1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bất chấp lệnh trừng phạt, Đức không thể rời bỏ Nga

Đức đề xuất xây dựng dự án đường sắt cao tốc ở Nga dù nước này vừa cùng với các thành viên EU khác kéo dài trừng phạt đối với Moscow.

Tập đoàn đường sắt Trung Quốc và Công ty đường sắt Nga đang khởi động một dự án mới nhằm thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối liền Moscow với thành phố Kazan. Tuyến đường sắt được kỳ vọng có thể kéo dài đến tận Bắc Kinh để rút ngắn thời gian đi tàu từ Moscow đến Bắc Kinh xuống còn 48 giờ.

Bất chấp lệnh trừng phạt, Đức không thể rời bỏ Nga - 1

Nga đã nhận được đề nghị đầu tư 2 tỷ Euro từ Đức.

Phó Giám đốc công ty đường sắt Nga Aleksandr Misharin cho biết: “Chúng tôi đã nhận được một lời đề nghị từ các đồng nghiệp Đức về việc ký kết hợp tác, trong đó phía họ cam kết sẽ đầu tư 2 tỷ Euro cho dự án này với nhiều điều kiện khác nhau. Tuy nhiên ông Misharin cũng cho hay hợp đồng hợp tác vẫn chưa được ký kết và dự án vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều nguồn hỗ trợ tài chính. Trước đó, Trung Quốc đã đồng ý đầu tư khoảng 6 tỷ USD cho dự án này.

Tuyến đường sắt cao tốc Moscow-Kazan dự kiến dài 700km và cần đến 10 năm để hoàn thành với tổng kinh phí ước tính khoảng 21,4 tỷ USD.

Thông tin Đức muốn tham gia vào dự án đường sắt khổng lồ ở Nga cho thấy các doanh nghiệp nước này khó có thể bỏ qua mối lợi làm ăn với Moscow dù chính phủ Đức vừa cùng 27 nước châu Âu khác nhất trí kéo dài thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga do sự can dự của Nga vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Năm 2013, Đức đã xuất khẩu sang Nga một lượng hàng hóa có giá trị lên tới 36 tỷ euro, bằng gần 1/3 tổng kim ngạch của cả châu Âu. Hiện nay có khoảng 6.200 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Nga với số vốn đầu tư vào khoảng 20 tỷ euro.

Bởi mối làm ăn chặt chẽ với Nga nên trong hơn 1 năm qua, lệnh trừng phạt mà Đức cùng các đồng minh phương Tây áp đặt lên Nga đã mang lại "phản đòn" khá mạnh mẽ. Theo ước tính của Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu, trong năm 2015, nền kinh tế Đức mất tới 290.000 việc làm và bị mất 10 tỷ USD doanh thu đáng lẽ phải có từ thị trường Nga. Năm 2014, xuất khẩu từ Đức sang Nga giảm 7,2 tỷ USD so với năm 2013.

Thời gian qua, nhiều công ty Đức đã gây áp lực lên chính quyền để chính phủ mau tìm cách tháo dỡ lệnh trừng phạt kinh tế Nga càng sớm càng tốt.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt