1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bầu cử Thái Lan có tác động gì đối với khu vực?

(Dân trí) - Cuộc bầu cử Quốc hội hôm 3/7 ở Thái Lan với chiến thắng vang dội của phe đối lập không chỉ có ý nghĩa lớn với đất nước Chùa Vàng này, mà còn tác động không nhỏ đến nhiều khía cạnh cũng như mối quan hệ trong và ngoài khu vực.

 
Bầu cử Thái Lan có tác động gì đối với khu vực? - 1

Bà Yingluck Shinawatra - Thủ tướng đắc cử của Thái Lan.

Với Thái Lan

Chiến thắng của đảng Puea Thai đã tạo ra được một số phản ứng thuận lợi, và đặc biệt, trái với những dự báo trước bầu cử, triển vọng lập chính phủ mới tại nước này dường như đang tỏ ra sáng sủa hơn - đồng nghĩa với một thời kỳ chính trị-xã hội ổn định hơn sau nhiều năm xáo trộn.

Mặc dù mới tham gia chính trường chưa tới một tháng rưỡi và được coi là “bản sao” của người anh trai - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhưng bà Yingluck Shinawatra, 44 tuổi, chủ tịch Puea Thai đã mang đến một luồng gió khác trong giới chính trị mà nam giới chiếm địa vị chi phối tại Thái Lan.

Tất nhiên, dù nổi lên là một “hiện tượng”, bà Yingluck cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn phía trước, trong khi còn phải tỏ rõ bản lĩnh chính trị trước thực tế rằng kinh nghiệm của bà còn “chưa tới”. Giới phân tích kỳ vọng gương mặt nữ này có thể sử dụng các biện pháp mềm mỏng để giải quyết những vấn đề phức tạp của đất nước, nhưng chính trường Thái Lan không hoàn toàn đơn giản và vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường trước như vấn đề liệu ông Thaksin có trở về nước hay không (động thái có thể dẫn đến phân cực về chính trị).

Do vậy, việc nước này có bước vào thời kỳ ổn dịnh hay không phụ thuộc nhiều vào việc bà Yingluck sẽ sử dụng quyền lực như thế nào. Hay nói cách khác, thách thức lớn nhất với bà Yingluck là làm thế nào để chính bà trở thành một thủ tướng thực sự.

Kinh tế khu vực

Còn nhớ, cuộc khủng khoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 bắt đầu bằng sự sụp đổ của đồng Bath Thái, đánh dấu bước ngoặt quan trọng khắp Đông Nam Á. Thái Lan buộc phải cải cách cơ cấu toàn diện, dẫn đến sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, xóa bỏ các khu vực kinh doanh lớn, và đẩy nhiều triệu người vào tình trạng nghèo đói.

Ông Thaksin lên nắm quyền vào thời điểm này, chính sách dân túy của ông nhằm vào tầng lớp nghèo thu được kết quả bất ngờ, đất nước bước vào thời kỳ tăng trưởng bền vững suốt 5 năm liền (2000-2005).

Lên nắm quyền vào thời điểm kinh tế Thái Lan cũng gặp nhiều khó khăn, em gái út của ông Thaksin có thể tiếp tục chính sách dân túy của Thaksin. Tuy nhiên, hoài nghi cũng không phải là ít: các nhà kinh tế cho rằng Chính phủ mới sẽ thực hiện chính sách dân tuý nhằm giành sự ủng hộ của nông dân bằng tăng chi phí cho khu vực nông thôn qua việc tăng mức lương tối thiểu, tăng chi phí cho xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, và điều đó sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát ở nước này.

Theo số liệu mới nhất, lạm phát của Thái Lan đã lên tới 4,2% trong tháng 5 năm nay - mức cao nhất trong vòng 32 tháng qua. “Trên khắp đất nước Thái Lan, những áp phích vận động tranh cử mang đầy tính hứa hẹn với cử tri như cấp không máy tính để bàn, tăng lương, tàu cao tốc, giảm thuế... Tất cả đều báo trước một sự bùng nổ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư, nhưng cũng có thể gây ra một loạt vấn đề, từ nợ nhiều hơn tới việc trì hoãn cải cách kinh tế và chi phí kinh doanh cao hơn tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này”, một nhà phân tích Thái Lan nói.

Xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia

Đảng Puea Thai, được thành lập năm 2008 như là hiện thân mới của đảng quyền lực nhân dân của ông Thaksin, vốn có các mối quan hệ nồng ấm với Campuchia. “Một chiến thắng của Puea Thai và với thủ tướng mới là em gái Thaksin - bà Yingluck Shianawatra, có thể cải thiện được các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa Campuchia và Thái Lan”, báo Thái Lan dẫn lời ông Jiranan Wongmongkol, giám đốc thương mại tại Đại sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh, nói.

