1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút

Theo các cuộc thăm dò dư luận, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump, thậm chí ở các bang dao động.

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là tới ngày bỏ phiếu lựa chọn tổng thống Mỹ, sự kiện được cử tri Mỹ mong chờ 4 năm một lần. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến khó lường và Mỹ hiện vẫn là tâm dịch khi số người nhiễm bệnh cao nhất thế giới, "phủ bóng đen" lên triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump, việc ông Trump cuối tuần qua, bất ngờ thay đổi nhân sự cấp cao trong ê kíp vận động tranh cử, bổ nhiệm tân giám đốc ban vận động tái tranh cử tổng thống 2020, được đánh giá là bước điều chỉnh có thể dẫn tới những thay đổi nhằm thúc đẩy chiến dịch tranh cử.

Bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút - 1

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: ABC News

Trong khi đó, theo các cuộc thăm dò dư luận mới đây, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump, thậm chí ở các bang dao động hay các bang mà ông Trump đã từng giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Những thay đổi này khiến cuộc đua giành chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng đang ngày một gay cấn hơn.

Tác động của Covid-19 tới bầu cử tổng thống

Cuộc bầu cử Tổng thống là tâm điểm của nước Mỹ trong năm 2020 tuy nhiên, bóng đen của đại dịch Covid-19 đã làm lu mờ sự kiện này.

Trước khi đại dịch bùng phát ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump có rất nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua tìm kiếm nhiệm kỳ hai ở Nhà Trắng. Cụ thể, hai yếu tố từng giúp Tổng thống Trump thắng lợi trong cuộc bầu cử 2016 là việc làm và phát triển kinh tế đều có những tiến triển đáng kể khi kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm.

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng nhanh chóng đã khiến những thành quả từ đầu nhiệm kỳ của ông Trump trong hai lĩnh vực này đã hoàn toàn biến mất. Kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái và được dự đoán sẽ không thể sớm phục hồi trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng liên tục với hàng chục triệu người phải xin trợ cấp thất nghiệp.

Đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động tranh cử của hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump đều bị ảnh hưởng khi không thể được tổ chức trực tiếp do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm. Vận động tranh cử là một trong những hoạt động quan trọng để các ứng cử viên thuyết phục các cử tri bỏ phiếu cho mình, tuy nhiên, hoạt động này gần như đã không thể diễn ra. Thậm chí đại hội toàn quốc của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nhằm đưa ra đề cử ứng cử viên tổng thống chính thức của mỗi đảng cũng chưa chắc đã được thực hiện trực tiếp khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ.

Thêm một tác động nữa của đại dịch Covid-19 đối với cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ đó là cách thức ứng phó với đại dịch đã trở thành một trong những chủ đề mà cử tri quan tâm trong thời gian qua. Đây có thể được coi là một bất lợi đối với đương kim Tổng thống Donald Trump khi kết quả nhiều cuộc khảo sát cho rằng ông Trump không xử lý tốt cuộc khủng hoảng y tế này, tuy nhiên ứng cử viên Joe Biden cũng không thực sự chiếm được ưu thế trong vấn đề này khi bản thân ứng cử viên này cũng chưa đưa ra được những giải pháp hiệu quả và thuyết phục được các cử tri. 

Trump tìm cách “lật ngược thế cờ”

Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều cuộc khảo sát được tiến hành và kết quả đều cho thấy ứng cử viên Joe Biden đang dẫn trước khá xa ông Donald Trump, có cuộc khảo sát ghi nhận cách biệt lên tới 2 con số. Sau khi nhận kết quả thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ mình sụt giảm so với ứng cử viên đối thủ Joe Biden, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã rất tức giận và nhanh chóng thay người quản lý chiến dịch tranh cử của ông.

Tổng thống Donald Trump đã khiến đội ngũ điều hành chiến dịch tranh cử cho ông bất ngờ khi thay thế người quản lý chiến dịch Brad Parscale bằng một nhân vật kỳ cựu khác mang tên Bill Stepien, người từng là phó quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Quyết định đổi người quản lý của ông Trump diễn ra khi còn chưa đầy 4 tháng là tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Việc lấy lại hình ảnh thông qua truyền thông là một trong những cách để ông Trump lấy lại được sự ủng hộ của cử tri. Truyền thông, đặc biệt là qua mạng xã hội là một trong những con bài giúp ông Trump thắng cử năm 2016.

