1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Bầu cử Mỹ 2020: Chiến thuật 2016 khiến ông Trump khó hạ gục đối thủ Biden?

Minh Phương

(Dân trí) - Chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang vận dụng những chiến thuật đã giúp ông chinh phục cuộc đua vào Nhà Trắng cách đây 4 năm. Tuy nhiên, giờ đây, chúng có thể không còn hiệu quả.

Bầu cử Mỹ 2020: Chiến thuật 2016 khiến ông Trump khó hạ gục đối thủ Biden? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)

Đứng trước đám đông ở bang Iowa, nơi ông từng giành chiến thắng áp đảo cách đây 4 năm, Tổng thống Donald Trump hôm 14/10 nói: “Các bạn có nghe thấy tin gì không. Bruce Ohr cuối cùng cũng đã bị bật khỏi Bộ Tư pháp". Bên dưới lác đác có những tiếng reo hò và ông Trump bắt đầu nói chi tiết về số phận của một quan chức mà gần như người ta đã lãng quên trong cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ - cuộc điều tra từng tốn rất nhiều giấy mực của truyền thông Mỹ.

Ông Trump cố khuếch đại những câu chuyện mà dường như không còn nhiều người quan tâm bởi mối bận tâm lớn nhất của người Mỹ lúc này là đại dịch, cách chính quyền ứng phó đại dịch. Ông dường như cũng không có ý định thay đổi những chiến thuật cũ.

"Có lẽ không có lý do gì để ông ấy thay đổi khi xung quanh ông ấy là những người luôn ca ngợi ông ấy đang làm rất tốt, ông ấy luôn đứng trước những đám đông ngưỡng mộ và reo hò ủng hộ ông", Brendan Buck, cựu cố vấn cấp cao của cựu chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và John Boehner, bình luận.

Những chiêu bài cũ

Bầu cử Mỹ 2020: Chiến thuật 2016 khiến ông Trump khó hạ gục đối thủ Biden? - 2
Chiến dịch tái tranh cử của ông Trump đối mặt nhiều thách thức. (Ảnh minh họa: AFP)

Chiến dịch của ông Trump được cho là đang cố lấy lại năng lượng của chiến dịch cách đây 4 năm, nhưng nhiều yếu tố đã thay đổi khiến con đường chinh phục Nhà Trắng của ông nhiều trắc trở hơn.

Trong một cuộc vận động tranh cử tại North Carolina tháng trước, ông Trump cáo buộc: “Biden liên tục dâng tặng việc làm của các bạn cho Trung Quốc và các nước khác”. Đó cũng là cách mà ông dùng để công kích ứng viên Clinton cách đây 4 năm: “Nhà Clinton đã trao sự thịnh vượng của nước Mỹ cho Trung Quốc và nhiều nước khác”.

Ông Trump tìm cách công kích đối thủ như cách ông đã làm với ứng viên Dân chủ Hillary Clinton năm 2016, nhưng dường như không hiệu quả với ứng viên Joe Biden.

Đội ngũ của ông Trump tin rằng công kích vào hoạt động chính trường gần 50 năm qua của ông Biden và những cáo buộc tham nhũng nhằm vào nhà Biden có thể sẽ có tác dụng. Quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Tim Murtaugh, nói: “Thông điệp của Tổng thống rất rõ: Những điều ông ấy làm cho nước Mỹ trong 47 tháng qua nhiều hơn ông Joe Biden làm trong 47 năm. Đó là lựa chọn giữa một nhân vật ngoại đạo đã giúp xốc lại Washington với một chính trị gia thất bại”.

Mặc dù vậy, một số đồng minh và trợ lý của ông Trump cho rằng, nếu chỉ dùng lại những "chiêu” cũ, ông Trump khó đánh bại đối thủ Biden.

Ông Trump hối thúc Bộ Tư pháp rà soát lại các cuộc điều tra về Nga, điều tra các thành viên trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói rằng, cuộc rà soát nhằm gây bất lợi cho đảng Dân chủ này khó hoàn tất trước bầu cử như mong muốn của ông Trump.

Những ngày gần đây, chiến dịch của ông Trump cũng tìm cách "vũ khí hóa" các email “bom tấn” về nhà Biden do New York Post đăng tải. Tuy vậy, những cáo buộc nhằm vào nhà Biden đã vấp phải sự hoài nghi phần lớn là bởi những thắc mắc xung quanh tính xác thực của những email này. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã vào cuộc để điều tra liệu những email đó có liên quan đến một chiến dịch của thế lực nước ngoài nhằm lan truyền thông tin nhiễu loạn trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ hay không.

Tất cả những nỗ lực của ông Trump không thể mang lại tác động như cáo buộc mà đội ngũ của ông đưa ra với ứng viên Clinton cách đây 4 năm rằng bà dùng email cá nhân cho mục đích công vụ và lợi dụng tầm ảnh hưởng chính trị để làm giàu cho gia đình. Những email “bom tấn” nhằm vào nhà Biden không thu hút sự chú ý như việc tài liệu của đội ngũ tranh cử của bà Clinton bị WikiLeaks xâm nhập và công bố.

Fox News và một số hãng tin bảo thủ khác góp phần khuếch đại những công kích của ông Trump nhằm vào phe Dân chủ và đưa ra những thông tin cáo buộc nhằm vào chính quyền cựu Tổng thống Obama cũng như gia đình Biden. Một số nghị sĩ Cộng hòa cho rằng, điều đó chỉ khiến ông Trump lầm tưởng ông đang làm hiệu quả hơn thực tế.

“Ông ấy chìm trong bong bóng của Fox News”, Bill Kristol, cựu chánh văn phòng của Phó tổng thống Dan Quayle, nhận định. Một số trợ lý lo ngại, “bong bóng” đó có thể ảnh hưởng đến thông điệp mà ông Trump cần truyền tải.

Năm 2016, chiến dịch của ông Trump hướng trọng tâm vào các vấn đề quan trọng như nhập cư, thương mại, tham nhũng, chỉnh đốn bộ máy, lắng nghe những tâm tư của người ủng hộ. Nhưng năm nay, ông ấy lại đề nghị họ chia sẻ những vấn đề của chính ông. “Đây là sai lầm chết người của ông Trump. Ông ấy cần nói những gì cử tri quan tâm”, Tobe Berkovitz, giáo sư tại Đại học Boston, nhận định.