Về phía Phnom Penh, Campuchia hoan nghênh chiến thắng của đảng Puae Thái và tuyên bố hy vọng tân chính phủ Thái Lan sẽ giải quyết tranh chấp biên giới bằng giải pháp “hòa bình”. Các học giả Campuchia cũng dự đoán chính phủ sắp tới của Thái Lan do đảng Puea Thái thành lập “có thể sẽ tiến hành các cuộc hòa đàm giữa Campuchia và Thái Lan nhằm giải quyết cuộc xung đột biên giới đang sục sôi giữa hai nước và chắc chắn sẽ đặt dấu chấm hết cho các cuộc xung đột vũ trang”.

Thái Lan tuyên bố chủ quyền đối với 4,6 km2 đất gần đền Preah Vihear. Kể từ đó, cả hai bên đã triển khai lực lượng quân sự dọc biên giới và các vụ đụng độ vẫn thường xuyên xảy ra, dẫn đến thương vong cho binh lính và dân thường của cả hai nước.

Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai nước vẫn là một con đường dài. Chính phủ sắp thành lập của bà Yingluck Shinawatra sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề mà chính phủ của ông Abhisit Vejjajiva để lại như việc Thái Lan rút khỏi Công ước về Di sản thế giới và vụ kiện pháp lý tại Tòa án Công lý Quốc tế liên quan tới việc làm sáng tỏ phán quyết năm 1992 về việc trao đền Preah Vihear cho Campuchia.

 Với ASEAN

Việc Thái Lan ổn định trở lại sẽ là tốt cho nước này cũng như cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - báo chí khu vực nhận định.

Có thể hiểu được vai trò của Thái Lan này nếu nhìn lại lịch sử ra đời của ASEAN, cũng như các mối liên quan của Thái Lan với ASEAN và các mục tiêu chung mà ASEAN đang hướng tới. Trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, vai trò của Thái Lan cũng như sự ổn định về chính trị-xã hội của nước này sẽ là rất quan trọng.

Dư luận Indonesia, nước đang là chủ tịch luân phiên của ASEAN, chờ đợi rất nhiều từ Thái Lan trong việc đảm bảo tạo ra một ASEAN dân chủ. “Đông Nam Á sẽ được lợi lớn từ sự trở lại như một nền dân chủ thực sự và ổn định của Thái Lan”, tờ Jakarta viết.

“Thách thức lớn nhất của bà Yingluck nói riêng và Thái Lan nói chung hiện nay là làm thế nào để chuyển đổi kết quả của cuộc bầu cử vào một khởi đầu mới cho sự phục hồi nền dân chủ và ổn định tại Thái Lan. Trước hết, chính phủ mới sẽ cố gắng đạt được chương trình nghị sự hòa giải của nó như thế nào sẽ là một yếu tố quan trọng, trong đó có vấn đề số phận của ông Thaksin”.

“Chính phủ Indonesia tin rằng Thái Lan sẽ đóng góp đáng kể cho sự ổn định và hòa bình của khu vực, trong nỗ lực chung xây dựng cộng đồng ASEAN”, báo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia nói, trong khi giới phân tích nước này cho rằng hiện là thời điểm để Jakarta yêu cầu Thái Lan - Campuchia nối lại thương lượng về tranh chấp lãnh thổ.

Chiến lược của Mỹ vào châu Á

Dưới Chính quyền Obama, Mỹ can thiệp mạnh mẽ ở châu Á bằng cách tăng cường các mối quan hệ quân sự khắp khu vực. Phát biểu trước Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ngày 31/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell tuyên bố ông muốn chứng kiến "sự can dự mạnh mẽ hơn" của Mỹ tại Thái Lan, sau khi lưu ý Washington vẫn có sức mạnh quan trọng tại Đông Nam Á.

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ là một đồng minh hữu ích của Thái Lan. Còn cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng gọi Thái Lan là một "đồng minh quan trọng" và cho phép Thái Lan nhận các khoản viện trợ quân sự lớn hơn của Mỹ. Trong khi đó, báo cáo về quan hệ Mỹ-Thái Lan được Ủy ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ công bố hồi tháng 2 tiếp tục lưu ý tầm quan trọng chiến lược của Thái Lan và yêu cầu Chính quyền Obama chú ý hơn nữa đến nước này.

“Một trong những động cơ chủ yếu để duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với Bangkok là cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Đông Nam Á”, ông Campbell tuyên bố tại Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và chiến lược hồi tháng trước. Đây là dấu hiệu nữa cho thấy ý định của Washington trong mối quan hệ với Thái Lan.

Hơn nữa, quan hệ Mỹ-Thái Lan trong thời kỳ Thaksin được coi là đặc biệt nồng ấm. Trong bối cảnh mới và trước đó là tuyên bố “trở lại châu Á”, chắc chắn Mỹ muốn đưa mối quan hệ với Bangkok trở lại thời kỳ này.

Nguyễn Viết