ra sao?
Tạp chí The Diplomat vừa có bài phân tích về vụ (bê bối) chính trị chưa từng có đang bao trùm Hàn Quốc, khiến cho uy tín của Tổng thống Park Geun-hye xuống thấp chưa từng thấy.
Vụ bê bối này bắt đầu bằng cáo buộc cho rằng các quan chức cấp cao Nhà Xanh đã áp đặt ảnh hưởng lên Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc để buộc họ ủng hộ hàng triệu USD cho 2 quỹ phi lợi nhuận do bà Choi Soon-sil - bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye, thiết lập.
Sau buổi điều trần trước Quốc hội về vấn đề này, các hãng truyền thông phát hiện ra rằng Tổng thống Park được cho là đã phụ thuộc vào bà Choi - con gái của một thủ lĩnh tôn giáo và không hề giữ chức vụ chính thức nào trong chính phủ - trong mọi vấn đề quan trọng, từ soạn thảo các bài phát biểu đến bổ nhiệm các trợ lý của Tổng thống.
Các cáo buộc khác liên quan đến việc con gái bà Choi được nhận ưu đãi đặc biệt trong đợt tuyển sinh đại học như “đổ thêm dầu vào lửa.” Hơn 30.000 người biểu tình đã tập trung trước cửa Nhà Xanh cuối tuần trước và tỷ lệ tín nhiệm của bà Park đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 9,2%. Dữ liệu điều tra cho thấy đa số người dân Hàn Quốc muốn tiến hành điều tra độc lập về bà Choi và muốn Tổng thống từ chức.
Chưa rõ liệu bà Park có từ chức hay không, nhưng tình trạng tê liệt chính trị trong 1 năm rưỡi tới dường như là điều chắc chắn. Ngay cả khi bà Park không từ chức, bà sẽ cần vận dụng ảnh hưởng chính trị của mình để kiểm soát vụ việc này.
Tương lai chính trị đình trệ của bà Park đồng nghĩa rằng Hàn Quốc sẽ không thể thực hiện một số sáng kiến chiến lược trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, và điều này sẽ có tác động nghiêm trọng đến Hàn Quốc cũng như hợp tác ba bên với Nhật Bản và Mỹ.
Trước tiên, thỏa thuận của Hàn Quốc với Nhật Bản về vấn đề “phụ nữ giải khuây” có thể gặp rủi ro nếu việc thực thi được chuyển giao cho chính quyền kế nhiệm. Nói cách khác, Hàn Quốc có khả năng sẽ phủ nhận thỏa thuận “cuối cùng và không thể thay đổi được” này.
Thỏa thuận giải quyết vấn đề phụ nữ giải khuây vấp phải sự phản đối kịch liệt ở Hàn Quốc. Các lãnh đạo của các phe đối lập và các đối thủ của Tổng thống Park đã bác bỏ thỏa thuận này. Nếu thỏa thuận bị cản trở thực thi ở Hàn Quốc, nhiều khả năng nó sẽ trở thành vấn đề quyết định trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới ở nước này.
Không khó để có thể tưởng tượng ra việc các ứng cử viên tổng thống lợi dụng làn sóng dư luận phản đối thỏa thuận này để tiến hành chiến dịch nhằm hủy bỏ hoặc đàm phán lại thỏa thuận. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc vượt qua sự thù hằn lịch sử và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các vấn đề khác.
Tương tự, cuộc thảo luận giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự cũng nhận được rất ít sự ủng hộ ở Hàn Quốc sau vụ bê bối chưa có tiền lệ này. Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và thứ 5 của Triều Tiên trong năm nay, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tìm ra cơ sở hợp lý để thúc đẩy việc trao đổi thông tin tình báo quân sự giữa hai bên.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng của hợp tác này là khả năng của Tổng thống trong việc xoa dịu làn sóng phản đối của dư luận Hàn Quốc trước cuộc xâm lược của Nhật Bản thời thực dân và thuyết phục người dân về sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh.
Trong bối cảnh chính trị hiện nay, bà Park không có ảnh hưởng chính trị để thúc đẩy chương trình nghị sự không được lòng dân này và việc làm vậy sẽ chỉ kích động làn sóng bất bình trong nước hơn nữa.
Một sáng kiến chiến lược khác đang đứng trước rủi ro - đó là quyết định của bà Park về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trong bối cảnh hiện tại, Hàn Quốc có khả năng sẽ trì hoãn và thậm chí hủy bỏ việc triển khai các khẩu đội của THAAD.
Trung Quốc hiện coi bê bối chính trị của bà Park như một cơ hội chiến lược để đảo ngược quyết định của Hàn Quốc. Trong khi đưa tin về bê bối này, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài viết nhấn mạnh rằng quan điểm của bà Park về THAAD không được đảm bảo để có thể đưa đến kết quả triển khai hệ thống này.
Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ hiện cũng đặc biệt quan trọng trong việc đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày một tăng lên từ Triều Tiên. Bà Park đã tiến hành các biện pháp khó khăn nhưng cần thiết này để củng cố hợp tác ba bên.
Tuy nhiên hiện nay, ban lãnh đạo Hàn Quốc đang chìm trong vụ bê bối chính trị vào thời điểm mà họ nên chỉ đạo việc tiến hành các sáng kiến chiến lược này và đối phó với mối đe dọa hạt nhân cũng như quan hệ với các đồng minh, đối tác trong khu vực. Bê bối chính trị đó dường như đồng nghĩa với việc trì hoãn các sáng kiến này và cản trở sự hợp tác ba bên.
Các sáng kiến chiến lược quan trọng mà lẽ ra sẽ được triển khai trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống của bà Park đang đứng trước nguy cơ bị phá sản. Mặc dù vẫn còn phải chờ xem diễn biến vụ việc, nhưng bà Park khó có khả năng tiến hành các kế hoạch này như dự định.
Đến nay, tương lai của các thỏa thuận quan trọng trên trở nên lung lay hơn nữa, đẩy Hàn Quốc vào tình trạng tê liệt trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục tiến bộ trong chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình./.
Theo (Vietnam+)
http://www.vietnamplus.vn/be-boi-ban-than-cua-tong-thong-han-quoc-co-tac-dong-ra-sao/414494.vnp