Không chỉ riêng vấn đề đại dịch Covid-19 mà các cuộc biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc cũng ít nhiều ảnh hưởng tới hình ảnh của ông Trump. Lẽ ra đã phải đóng vai người đoàn kết toàn dân, ông Trump lại thổi bùng ngọn lửa phản kháng vì ông thích hình ảnh một “tổng thống thời chiến”.

Trong lịch sử Mỹ, cử tri không bao giờ thay đổi tổng thống khi đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, ông Trump hiểu điều này, và hồi đầu tháng 5 từng khẳng định người Mỹ “phải tự coi là những chiến binh”, làm cho những người ủng hộ của ông rất hài lòng, đó là khối cử tri trung thành bao gồm người Mỹ da trắng và bảo thủ. 

Số người ủng hộ Donald Trump nhiệt thành, chiếm đến 43% cử tri, không hề suy giảm. Ngược với những Tổng thống tiền nhiệm, ông Donald Trump chưa bao giờ có tỉ lệ tín nhiệm cao hơn, nhưng cũng chưa xuống thấp hơn. Theo một số chuyên gia, số này vẫn sẽ bầu cho ông Trump dù từ đây cho đến tháng 11, số nạn nhân Covid-19 có vượt quá 200.000 người và kinh tế vẫn chưa vực dậy nổi.

Ông Trump là người xử lý khá tốt các cuộc xung đột, đặc biệt là thông qua truyền thông, giống như những gì ông đã từng làm trong năm 2016 và hiện tại là nhắm tới khối cử tri nòng cốt, những cử tri trung thành mà tỷ lệ ủng hộ không hề thay đổi kể cả trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kép Covid-19 và kinh tế mà nước Mỹ đang phải đối phó.

Sẽ có bất ngờ vào phút chót?

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã diễn ra hoàn toàn ngược lại so với hầu hết các dự đoán hay kết quả của các cuộc khảo sát khi ứng cử viên Donald Trump mới là người thắng cuộc chứ không phải bà Hillary Clinton, người được cả truyền thông lẫn giới phân tích cho rằng sẽ thắng cử.

Cuộc bầu cử năm nay cũng đang diễn ra với một số điểm tương tự năm 2016 đó là ứng cử viên Joe Biden hiện là người có vẻ như đang nắm ưu thế khi liên tiếp dẫn điểm trong một loạt các cuộc khảo sát trên toàn quốc và khoảng cách hiện nay giữa ông Biden và ông Trump thậm chí còn là 2 con số.

Không chỉ có các cuộc khảo sát mà những gì báo chí Mỹ thông tin hiện nay cũng đều bất lợi cho Tổng thống Trump. Mối quan hệ giữa truyền thông Mỹ và ông Trump không hề tốt đẹp khi ông Trump luôn chỉ trích báo chí thiên vị phe Dân chủ và chỉ chăm chăm công kích ông, giống hệt những gì đã diễn ra năm 2016. Nhưng thực tế chứng minh ông Trump xử lý rất tốt khủng hoảng thông qua truyền thông nên chắc chắn sẽ có những quân bài riêng của mình để lấy lại hình ảnh đồng thời làm giảm uy tín của đối thủ.

Cũng giống như việc lấy scandal sử dụng email cá nhân trong công việc của bà Hillary Clinton để làm suy yếu đối thủ, ông Trump chắc chắn sẽ sử dụng những gì liên quan tới cựu Tổng thống Joe Biden trong quá khứ để làm suy yếu mức ủng hộ của cử tri đối với ông này. Bản thân ông Joe Biden cũng có một số bất lợi khi tranh cử khi có độ tuổi đã khá cao và cũng bị chỉ trích đã dùng quan hệ để tạo điều kiện cho con trai mình làm ăn với các đối tác ở Trung Quốc và Nga, vấn đề có thể được ông Trump tận dụng để xoay chuyển tình thế.

Mặc dù đang gặp những bất lợi nhất định nhưng đúng là sau cuộc bầu cử 2016 thì mọi điều hoàn toàn có thể xảy ra, ông Trump vẫn có thể lật ngược thế cờ một cách ngoạn mục. Tuy nhiên mọi dự báo lúc này cũng chỉ mang tính tham khảo và mọi bất ngờ vẫn có thể ở phía trước và các ứng cử viên sẽ chơi bài ngửa với những quân bài quyết định sát ngày tổng tuyển cử.

Theo Phạm Huân

VOV-Washington