1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bầu cử giữa kỳ tại Mỹ: Thước đo uy tín của Tổng thống Obama

(Dân trí) - Hôm nay 4/11, khoảng 200 triệu cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu quốc hội giữa nhiệm kỳ được tổ chức 2 năm/lần. Đây là phép thử quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Obama khi đảng Dân chủ cầm quyền đang đối mặt với nguy cơ mất nốt quyền kiểm soát còn lại ở quốc hội.

Tổng thống Obama trong buổi bỏ phiếu sớm ở thành phố Chicago, bang Illinois hôm 20/10.

Tổng thống Obama trong buổi bỏ phiếu sớm ở thành phố Chicago, bang Illinois hôm 20/10.

Trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ lần này, cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 36 trên tổng số 100 ghế tại Thượng viện, 36 trên 50 ghế thống đốc bang cùng các dân biểu trong Hội đồng lập pháp địa phương.

Ngoài ra, các đại biểu còn tái bầu chọn thị trưởng của hàng trăm thành phố , trong khi có 40 bang tiến hành hơn 140 cuộc trưng cầu về những “vấn đề cấp thiết nhất”: từ tự do sử dụng cần sa, áp thuế các loại nước giải khát có gas đến siết chặt kiểm soát sở hữu súng đạn…

Theo hầu hết các kết quả thăm dò dư luận trước bầu cử, đảng Cộng hòa đối lập nhiều khả năng vẫn giữ được quyền kiểm soát tại Hạ viện, nơi đảng này đang có 233 ghế so với 199 ghế của đảng Dân chủ cầm quyền. Do đó, mọi ánh mắt hiện nay đang đổ dồn về cuộc bầu cử tại Thượng viện, nơi đảng Dân chủ đang nắm 53 ghế, Cộng hòa nắm 45 ghế và 2 ghế còn lại thuộc về các nghị sĩ độc lập.

Tuy nhiên, trong 36 ghế Thượng viện được bầu lại lần này có 21 ghế của đảng Dân chủ và 15 ghế của đảng Cộng hòa. Như vậy, đảng Cộng hòa chỉ cần giữ nguyên 15 ghế đang có và giành thêm được 6 ghế từ đảng Dân chủ thì sẽ đạt đủ 51 ghế để nắm quyền chi phối cả hai viện quốc hội trong nửa cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama.

Đây có lẽ không phải là nhiệm vụ quá khó khăn với đảng Cộng hòa khi các cuộc thăm dò của báo Washington Post, ABC News, Wall Street Journal, NBC News, viện Annenberg, viện Gallup và hai trang tin chính trị độc lập có uy tín tại Mỹ về dự báo kết quả bầu cử như FiveThirtyEight PoliticsReal Clear Politics đều có cùng chung nhận định đảng Cộng hòa sẽ giành được 52 ghế tại Thượng viện và Dân chủ bị rút xuống chỉ còn 46 ghế. Hai ghế độc lập vẫn giữ nguyên.

Cũng theo các kết quả thăm dò và phân tích, 10 bang sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đối với thành bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ lần này, gồm Iowa, Arkansas, Bắc Carolina, Kentucky, Kansas, Georgia, Alaska, Colorado, New Hamsphire và Louisiana. Nguyên do là vì đây sẽ là những bang có sự cạnh tranh quyết liệt khi khoảng cách giữa hai ứng cử viên của hai đảng là không lớn. Giới phân tích cũng không loại trừ khả năng cuộc phân chia quyền lực giữa “con Voi” (biểu tượng của đảng Cộng hòa) và “con Lừa” (biểu tượng của đảng Dân chủ) trong Thượng viện Mỹ sẽ phải kéo dài đến đầu năm 2015 do ít nhất có 2 bang phải tiến hành bầu cử vòng hai là Bắc Carolina (bầu lại ngày 6/12) và Georgia (bầu lại ngày 6/1/2015). Ở hai bang này, các ứng cử viên của hai đảng có tỷ lệ ủng hộ sát nút và đều khó đạt đủ số phiếu quá bán ngay tại vòng một.

Lịch sử các cuộc bầu cử quốc hội ở Mỹ cho thấy cử tri nước này thường không mấy mặn mà với những kỳ bầu cử không trùng với bầu cử Tổng thống. Trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2010, tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ đạt 45,5%. Tỷ lệ này trong cuộc bầu cử kép quốc hội và Tổng thống năm 2012 lên tới 61,8%. Vì thế, tỷ lệ cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong ngày 4/11 ở Mỹ được dự báo cũng sẽ không cao.

Thế nhưng, cuộc bầu cử này lại mang ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai chính đảng đang độc chiếm chính trường Mỹ. Với đảng Dân chủ và Tổng thống Obama, đây không chỉ là thước đo uy tín của người dân dành cho đảng cầm quyền mà còn là ván cờ quyết định phạm vi hoạt động của chính phủ trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống Obama sẽ kết thúc khó khăn hay không tùy thuộc rất nhiều vào lá phiếu của cử tri.

Chình vì vậy, khi vận động các cử tri bỏ phiếu cho mình, đảng Cộng hòa đã rất khôn ngoan khi xoáy vào các điểm yếu cả về đối nội và đối ngoại của chính quyền Obama.

Cụ thể trong vấn đề đối nội, đảng Cộng hòa gợi lại thực tế quốc hội hiện nay bị đánh giá là hoạt động yếm kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, chi tiêu ngân sách liên bang nhiều lần đâm thủng trần quy định, chính phủ có thời gian phải ngừng hoạt động do hết tiền, nhiều dự luật quan trọng về nhập cư, y tế, bảo hiểm và súng đạn chưa tìm được lối thoát.

Về đối ngoại, đảng Cộng hòa nhắc đến sự thất bại của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông, sự tiến triển ì ạch trong hồ sơ hạt nhân Iran, cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có hồi kết, cuộc chiến nửa vời chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở Trung Đông, sự chậm trễ trong cuộc chiến phòng chống dịch Ebola, mối quan hệ Nga-Mỹ rơi xuống đáy kể từ sau Chiến tranh Lạnh và những vấn đề nổi cộm ở Đông Á (gồm cả Đông Nam Á và Đông Bắc Á) do chiến lược xoay trục an ninh của Mỹ và sự nổi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc…

Để đánh đòn quyết định vào tâm lý cử tri, nhất là những người còn lưỡng lự chưa biết nghiêng về bên nào, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa chọn cách không đề cập sâu tới các chính sách của mình để tránh bị “vạch áo cho người xem lưng”, mà thay vào đó nhấn mạnh đến sự bất mãn của cử tri để thu hút thêm nhiều phiếu. Mục tiêu lớn nhất của đảng Cộng hòa là đẩy chính quyền Obama phải sống chung với lưỡng viện quốc hội do đảng này nắm giữ, để khiến cho hai năm còn lại ở Nhà Trắng của Tổng thống Obama chỉ là những chuỗi ngày vật lộn với những tham vọng còn dang dở hoặc rơi vào bế tắc.

Nhưng đó chỉ là tính toán của các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa. Với cử tri Mỹ, dù nhiều người không ủng hộ Tổng thống Obama (hiện là 41,5%, gần thấp nhất trong lịch sử các nhà lãnh đạo Mỹ), nhưng họ cũng không ưa gì cảnh đấu đá đảng phái dẫn tới bế tắc suốt hai năm qua. Chính sự chia rẽ này khiến phần lớn thời gian trong 6 năm qua, nước Mỹ chỉ được điều hành bởi sự kết hợp giữa các sắc lệnh và những thỏa hiệp miễn cưỡng. Cũng vì đấu đá chính trị nên kinh tế Mỹ không thể phục hồi nhanh hơn và người dân Mỹ không được hưởng một chương trình phúc lợi toàn diện hơn.   

Vì vậy, sau nhiều năm mệt mỏi với trò chơi của các nhà chính trị, giờ đây cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu cho tương lai của chính mình. Những lá phiếu của cử tri sẽ vừa là lời cảnh tỉnh cho vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, vừa truyền gửi thông điệp đến hai chính đảng chi phối chính trường, đồng thời thể hiện quan điểm đối với các chính sách đối nội và đối ngoại mà vốn xưa nay không thuộc phạm vi đánh giá trong các cuộc bầu cử quốc hội ở Mỹ.

Đức Vũ