1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bất chấp lệnh ngừng bắn, diễn biến ở Aleppo vẫn khó lường

Tương lai thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo sẽ đi đến đâu chưa rõ, nhưng cuộc chiến ở Syria chắc chắn sẽ chưa thể chấm dứt.

Lệnh ngừng bắn ở Aleppo đang có hiệu lực để mở đường cho việc sơ tán những người mắc kẹt trong vùng chiến sự. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn rất khó để xác nhận chính xác có bao nhiêu dân thường còn đang ở trong những khu vực nhỏ lẻ do lực lượng nổi dậy kiểm soát.

Lệnh ngừng bắn ở Aleppo đang có hiệu lực để mở đường cho việc sơ tán những người mắc kẹt trong vùng chiến sự. (Ảnh: AFP)
Lệnh ngừng bắn ở Aleppo đang có hiệu lực để mở đường cho việc sơ tán những người mắc kẹt trong vùng chiến sự. (Ảnh: AFP)

Diễn biến phức tạp tại Aleppo

Ngày 13/12, các lực lượng chính phủ Syria và các nhóm nổi dậy còn lại ở Aleppo đạt một thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, theo đó mở một hành lang an toàn để sơ tán dân thường và các tay súng rút khỏi thành phố.

Thỏa thuận nói trên có được trong bối cảnh các lực lượng chính phủ và đồng minh đã kiểm soát 99% các khu vực do quân nổi dậy chiếm giữ ở Aleppo kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu năm 2011. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục các nỗ lực cùng với Mỹ, Iran, Liên minh châu Âu (EU) cũng như các quốc gia vùng Vịnh để giúp các tay súng nổi dậy rút khỏi Aleppo.

Hoạt động sơ tán dự kiến bắt đầu tiến hành vào khoảng 5h sáng 14/12 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, 3 giờ sau đó, hàng chục chiếc xe buýt của chính phủ dùng để chở những người sơ tán vẫn tập trung tại đường giáp ranh của khu lân cận Saleheddin. Một số nguồn tin cho biết, hoạt động này được hoãn lại đến ngày 15/12.

NPR dẫn nguồn tin từ phóng viên Anne Barnard của New York Times cho biết: “Cho đến nay chưa có ai được sơ tán. Đoàn xe đầu tiên đã cố gắng rời đi nhưng bị lực lượng dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn chặn lại. Dường như Iran và Chính phủ Syria cảm thấy không hài lòng vì không được góp mặt trong thỏa thuận của Nga và Thổ Nhĩ kỳ”.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc lại thông báo đã nhận được một số thông tin về việc lực lượng nổi dậy ngăn cản người dân chạy khỏi Aleppo và sử dụng họ làm lá chắn sống.

Đoàn xe chờ chở người sơ tán khỏi thành phố Aleppo. (Ảnh: AFP)
Đoàn xe chờ chở người sơ tán khỏi thành phố Aleppo. (Ảnh: AFP)

Hãng tin AP đưa tin, ngoài việc sơ tán bị hoãn loại, các cuộc giao tranh và pháo kích lẻ tẻ cũng đã xuất hiện ở một số khu vực ở Aleppo.

Một số nhà hoạt động có mặt tại Aleppo và phương tiện truyền thông ủng hộ phe đối lập nói rằng, lực lượng dân quân ủng hộ Chính phủ Tổng thống Bashar Al-Assad đã “khởi động lại những đợt nã pháo vào các địa điểm do phe nổi dậy chiếm giữ vào sáng 14/12”. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, thủ phạm vi phạm lệnh ngừng bắn chính là lực lượng phiến quân.

Trong khi các bên vẫn không ngừng đổ lỗi cho nhau thì người dân ở phía Đông Aleppo đã mô tả tình hình trong những ngày qua là “đổ máu khủng khiếp”. Một số người nói với NPR rằng, họ không có thức ăn, không có nhiên liệu, không dịch vụ y tế trong khi nguy hiểm luôn thường trực trên đường phố, trong mọi ngõ ngách.

Tổ chức tình nguyện bảo vệ dân sự Mũ bảo hiểm trắng cho biết, hiện chưa thể cung cấp số liệu chính xác về những người đang cần trợ giúp nhân đạo ở khu vực phía Đông Aleppo.

Cho đến nay, giới quan sát đều có chung nhận định cho rằng, việc giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát thành phố Aleppo là chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến lược quan trọng đối với Chính quyền Assad bởi nó giúp quân đội Syria tăng cường thế kiểm soát dọc theo khu vực “xương sống” phía Tây Syria.

Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận ngừng bắn

Trước những diễn biến khó lường ở Aleppo, để cứu vãn thỏa thuận mở lối thoát cho dân thường và lực lượng đối lập tại Aleppo, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 14/12 đã có cuộc điện đàm để bàn về thỏa thuận ngừng bắn.

Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo phải được thực hiện và các vụ vi phạm thỏa thuận cần phải chấm dứt. Hai bên tái khẳng định cam kết khởi động việc sơ tán dân thường và các tay súng đối lập ở Aleppo qua các hành lang an toàn càng sớm càng tốt.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng nước này John Kerry đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga và Qatar, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Aleppo và nối lại các cuộc đối thoại chính trị để chấm dứt xung đột.

Tình hình chiến sự ở Syria được cho là sẽ còn nhiều diễn biến khó lường trong thời gian tới. (Ảnh: AFP)
Tình hình chiến sự ở Syria được cho là sẽ còn nhiều diễn biến khó lường trong thời gian tới. (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, cả Đức và Pháp lại cùng lên tiếng cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm cho tình trạng leo thang căng thẳng tại Syria đồng thời hối thúc Mosow ngừng không kích để mở đường cho kế hoạch sơ tán dân thường khỏi Aleppo cũng như đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân Syria.

Tân Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cũng thừa nhận tình trạng leo thang căng thẳng tại Aleppo là hệ quả của một chính sách ngoại giao quốc tế không thành công.

Qua những diễn biến phức tạp trên thực địa cộng với việc các bên liên quan còn khác biệt trong cách tiếp cận, có thể thấy, bước tiến đạt được ở Aleppo nhiều khả năng vẫn không phải là tín hiệu về một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước Syria vốn đã gần 6 năm chìm trong nội chiến.

Bản thân Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 14/12 tuyên bố, các hoạt động quân sự sẽ không chấm dứt sau khi quân đội nước này giành lại hoàn toàn Aleppo và đánh bật các nhóm vũ trang ra khỏi thành phố này.

Nhà lãnh đạo Syria cũng lưu ý rằng, việc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố Palmyra với số lượng vũ khí và các tay súng rất lớn cho thấy nhóm khủng bố này nhận được hỗ trợ trực tiếp từ một số nước.

Bình luận về những diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc chiến Syria, nhà phân tích Greg Myre của NPR cảnh báo: “Ông Assad có thể khẳng định vị trí qua một trong những chiến thắng quan trọng nhất kể từ khi cuộc chiến nổ ra hồi năm 2011. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đổ máu ở Syria đã kết thúc mà nó đang bước vào một giai đoạn mới”./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN