Bất đồng AMM45 hay xung đột “tôi” và “chúng ta” trong ASEAN
Lần đầu tiên sau 45 năm hình thành và phát triển, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), diễn ra tại Phnompenh từ ngày 06 đến 13-7-2012, đã không ra được Thông cáo chung.
Sự phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mau chóng sau khủng hoảng tài chính 1997 đã thúc đẩy ASEAN mạnh dạn vượt khỏi cung cách “tiệm tiến” truyền thống. Năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua một chiến lược đầy tham vọng – thành lập Cộng đồng ASEAN (trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội). Tháng 11-2007, ASEAN thông qua Hiến chương ASEAN, một bước tiến dài trong việc phát triển phương cách ASEAN lên một tầm cao mới – thể chế hóa Hiệp hội.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc vẫn duy trì được tốc độ phát triển khá cao, trở thành một trong những điểm có sức hút rất cao đối với các nhà đầu tư, giúp ASEAN có được sự mạnh dạn hơn hẳn trong xử lý các vấn đề của Hiệp hội cũng như của khu vực.
Từ sau Hội nghị cấp cao lần thứ 16 tại Hà Nội năm 2010, tăng cường vai trò trong các cơ chế khu vực trở thành một định hướng quan trọng của ASEAN. Mục tiêu mới của ASEAN đúng là gặp “thiên thời, địa lợi”: cơn bão khủng hoảng kinh tế càn quét châu Âu và Bắc Mỹ khiến cả hai trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới đều chọn ASEAN là điểm đến. Tuy nhiên, trong khu vực không chỉ có ASEAN phát triển.
Trung Quốc, với đà thăng tiến khủng khiếp kể từ khi bước vào thiên niên kỷ mới, đã trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới và cũng giống như ASEAN, đất nước đông dân nhất hành tinh cũng đặt ra những tham vọng mới. Những va chạm trên Biển Đông trong thời gian qua giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN chỉ là một trong những minh chứng cho những thay đổi này.
Tất cả thành viên của ASEAN đều thấu hiểu rằng, sự bất ổn trong khu vực Biển Đông tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường đối với Hiệp hội. Ngoài ra, có quá nhiều tác động (thí dụ như: sự ủng hộ mạnh mẽ của bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, EU; những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông; sự thiếu tôn trọng đầy đủ với Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC); cơ hội để thể hiện sự lớn mạnh của ASEAN v.v.) khiến các nước ASEAN muốn vượt qua rào cản “phương cách tiệm tiến truyền thống” để đẩy nhanh tiến độ đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc ngay tại hội nghị AMM 45 này. Sự tự tin của ASEAN vào việc sẽ đàm phán thành công với Trung Quốc tại AMM 45 được truyền thông khu vực giúp sức khá nhiều. Tất cả đều tạo nên một viễn cảnh bên thềm hội nghị AMM 45. Chính vì thế, kết quả của AMM 45 gây thất vọng cho nhiều thành viên ASEAN âu cũng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả chặng đường phát triển của ASEAN, chỉ tính trong vòng hơn 10 năm qua, thì sẽ thấy, kết quả trên không thực sự nghiêm trọng như vậy.
Thứ nhất, giữa Tuyên bố ứng xử (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử (COC) tồn tại sự khác biệt rất lớn về chế tài, chính vì thế đòi hỏi ASEAN và Trung Quốc phải có thời gian tiếp xúc, đối thoại. Quan trọng hơn cả, là cả hai phía, đặc biệt là Trung Quốc phải có sự thành tâm, thật sự hướng tới đàm phán. Nhưng vào thời điểm hiện tại (khi diễn ra hội nghị AMM 45), sự thành tâm khó có thể đạt được khi Trung Quốc đang muốn thể hiện sự lớn mạnh vượt trội của mình với ASEAN, đồng thời cũng muốn răn đe chính sách “tái cân bằng châu Á” của chính quyền Obama. Khẳng định sẵn sàng đàm phán song phương của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì chẳng khác gì lời tuyên bố, Trung Quốc sẽ đàm phán nhưng không phải tại AMM 45.
Thứ hai, ASEAN tuy đã đạt được nhiều thành công trong quá trình hoàn thiện Hiệp hội, nhưng rõ ràng những khác biệt về nhiều mặt khiến ASEAN còn lâu nữa mới trở thành một khối thống nhất, gắn bó chặt chẽ. Thí dụ như trong lĩnh vực kinh tế, đối với các nhà đầu tư, ASEAN vẫn chỉ là 10 nền kinh tế riêng rẽ bởi tính tương đồng trong cơ cấu cũng như mô hình nặng về xuất khẩu ra bên ngoài.
Trong vấn đề Biển Đông, sự chia rẽ giữa các thành viên là điều khó tránh bởi chỉ một số thành viên có liên quan quan trực tiếp đến các tranh chấp hiện nay. Đành rằng, tất cả mọi thành viên đều hiểu một điều sơ đẳng là trong Hiệp hội “họa cùng hưởng, phúc cùng chia”. Chính cơ chế gắn bó lỏng lẻo (còn gọi là phương cách ASEAN) cộng với sự đa dạng về văn hóa cũng như chênh lệch về trình độ phát triển (ngắn gọn là những mục tiêu của mỗi thành viên) tất yếu dẫn đến những toan tính giữa “cái tôi” và “cái chúng ta” trong một số tình huống mà trong vấn đề Biển Đông là một ví dụ.
Thái độ của chính phủ Campuchia tại AMM 45 cũng chẳng có gì là khó hiểu. Trong vấn đề COC, đối với chính phủ Campuchia, thậm chí có thể đó là vấn đề của “một số” chứ không phải là của “chúng ta”, đấy là chưa kể đến những mối ràng buộc gữa họ với Trung Quốc. Những tình huống tương tự, không phải chỉ với Trung Quốc mà có thể với Mỹ, Nhật Bản v.v., chắc chắn sẽ còn lặp lại trong tương lai.
Thứ ba, Trong quá khứ, phương cách ASEAN đã giúp các thành viên khắc phục vấn đề này thông qua một quá trình tham vấn, đối thoại lâu dài. Kết quả của AMM 45 cho thấy, quá trình tham vấn giữa các thành viên hoặc chưa được thấu đáo hoặc chưa đủ thời gian để có được sự đồng thuận. Hơn nữa, sự hậu thuẫn của nhiều phía, kể cả truyền thông, dẫn đến sự tự tin thái quá của ASEAN trong việc có thể đàm phán được với Trung Quốc tại AMM 45. Nói cách khác, ASEAN đã muốn đốt cháy thời gian mà “dục tốc thì bất đạt”.
Như vậy, thất bại của AMM 45 phản ánh thực trạng của Hiệp hội khi vẫn còn tâm lý và tư tưởng, cháy nhà người khác chưa lo bởi nhà mình chưa cháy, và đây chính là điều hết sức hữu ích cho quá trình phát triển tiếp theo của ASEAN.
Chấp nhận thất bại tạm thời cũng có nghĩa là nhìn rõ hơn điểm mạnh, yếu của định chế ASEAN đặc biệt trong quan hệ với các đối tác và các nước lớn, để có quyết tâm vươn tới thành công.